Aa

Bản tin BĐS 24h: Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát dự án gắn 'mác' công trình xanh

Thứ Bảy, 12/12/2020 - 18:50

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát dự án gắn 'mác' công trình xanh; Căn hộ tại TP Thủ Đức lập mặt bằng giá kỷ lục; Người dân khốn khổ vì dự án 'treo'; Cò đất nở rộ rao bán suất tái định cư Long Thành là những tin chính.

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát dự án gắn 'mác' công trình xanh

 Theo TC Kinhtemoitruong, sáng ngày 11/12, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Tọa đàm chính sách phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng - Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020. Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đã trình bày bài tham luận nêu rõ hiện trạng và đề xuất định hướng chính sách phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh.

Ông Thịnh chia sẻ, ngay trước khi diễn ra Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020, Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản của Tạp chí Kinh tế Môi trường thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. Theo đó, Tạp chí phản ánh thực trạng có rất nhiều dự án gắn "mác xanh", lấy đó làm cơ sở nâng giá sản phẩm. Trong khi đó, theo thống kê của IFC, tính đến quý III/2020, Việt Nam chỉ có 155 công trình đạt chứng nhận xanh.

Thực tế, có tình trạng chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm. 

Thực tế, có tình trạng chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm. Khách hàng nhiều khi bỏ tiền mua căn hộ được quảng cáo là công trình xanh nhưng thực chất không xanh.

Chia sẻ tại khuôn khổ Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2020, đại diện Hiệp hội Công nghệ Môi trường Việt Nam cho biết, theo thống kê của IFC, Việt Nam hiện có 155 công trình đăng ký và đã được cấp chứng chỉ xanh. Tuy nhiên, 155 công trình mới dừng lại ở khâu thiết kế, đạt được chứng nhận về thiết kế. Thực tế, chưa có đơn vị, tổ chức nào sau khi xây dựng đạt được các chỉ thiêu đã thiết kế hay không. Qua quá trình khảo sát, Hiệp hội Công nghệ Môi trường Việt Nam nhận thấy, trong thi công, có nhiều chủ đầu tư không tuân thủ thiết kế ban đầu, thi công dang dở lấy lý do thiếu vốn, đội chi phí để thay đổi vật liệu, cuối cùng dẫn đến việc công trình không đạt hiệu quả như thực tế thiết kế.

Căn hộ tại TP Thủ Đức lập mặt bằng giá kỷ lục

Theo khảo sát của VnExpress, với thị trường nhà ở quận 9 và Thủ Đức - nơi trước đây chỉ phổ biến dòng sản phẩm căn hộ trung cấp và bình dân, bất ngờ gây xôn xao giới buôn bất động sản khi xuất hiện dự án mới có giá chào bán từ 60 triệu đến hơn 90 triệu đồng mỗi m2. Đây là mức giá bán chưa từng xuất hiện trên thị trường căn hộ Thủ Đức và quận 9 trước đó.

Cụ thể, vài tuần qua, một dự án căn hộ tọa lạc trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, đã mở rổ hàng booking cho khách đóng tiền giữ chỗ với mức giá bán dự kiến (chưa chính thức nhưng đang thăm dò phản ứng của thị trường) được tiết lộ khoảng 4.000 USD mỗi m2, tương đương 93 triệu đồng mỗi m2. Đây là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên trên địa bàn quận Thủ Đức có giá bán lên đến hàng nghìn đôla mỗi m2, cao nhất trên địa bàn này từ trước tới nay.

Trong khi đó, một dự án thành phần có vị trí sát công viên 36ha của khu đô thị tọa lạc tại quận 9, TP HCM, view căn hộ (hướng nhìn) trực diện sông Đồng Nai đang nhận booking đợt hai, giá chào bán dự kiến 60 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là mức giá căn hộ cao nhất địa bàn quận 9 từ trước đến nay. Được biết giá bán đợt đầu tiên của dự án này nằm ở ngưỡng 50-55 triệu đồng mỗi m2.

Căn hộ tại TP Thủ Đức lập mặt bằng giá kỷ lục (ảnh: Hữu Khoa)

Với top 2 dự án đang mở booking có diễn biến thiết lập mặt bằng giá mới này cho thấy trục tam giác ba quận 2, 9, Thủ Đức tạo nên TP Thủ Đức đang nổ ra cuộc đua nâng cấp thị phần nhà ở một cách mạnh mẽ trong quý cuối cùng của năm 2020. Biến chuyển lớn nhất là trục đô thị phía Đông TP HCM trước đây chỉ có quận 2 là thủ phủ của chung cư cao cấp (nổi lên phố nhà giàu Thảo Điền, Thủ Thiêm, An Phú) thì nay phân khúc nhà ở giá cao đã phủ sóng đến quận 9 và Thủ Đức.

Trao đổi với báo chí,  ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á xác nhận giá chào bán nhà chung cư tại quận 9, Thủ Đức nói riêng và tại khu Đông TP HCM nói chung đang tiếp tục leo thang trong năm 2020, bất chấp nhiều năm trước đã từng tăng nóng. Điều này hoàn toàn bình thường trong bối cảnh giá nhà toàn TP HCM liên tục leo thang trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và toàn cầu do thiếu hụt nguồn cung, tình trạng cấp phép dự án chậm.

Nguyên nhân chính của đợt thiết lập mặt bằng giá mới này là do việc quy hoạch, thành lập TP Thủ Đức nhận được sự ủng hộ cao, tạo nên cú hích tâm lý cho thị trường nhà ở trên địa bàn khu Đông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác thúc đẩy giá chung cư tại quận 9, Thủ Đức thiết lập mặt bằng giá mới là các ông lớn bất động sản, những nhà phát triển căn hộ cao cấp đã hiện diện tại địa bàn này và có thể mở rộng thị phần trong thời gian tới. Sự gia nhập thị trường của các đại gia địa ốc chuyên phát triển nhà ở cao cấp có thể thúc đẩy nâng cấp phân khúc nhà ở, từ đó định vị giá chào bán căn hộ ở ngưỡng cao hơn.

Đánh giá về diễn biến sắp tới của thị trường nhà ở phía Đông TP HCM khi đề án quy hoạch TP Thủ Đức được ủng hộ, tại buổi báo cáo tổng kết thị trường quý III, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE nhận xét biến động về giá nhà khu vực này là không thể tránh khỏi.

Năm 2021, giá chung cư TP HCM  được dự báo tăng tiếp 9%

Tại hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES 2020) ngày 11/12, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP HCM và Bình Dương của Batdongsan.com.vn cho biết giá chung cư tại TP HCM năm 2021 được dự báo tăng 9% trong khi giá nhà riêng có xu hướng ổn định.

Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm chung cư cao cấp tại TP HCM tăng 7% trong năm nay còn phân khúc trung cấp và bình dân đều giảm lần lượt 4% và 7%. Tuy nhiên, thị trường vẫn dành tỷ trọng quan tâm lớn nhất đến chung cư trung cấp. Tổng kết 10 năm (2009 - 2019), Batdongsan.com.vn thấy rằng tỷ lệ hộ gia đình ở chung cư tại TP HCM tăng 67%, cao hơn Hà Nội (53%).

Năm 2021, giá chung cư TP HCM được dự báo tăng tiếp 9%

Với nhà riêng, nhà mặt phố, giá cho thuê tại TP HCM trong năm nay đồng loạt giảm ở tất cả các quận huyện. Trong đó, số liệu cho thấy quận 1 giảm giá thuê tới 38%, Bình Thạnh 11% còn một số khác khoảng 12% hoặc 3%.

CBRE Việt Nam dự tính 2021, TP HCM có 17.500 căn hộ chào bán mới, có sự phục hồi tốt hơn ở các phân khúc, nhất là chung cư. Tốc độ tăng giá bán không đồng đều ở các phân khúc, trong đó phân khúc bình dân (dưới 1.000 USD/m2) không còn xuất hiện trên thị trường. Người mua để ở bắt đầu quan tâm đến phương thức thanh toán càng dài càng tốt (20 năm trở lên). Vì giá mặt bằng chung đã tăng nên yêu cầu của khách hàng với chung cư càng khắt khe hơn, chủ đầu tư cũng quan tâm hơn vào cơ cấu sản phẩm, hỗ trợ tài chính...

Trước đó tổng kết tình hình TP HCM quý III, CBRE Việt Nam đã chỉ ra giá bán trung bình căn hộ tại thị trường sơ cấp khoảng 2.000 USD/m2 (gần 50 triệu đồng/m2), tăng 6% cùng kỳ năm trước. Cho cả năm, CBRE dự báo giá bán căn hộ trung bình sẽ tiếp tục tăng 5% cùng kỳ năm trước, trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang có tốc độ tăng trưởng 3%.

Người dân khốn khổ vì dự án 'treo'

Theo Thanhnien, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được phê duyệt năm 2004, khởi động vào cuối năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng. Sau gần 10 năm chỉ dừng ở bước chuẩn bị, cuối tháng 09/2015, Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đề xuất xây cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện tại để kết nối giao thông thuận tiện từ trung tâm của TP. 

Tuy nhiên, vị trí xây cầu mà nhà đầu tư đề xuất lại không nằm trong quy hoạch giao thông nên TP phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét. Gần 2 năm sau, ngày 09/05/2017, Văn phòng Chính phủ mới chính thức có văn bản đồng ý cho TP HCM xây dựng cầu Cần Giờ cùng 2 công trình khác.

Người dân khốn khổ vì dự án 'treo'

Từ đó đến nay, những thông tin như UBND TP mới duyệt nhiệm vụ thiết kế tổ chức tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ - TP HCM”, đã duyệt thiết kế cầu Cần Giờ... liên tục được đưa ra, dấy lên hy vọng cây cầu mơ ước bao năm sắp thành hình, rồi lại để người dân hụt hẫng vì gần 3 năm trôi qua, cầu Cần Giờ vẫn chưa hẹn ngày khởi công.

Tương tự, cầu Cát Lái nối Q.2 (TP HCM) với H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) thay thế phà Cát Lái hiện hữu cũng là một trong những công trình được rất nhiều người dân mong ngóng. Phương án xây cầu Cát Lái đã được Thủ tướng đồng ý giao TP HCM triển khai đầu tư, nhưng sau đó tỉnh Đồng Nai được giao chủ trì kêu gọi đầu tư và đến nay vẫn còn trong giai đoạn khởi động. 

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020 có chiều dài 3.782 m, tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng, nhưng một nguồn tin của Thanh Niên cho biết hiện đã gần hết năm, dự án vẫn chưa xác định được hình thức đầu tư, tương lai còn “mờ mịt” hơn cả cầu Cần Giờ.

Không chỉ trở thành điểm nghẽn lớn gây ùn tắc giao thông, các dự án “thập thò” hàng thập kỷ không thể triển khai còn kéo theo những “cơn sốt” đất khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Đơn cử, giai đoạn 2017, trong khi Thủ tướng còn chưa có quyết định phê duyệt dự án, thông tin phà Bình Khánh sắp có cầu thay thế đã châm ngòi cho “cơn sốt” đất nền bùng nổ tại huyện đảo Cần Giờ. Chỉ trong 3 tháng, giá đất mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh tăng “chóng mặt” gấp gần 10 lần. Người đi biển bỏ biển để đi buôn đất; chợ cá, tôm cũng biến thành sàn giao dịch bất động sản (BĐS)… Không chỉ đẩy giá đất lên cao, “cơn sốt” đất còn khiến cuộc sống người dân nơi đây quay cuồng, đảo lộn. Từ đó đến nay, sau mỗi lần thông tin dự án chuẩn bị khởi công được “bơm” ra thị trường, giá BĐS lại tăng gấp đôi và hiện đã ở mức ngất ngưởng, trong khi cây cầu chưa biết khi nào mới được xây dựng.

Cùng cảnh ngộ, tại tỉnh Đồng Nai, thông tin quy hoạch, đầu tư hạ tầng dù mới chỉ là ý tưởng nhưng đã bị giới đầu tư nắm bắt đẩy giá đất Nhơn Trạch lên cao, tạo ra làn sóng “sốt đất” liên tục từ năm 1996 đến nay. Đặc biệt, năm 2014, thông tin dự án sân bay quốc tế Long Thành được thông qua chủ trương đầu tư chưa kịp hạ nhiệt, năm 2016 TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái đã tạo nên cuộc đẩy giá “ngoạn mục” cho BĐS khu vực này.

Dự án mở rộng QL13 được UBND TP HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng.

Cò đất  nở rộ rao bán suất tái định cư Long Thành

Theo baodautu, dọc con đường 769 thuộc xã Lộc An, huyện Long Thành, nơi dự án Lộc An - Bình Sơn và một số dự án tái định cư khác tọa lạc, cũng la liệt biển báo, văn phòng và các môi giới rao bán suất tái định cư với nhiều lời mời gọi hấp dẫn.

Cả khu đất hơn 200ha vẫn đang ngổn ngang chưa thấy được hình hài, nhưng Nam - tự xưng là môi giới nằm vùng - mở tấm bản đồ nhiều màu chỉ vanh vách cho khách hàng đâu là trường học, siêu thị, công viên cây xanh, thậm chí còn vẽ ra một cộng đồng dân cư sầm uất trong tương lai gần.

Môi giới này cho biết, anh có rất nhiều nguồn suất tái định cư cho những ai có nhu cầu. “Muốn lô nào, vị trí nào cũng có. Giấy tờ thì yên tâm. Mua bán giấy tay nhưng vẫn có thể cầm ra công chứng. Ở đây người ta mua nhiều rồi, riêng khu này thôi, tôi đã bán đến hơn chục lô”, Nam tự hào nói để khẳng định thêm uy tín và sự thông thuộc địa bàn.

Cò đất nở rộ rao bán suất tái định cư Long Thành (Ảnh: Trọng Tín)

Theo giải thích, những suất tái định cư này được bán ra là do những người có suất tái định cư cần tiền nên muốn bán sớm. “Mua bán hình thức này phải tin tưởng nhau, không ai muốn rắc rối, kiện tụng làm gì”, Nam nói và liên tục quảng cáo, anh vừa mới kết nối bán được 4 suất tái định cư cho một khách ở TP HCM mà họ cũng chẳng nghi ngại gì.

Tìm hiểu thì được biết, một lô tái định cư 300m2 đang được bán với giá 2,5 tỷ đồng, còn suất phụ tái định cư 100m2 được bán với giá 800 - 900 triệu đồng. “Đầu tư vào những suất tái định cư mới có giá vậy. Nếu anh có thiện chí mua thì đặt cọc trước 70% rồi người bán sẽ giao sổ hộ khẩu anh giữ để làm tin. Khi người bán được nhận đất sẽ làm thủ tục sang nhượng ngay cho anh”.

Theo UBND quận Bình Thạnh, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng lô 13-14 (giai đoạn 2) do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư. Những người dân bị giải tỏa bởi dự án phần lớn đã nhận tiền đền bù và tự tìm nơi ở mới, đồng thời họ cũng nhận được thêm suất tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, giá bán nhà tái định cư cũng sẽ được tính theo giá thị trường, chỉ những người chưa nhận tiền mới được mua nhà với giá ưu đãi.

Trở lại với câu chuyện mua bán suất tái định cư đang rất rầm rộ tại khu vực ven sân bay Long Thành, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng cho sân bay là 5.000ha. Trong tháng 10/2020, chính quyền địa phương này đã hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chi trả đối với các cá nhân, hộ gia đình trong khu vực 1.810ha; trong tháng 12/2020 này sẽ hoàn thành việc kiểm đếm và lên phương án bồi thường đối với các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực 3.190ha.

Như vậy, từ nay đến cuối năm 2020, Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu vực 5.000ha xây dựng cảng hàng không. Điều này tạo điều kiện xúc tiến nhanh dự án đầu tư công trọng điểm này, sớm ổn định cuộc sống của người dân trong diện di dời. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Đồng Nai cũng cần cảnh giác với nguy cơ thị trường mua bán suất tái định cư phình ra với nhiều hệ lụy và những rủi ro, gây mất trật tự xã hội trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top