Aa

Bản tin BĐS 24h: Dừng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại?

Thứ Bảy, 26/12/2020 - 18:50

Dừng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại; Thành uỷ Hà Nội giám sát việc TĐC, cấp sổ đỏ cho người dân; loại bỏ thủ tục rườm rà mới có thể 'kéo giảm' giá nhà tại TP HCM là những nội dung chính trong Bản tin BĐS 24h.

Dừng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại?

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, nhằm tạo lập quỹ nhà ở tái định cư cho nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân có thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Sở đã kiến nghị TP chấp thuận dừng chủ trương nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy định về cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại.

Trong giai đoạn tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thành triển khai thực hiện thí điểm 5 khu chung cư cũ, hoàn chỉnh nội dung Đề án Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tập trung đôn đốc UBND các quận huyện, thị xã di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt QHCT 1/500, rà soát thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ phải cải tạo xây dựng lại.

Tập trung phát triển các dự án NOXH, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án mới; rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội. Sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong các khu đô thị, khu nhà ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Tập trung đôn đốc các dự án nhà ở thương mại; các dự án tái định cư dự kiến hoàn thành năm 2021.

Hà Nội dừng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại?

Chủ trì, phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư, ban quản trị không chấp hành các quy định.

Tổ chức tiếp nhận nhà ở diện tự quản để quản lý và cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định số 99 của Chính phủ. Lập hồ sơ để quản lý danh mục 1.219 biệt thự. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 29 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hiện nay, công tác quản lý nhà và thị trường BĐS trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, để giải quyết vấn đề này kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý ngành Xây dựng như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Về phía TP Hà Nội, cần sớm ban hành Quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP; sớm hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị để có căn cứ xây dựng Chương trình phát triển nhà ở và Kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025; chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện "Đề án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội" trên cơ sở hoàn chỉnh Đề án trước đây, với 05 khu chung cư cũ triển khai thí điểm.

Thành uỷ Hà Nội giám sát việc tái định cư, cấp sổ đỏ cho người dân

Trong năm 2021, Thành ủy Hà Nội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Trọng điểm công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 gồm: Kiểm tra công tác quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội các cấp.

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 08, ngày 15/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố” và Chỉ thị 09-CT/TU, ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố”.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị. Ảnh: PV

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Huệ cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thảo luận và thống nhất mục tiêu tổng quát: Tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Lấy lại đà tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân.

Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; tạo chuyển biến căn bản trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy;...

Loại bỏ thủ tục rườm rà, nhiêu khê mới có thể 'kéo giảm' giá nhà tại TP HCM

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp tại thành phố đông dân này vẫn rất nan giải. Chỉ khi nào giảm được chi phí “không tên” sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở.

Tại TP.HCM - đô thị đông dân nhất cả nước, bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn nan giải. Một trong những nguyên nhân khiến giá nhà ở chưa thể kéo giảm được chính là việc doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều vướng mắc khi đáp ứng các thủ tục rườm rà, nhiêu khê. Để giải quyết bài toán này, ngoài sự cố gắng từ chính TP.HCM, thì cũng cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương.

Loại bỏ thủ tục rườm rà, nhiêu khê mới có thể 'kéo giảm' giá nhà tại TP HCM

Để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị, nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa tinh giản bộ máy hành chính, đảm bảo cho công chức, viên chức nhà nước có thu nhập khá so với thu nhập trung bình của xã hội. Cùng với đó là đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực để giảm dần “chi phí không tên” trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, góp phần rất quan trọng vào việc kéo giảm giá nhà ở. Quốc hội và Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản Luật, văn bản dưới Luật có liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thực trạng nhiều dự án dừng, hoãn là do những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục. Thực tế này đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội trong khi nhu cầu vẫn cao.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng: tăng cường vai trò định hướng, quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Ông Sinh cũng đề nghị các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn.

Để thị trường xuất hiện nhiều hơn các dự án nhà ở giá thấp, phù hợp với thu nhập của đa số người dân, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị đáng sống, thì các cơ quan quản lý và chính quyền thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, xây dựng trong thẩm quyền của mình. Điều quan trọng nữa cần mạnh dạn loại bỏ tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực, loại bỏ những cán bộ tham nhũng.

BĐS Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy

Theo TS. Sử Văn Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, yếu tố không kém quan trọng khi doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước ta là cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là bất động sản khi ở Thái Lan, Indonesia hay Hong Kong, cơ hội ngày càng hạn chế hơn. Đối với lĩnh vực bất động sản, ngoài công nghiệp hưởng lợi chính thì bất động sản khu đô thị, nhà ở cũng đang được dự đoán sẽ bứt phá trong thời gian tới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu vực lân cận của hai thành phố là thị trường địa ốc hội tụ phần đông giới đầu tư.

Cụ thể, các địa phương có quỹ đất trống rộng lớn, lực lượng lao động dồi dào, vị trí giao thương thuận tiện như Long An đang trở thành sự lựa chọn của các nhà đầu tư tiên phong đón đầu xu thế. Không chỉ khu công nghiệp, mảng nhà ở, khu đô thị tại thị trường địa phương này cũng gây chú ý lớn với sự tham gia của các ông lớn như T&T Group, Vingroup, Thắng Lợi Group… với nhiều dự án quy mô lớn.

BĐS Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Covid-19 đã gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, khiến nhà đầu tư lên kế hoạch mở rộng sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar.

Các chuyên gia đánh giá, việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc là một phương pháp bảo hiểm rủi ro. Và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nhờ lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho nước ta.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
  • Mái hiên Zettex đẳng cấp, sang trọng
Lên đầu trang
Top