Xã Ma Lé là điểm nhấn với du khách đến với Cao nguyên đá Hà Giang, nơi đây có những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi và không gian văn hóa của người Giáy. Nằm ẩn mình giữa những dãy núi đá trùng điệp, trắc trở với khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ. Xã Ma Lé cách trung tâm huyện Đồng Văn12 km và được chia thành 12 thôn: Bản Thùng, Khai Hoang, Lèng Sảng, Má Lầu A, Má Lầu B, Má Lé, Má Lủng A, Má Lủng B, Má Xí A, Má Xí B, Ngài Trố, Tắc Tằng.
Trong thôn Ma Lé hiện có một ngôi nhà cổ nhất, đó là Ma Lé homestay với tuổi đời 240 năm mang đậm kiến trúc, văn hóa truyền thống của người dân tộc Giáy. Đặc biệt, ngôi nhà như một bảo tàng với những phiến đá ghi dấu những hóa thạch cách đây hàng trăm triệu năm. Homestay này rất phù hợp với những du khách đam mê khám phá địa chất và và trải nghiệm văn hóa truyền thống, cuộc sống hàng ngày cùng người dân địa phương trên vùng Công viên địa chất.
Ngôi nhà cổ này đã được bảo tồn khá nguyên vẹn và đưa vào làm du lịch, kết nối các tua, tuyến du lịch đến dừng chân, tham quan, khám phá. Khách du lịch có thể ăn nghỉ tại đây, thưởng thức các món ăn bản địa và khám phá kiến trúc của ngôi nhà cũng như bản Ma Lé.
Kiến trúc của ngôi nhà 240 tuổi này còn giữ được hầu như nguyên vẹn, vào thăm ngôi nhà mới thấy hết được sự tài hoa của người Giáy trong việc xây dựng nhà cửa. Người Giáy có kỹ thuật ghép đá, chạm khắc trên đá, trên gỗ được thể hiện bằng con sơn hình hoa cúc, đèn lồng, con thú... khá tinh xảo, một điều ít thấy ở các dân tộc sống trên cùng địa bàn.
Chân tường của ngôi nhà được làm bằng 160 khối đá xanh lớn, được người dân khai thác cách đó hơn 20km. Trước kia, để đẽo gọt được một viên đá có kích thước cao 35cm, dài 60cm, một người thợ phải làm liên tục trong nhiều ngày.
Những viên gạch kết dính nhau bằng một thứ keo được làm bằng mật mía và phân trâu. Ngoài vật liệu đá, gạch thì ngôi nhà cổ này còn được làm bằng nhiều loại gỗ quý như gỗ thông đỏ, thông đá và gỗ nghiến. Trong ngôi nhà có nhiều ô cửa sổ nan trám được tô điểm bằng nhiều hoa văn.
Khu làng cổ Ma Lé mang đậm nét kiến trúc của người Giáy với những ngôi nhà sàn hai tầng được làm bằng các loại gỗ rừng. Hiện có gần 50 ngôi nhà, người dân sinh sống trong bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Giáy.Tuy nhiên, do người Giáy sống gần với người H’Mông, nên có sự ảnh hưởng giao thoa về văn hóa với người H’Mông, điều đó đã tác động phần nào đến kiến trúc nhà ở, nhà trình tường đất, mái lợp ngói âm dương.
Các nhà trong thôn đều xây dựng sát nhau tạo thành các dinh thự. Mái nhà được lợp ngói âm dương, nhà gồm 2 tầng, tầng 1 được bao bởi tường trình đất, cột, kèo thường được làm bằng gỗ nghiến, tay kèo có đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo, đặc biệt là có hình khắc đầu đao bằng rồng, chân cột nhà được đặt trên các phiến đá xanh chạm hình quả thuốc phiện và các hình trong 12 con giáp.
Theo tìm hiểu, thôn Ma Lé trước kia là vùng đất giàu có, nơi đây nằm trên cung đường vận chuyển thuốc phiện từ Đồng Văn sang Trung Quốc thời Pháp đô hộ. Người dân thôn Ma Lé biết chữ Hoa. Đến thôn Ma Lé lúc này, vẫn còn những dấu tích được người dân lưu giữ lại như: Gia phả, lò nung ngói âm dương, các hình thù được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh… Đây là bằng chứng hết sức quan trọng nói lên vùng đất này một thời giàu có và văn minh. Bên cạnh đó, người Giáy ở thôn Ma Lé còn biết canh tác trồng lúa nước và không ăn mèn mén, vì thế mà nơi đây không chỉ có những ngôi nhà cổ mà còn những thửa ruộng bậc thang rất đẹp được bà con khai phá.