Phải tìm ra cách giải quyết tổng thể, nhanh chóng
Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và các doanh nghiệp bất động sản về những vướng mắc cần tháo gỡ, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo UBND TP đã ghi nhận nhận tất cả các kiến nghị và sẽ bắt tay tìm hướng giải quyết, sắp xếp những việc cần làm gấp để kịp thời xử lý.
Công việc tiếp theo là UBND TP sẽ chủ trì các cuộc họp với các Sở, ngành để hệ thống lại những quy định về Luật, xem chồng chéo, bất cập ở đâu để gỡ. Theo ông Hoan, phải tìm một cách nào đó để giải quyết tổng thể chứ không thể đi quá chi tiết từng dự án vì “muôn hình vạn trạng” không biết đến bao giờ mới xong.
Quy trình thì cần phải có sự cam kết về trách nhiệm, nhưng mà ở đây có sự cam kết mạnh mẽ hơn quy trình chính là lập một tổ chuyên viên để giải quyết vấn đề này chứ không thể nay người này mai người kia đi họp. Bởi có những vấn đề có thể người này hiểu đúng nhưng người kia hiểu không đúng, hoặc người này hiểu đúng rồi nhưng ngày mai người khác đi họp lại hiểu sai.
Do đó, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) nhanh chóng lập tổ công tác chuyên gia chịu trách nhiệm, thống nhất cách làm chung nhưng phải hành động ngay từ bây giờ để thảo luận cho hết tất cả vướng mắc. Về các dự án, đề nghị doanh nghiệp củng cố hồ sơ, lọc ra cái nào cần làm trước thì làm ngay chứ không chờ.
Ông Hoan cũng cho rằng quy trình cơ bản là 5 bước nhưng đây không phải là yếu tố gây cản trở cho các dự án. Nguyên tắc là 5 bước nhưng các Sở, ban, ngành cũng cố gắng nếu có thể thì gộp 2 trong 1 nhưng căn cứ theo cơ sở pháp luật. Bước 1 và 2 có thể gộp chung nếu tổ chuyên gia được giao nhiệm vụ.
Ông Hoan chốt lại 2 việc cần làm: Thứ nhất là UBND TP sẽ lên phương án thảo luận, thống nhất những vấn đề cần làm ngay để báo cáo lên Trung ương kiến nghị giải quyết.
Thứ 2 là các dự án được kiến nghị thời gian qua sẽ có các tổ công tác tháo gỡ dần. Trong 19 doanh nghiệp có dự án vướng mắc đã báo cáo tại cuộc họp, UBND TP sẽ sắp xếp các cuộc họp tiếp theo với từng sở, ban, ngành liên quan xem xét, đưa ra giải pháp cụ thể từng vấn đề và sớm có kết luận.
Lãnh đạo nếu cần có thể làm việc ngoài giờ
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các lãnh đạo Sở, ngành phải có giải pháp quyết liệt hơn, không để một vấn đề nhỏ mà kéo dài thời gian lên đến cả năm trời. Sau cuộc họp, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến gửi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị Thủ tướng hoặc Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng phối hợp các bộ, ngành báo cáo về các vướng mắc, hoạt động của các doanh nghiệp để tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Văn phòng Uỷ ban phối hợp với Hiệp hội hệ thống hóa các vấn đề và làm ngay. Về các vướng mắc thuộc quy trình thủ tục của UBND TP nếu hôm nay chưa thể triển khai thì báo cáo lại cho người đứng đầu để xử lý sau.
Về các dự án NƠXH cũng phải có bước đi phù hợp, thảo luận bước 1 2 3 4 5 6, vấn đề là gì và thời gian giải quyết ra sao để đẩy nhanh việc triển khai các dự án. Về mặt tổ chức công việc thì phải xác định hướng đi, mục tiêu, các cơ quan có trách nhiệm đẩy nhanh việc triển khai các dự án để vừa có lợi có doanh nghiệp vừa có lợi cho thành phố.
Chủ tịch TP đề nghị lãnh đạo các Sở ban ngành phải luôn giữ thái độ là bàn bạc, hợp tác, đẩy nhanh công việc, không kéo dài gây thiệt hại nhiều thứ. Chậm trễ gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, ảnh hưởng nguồn lực kinh doanh mà quan trọng nhất là ảnh hưởng uy tín của người đứng đầu các cơ quan với tư cách là người phục vụ doanh nghiệp, nhân dân. Đề nghị trên cơ sở tiếp thu kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dựa trên quy định của pháp luật.
Về vấn đề chênh nhau giữa các Luật cũng gây khó khăn cho các sở, ngành. Bởi lẽ, nếu tách biệt ra để giải quyết là sai, mà sai thì không ai dám đứng ra giải quyết. Do đó, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan để đưa ra quyết định thống nhất. Có những vấn đề cần phải ngồi họp lại với nhau, tốn thời gian một chút nhưng sẽ tìm ra giải pháp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh về việc quy hoạch dựa theo dân số đang có nhiều bất cập. Tại TP.HCM con số thống kê mang tính chất pháp lý là 8,9 triệu dân nhưng thực tế lượng người sống và làm việc tại TP.HCM hiện là 13 triệu dân. Trong khi đó, ngân sách chỉ cấp phát cho 8,9 triệu dân nên cũng gây khó khăn cho thành phố trong việc phân bố quy hoạch đô thị. Kéo theo việc dân số tăng nhanh, bài toán về nhà ở, rác thải, ngập úng… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án nhà ở trên địa bàn.
Đề cập đến 19 doanh nghiệp có dự án đang bị đình trệ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị hình thành tổ công tác, cho gia hạn đến 30/4 sẽ xong, trong tháng 6 sẽ dứt điểm về thông tin xử lý cho các dự án. UBND TP mỗi tuần sẽ họp 1-2 lần, đề nghị Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên Môi trường phân công tổ công tác hàng tuần tham gia cuộc họp. Thậm chí, làm việc ngoài giờ, cuối tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với các dự án đã thanh tra xong, thanh tra cho chạy rồi thì phải cho chạy. Cơ quan ban ngành ngồi lại mổ xẻ từng dự án, cái nào không triển khai được thì cho dừng, cái nào có thể gỡ được thì đề nghị các sở, ngành lập tức báo cáo Ban thường vụ thành ủy, báo cáo thanh tra cho chạy. Về độ vênh của các điều khoản Luật, UBND TP cho biết đã bắt tay tìm giải pháp tháo gỡ, sắp tới sẽ báo cáo tại Quốc hội.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị triển khai phương án thành lập một đội tiếp nhận ý kiến để doanh nghiệp khi có vấn đề thì có nơi để gọi, để hỏi. Bởi lẽ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khi gặp vấn đề thì không biết gọi ai, tìm ai để được hỗ trợ. Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Phó Chủ tịch Võ văn Hoan và Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cứ 3 tháng sẽ ngồi với doanh nghiệp một lần. Những kiến nghị thuộc phạm vi của cơ quan thì cơ quan đó tiếp nhận, phản hồi cái nào làm được, cái nào không làm được thì phải phê bình ngay. Nếu có vấn đề thì các cơ quan tiếp nhận phải báo cáo lên UBND TP.
“Tới đây thành phố sẽ hình thành hội đồng phát triển kinh tế sạch. Trách nhiệm của các cơ quan ban ngành bây giờ là phải tạo dựng môi trường tốt để tạo điều kiện cho các doanh ngiêp phát triển. Các doanh nghiệp lớn, các cơ quan nghiên cứu đào tạo có liên quan cần thành lập hội đồng để ngoài trao đổi thì còn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.