Đó là chia sẻ của chị Mai Liên (sống tại một chung cư ở Hà Đông, Hà Nội), sau thời gian dài mệt mỏi cùng bà con cư dân đi đấu tranh với chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Trên gương mặt chị không giấu nổi sự mệt mỏi. Một năm nhận nhà, niềm vui tân gia chưa được trọn vẹn, cư dân ở chung cư như chị đã gặp phải hàng loạt vấn đề phát sinh.
Từ việc các tiện ích chung cư không có như quảng cáo ban đầu của chủ đầu tư cho tới chất lượng toà nhà kém, chưa kể họ còn tận dụng nhiều không gian chung của cư dân để kinh doanh,... Cực chẳng đã, cư dân kêu gọi nhau khiếu nại chủ đầu tư. Kiện cáo kéo dài, kết quả giải quyết giữa hai bên không thoả đáng. Cơ quan chức năng vào cuộc không quyết liệt.
Cuối cùng, cư dân toà nhà này đành mang băng rôn, khẩu hiệu đi đòi quyền lợi. Liên tiếp nhiều ngày, bà con cư dân từ người già tới trẻ con, xếp hàng dưới tầng 1 với ánh mắt mệt mỏi, chờ đợi những câu trả lời thoả đáng từ chủ đầu tư. Vừa tan sở, các gia đình đã phải xuống sân để đòi quyền lợi, tối ăn tạm bánh mỳ,...
“Nếu nghĩ khổ thế này thì tôi đã không lên chung cư ở làm gì. Dưới mặt đất, dù gì cũng là nhà mình, không phải lo ai quản lý. Giờ có chống đối chủ đầu tư họ cắt nước, cắt dịch vụ coi như bà con chết khô”, chị Liên ngán ngẩm.
Sau nhiều tháng đấu tranh, các vấn đề chung cư nhà chị tới nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Theo chị Liên, với tình hình này, gia đình chị vẫn không thể sống yên ổn. “Ở chung cư, nếu không đồng lòng cùng bà con, mình sẽ bị tẩy chay ngay nên dù gì cũng phải đi theo ban liên lạc để giải quyết mọi việc”, chị Liên lo lắng.
Chị kể: “Nói là ở chung cư cao cấp ai cũng nghĩ mình sang chảnh, ra vào thang máy, này nọ. Có ai nghĩ cả nhà mình suốt ngày phải ăn bánh mỳ, bố mẹ gửi con sang nhà ông bà ngoại. Nếu cứ tiếp tục thế này, mình thấy mệt mỏi. Chắc chỉ còn nước bán nhà đi xuống đất ở”.
Thực tế, câu chuyện của chị Liên là điển hình của một trong nhiều cư dân đang phải chịu cảnh sống bấp bênh ngay trong chính căn hộ tiền tỷ của mình. Sau khi mua nhà, người dân mới ngã ngửa, rằng những quảng cáo như chủ đầu tư hứa đều không đúng với thực tế. Vì quyền lợi của mình, họ đành phải đi đòi quyền lợi, bất đắc dĩ họ tìm cách treo băng rôn dù biết đã phải làm xấu toà nhà của mình.
Đơn cử như dự án Hồ Gươm Plaza, đến nay, sau gần 3 năm kể từ khi bàn giao, cư dân ở đây luôn tỏ ra bức xúc và đã nhiều lần phản đối quyết liệt chủ đầu tư bằng hình thức căng băng rôn.
Tương tự như vậy, tại dự án Golden West trên đường Lê Văn Lương cũng liên tục bắt gặp hình ảnh cư dân đội mưa treo băng rôn vào giờ tan tầm, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực. Cư dân nêu ra hàng loạt các vấn đề liên quan tới diện tích sở hữu chung, các giấy tờ hoàn thiện, an toàn, hội nghị chung cư,... và thông tin về quỹ bảo trì thì còn nhiều mập mờ. Việc tòa nhà chưa được nghiệm thu PCCC mà chủ đầu tư đã cho cư dân vào sinh sống khiến họ đang phải đối mặt với vấn đề an toàn.
Còn cư dân dự án Home City thì không có đường vào nhà. Chặn lối đi của cư dân, tự ý thay đổi đơn vị quản lý, tự ý vẽ vạch ngăn đường làm bãi đậu xe, thu phí dịch vụ Internet giá chênh cao,... là những sai phạm mà cư dân Home City tố chủ đầu tư dự án.
Hay như dự án Mipec Riverside, không chấp nhận các mức phí dịch vụ, phí trông giữ ô tô quá cao mà chủ đầu tư đưa ra, cư dân chung cư Mipec Riverside Long Biên đã tổ chức căng băng rôn phản đối,... khiến các tầng kinh doanh dịch vụ dưới toà nhà "tê liệt".
Hàng loạt các dự án khác trên địa bàn Hà Nội từ cao cấp tới bình dân cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Có thể nói, những gì đang diễn ra tại nhiều chung cư khiến không ít người mua nhà nuối tiếc về quyết định bán nhà đất mua chung cư của mình. Vì thế, những người đang có nhu cầu mua nhà cần hết sức cân nhắc về sự lựa chọn của mình.
“Đọc kỹ hướng dẫn trước khi mua nhà” vẫn luôn luôn đúng trong mọi trường hợp./.