Aa

Các “đại gia” địa ốc kiến nghị gì với TP.HCM để tháo gỡ các điểm nghẽn?

Thứ Bảy, 22/02/2020 - 08:00

Sáng 22/2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Để chuẩn bị cho hội nghị, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có báo cáo tổng hợp về các dự án bị vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp có tên tuổi đã nêu những vướng mắc và kiến nghị cho phép chủ đầu tư được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân, giúp cho thị trường tiếp tục được vận hành ổn định.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho biết, đối với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2), Novaland đề xuất với các bộ, sở, ngành 2 phương án để thực hiện.

Phương án 1: Được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.

Phương án 2: Được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Ảnh minh họa.

Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, đơn vị này đã trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1/12/2004 để thực hiện Dự án Dragon City.

Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND Thành phố cấp "sổ đỏ".

Tuy nhiên đến nay, tại Phân khu số 15 của Dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty không thể triển khai dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện 220 kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của công ty.

Phú Long đã chuyển hơn 160 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng hơn 12 năm nay, Trung tâm và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất cho Công ty thực hiện dự án và chưa biết bao giờ việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện xong.

Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam cho biết, Công ty là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam (phường Phước Bình, quận 9) đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.

Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng và dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.

Công ty Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo quy hoạch được duyệt.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đề nghị được sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Đại diện của Quốc Cường Gia Lai cho biết, dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91ha, dự kiến có thể mang đến doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Dự án này đã được UBND Thành phố “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017.

Do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên Công ty phải quay về Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu.

“Do bất cập của các chính sách mà Công ty mất hơn 3 năm cũng chưa làm xong thủ tục. Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh. Công ty không biết xoay sở vào đâu, dòng tiền thu - chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do Công ty chúng tôi gây ra”, đại diện Quốc Cường Gia Lai cho biết.

Liên quan đến chương trình cải tạo kênh rạch - là 1 trong 7 chương trình đột phá của Thành phố có nguy cơ “vỡ trận” mà nguyên nhân là do vướng một số thủ tục.

Vì vậy, Công ty Hà Nội Ngàn Năm đang đề xuất UBND Thành phố cho phép thực hiện dự án di dời, chỉnh trang nhà trên và ven Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) theo phương thức đối tác công - tư bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top