Aa

Bản tin BĐS 24h: Giá nhà ở chưa có dấu hiệu giảm

Chủ Nhật, 22/11/2020 - 18:50

Giá nhà ở chưa có dấu hiệu giảm; yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu để rác ngập ở Yên Phụ; điểm danh 27 tuyến đường, phố mới, Hà Nội sắp đặt tên là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h.

Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu để rác ngập ở Yên Phụ

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc xử lý thông tin báo chí nêu liên quan đến ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Phó Chủ tịch Thành phố giao UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải tại địa bàn và việc phát ngôn về việc tồn rác trên; tổ chức kiểm tra thực tế việc gây ô nhiễm môi trường do rác thải tồn đọng, xác định rõ nguyên nhân, không để xảy ra tình trạng trên. Đồng thời xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng nêu trên.

Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà thầu để rác ngập ở Yên Phụ (Ảnh: Laodong.vn)

Phó Chủ tịch cũng giao UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm chủ trì, phối hợp với các Sở Tài Chính, Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; yêu cầu nhà thầu cần khẩn trương thu gom toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, vận chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy định.

Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) được giao phối hợp với Công ty CP công nghệ cao Minh Quân thu gom, vận chuyển rác theo quy định.

Các đơn vị báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 25/11.

Trước đó, Lao Động có bài phản ánh tình trạng tuyến phố Yên Phụ trở nên nhếch nhác, ngổn ngang rác thải trong nhiều ngày. Đến ngày 19.11, hàng chục công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) được huy động đến khu vực phố Yên Phụ (đoạn từ đường Thanh Niên - Âu Cơ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) xử lý đống rác thải tồn đọng nhiều ngày gây bức xúc cho người dân.

Ông Hoàng Xuân Sáng - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) - cho hay, trên địa bàn phường có Công ty Minh Quân - đơn vị trúng thầu của thành phố thực hiện thu gom rác trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, 2 năm trở lại đây, việc thu gom rác của công ty này rất hạn chế thể hiện qua việc thường xuyên xảy ra thu gom không đúng giờ, không thu gom rác trong ngày. UBND phường nhiều lần tổ chức đối thoại, chất vấn, đôn đốc hay có văn bản xử lý vi phạm bằng cách phối hợp với Ban quản lý quận Tây Hồ để có phương án xử lý. UBND quận Tây Hồ cũng có báo cáo với thành phố để chấn chỉnh và có thể tiến tới thay thế đơn vị này để thực hiện thu gom rác một cách tốt hơn.

Cổ phiếu bất động sản: Không phải rẻ là ngon

Tại Hội thảo về cổ phiếu bất động sản với chủ đề “Chiến lược đầu tư thời COVID-19” được tổ chức mới đây, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM cho biết, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản. Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn, nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận.

Cổ phiếu bất động sản: Không phải rẻ là ngon

Tuy nhiên, ông Năng vẫn lạc quan khi cho rằng khó khăn của thị trường chỉ là ngắn hạn. Bởi hiện nay, số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đã có 30 doanh nghiệp trên cả hai sàn, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản. Riêng cổ phiếu bất động sản tính chung trên toàn thị trường thì giá trị vốn hóa lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23%.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, viễn cảnh của ngành bất động sản cho trong thời gian tới rất là tốt, Chính phủ đang tháo gỡ chính sách cho các doanh nghiệp bất động sản, lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức hấp dẫn. Còn ở góc độ chỉ số tài chính, nhóm cổ phiếu bất động sản được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn mỗi đồng cổ tức nhận được. Theo đó, trung bình ngành trong nước có chỉ số P/E của các ngành bất động sản thấp hơn so với toàn thị trường. Cụ thể, chỉ số P/E của ngành bất động sản, TTM (11.1)/2020F (16.4)/2021F (9.8); chỉ số P/B, TTM (2.0)/2020F (3.3)/2021F (2.6).

Về lâu dài, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất cho vay của các ngân hàng đang có xu hướng giảm. Do đó, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng tốt để đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng đồng quan điểm khi nói, trong số nhiều kênh đầu tư thì cần phải ưu tiên lựa chọn bất động sản, chứng khoán. Thực tế là cho dù kinh tế chịu tác động rất nhiều từ dịch COVID-19 nhưng theo số liệu thống kê trong năm 2020, số tài khoản cá nhân tăng rất mạnh, tính thanh khoản của thị trường khá cao, chỉ số VN-Index từ “đáy” vào tháng 3 đã bật tăng tốt.

Để chọn lựa đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư cần soi của để dành của doanh nghiệp. Công ty nào có quỹ đất càng lớn, pháp lý càng rõ ràng thì doanh nghiệp đó rất tốt để đầu tư. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chỉ đưa những dự án nào có tính pháp lý đầy đủ lên báo cáo tài chính, dự án nào còn vướng thì sẽ không cập nhật. Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư chỉ nhìn được một phần của bức tranh chứ chưa nhìn thấy tổng thể.

Giá nhà ở chưa có dấu hiệu giảm

Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng cho thấy, đối với phân khúc BĐS nhà ở từ đầu năm 2020 đến nay chưa có xu hướng giảm giá. Giá bán căn hộ chung cư phân khúc trung cấp trên cả nước từ 20 - 35 triệu đồng/m2, cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Tại Hà Nội: Giá bán căn hộ chung cư phân khúc bình dân khoảng 24,8 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu đồng/m2, căn hộ chung cư cao cấp từ 37,7 triệu đồng/m2. Tại TP Hồ Chí Minh, mức giá bán dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2. Tại Quảng Ninh, mức giá dao động từ 23 - 27 triệu đồng//m2. Tại Hải Phòng, mức giá dao động khoảng 30 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương mức giá dao động khoảng 30 - 38 triệu đồng/m2. Tại Cần Thơ mức giá dao động 19 - 60 triệu đồng/m2.

Chỉ số biến động giá nhà ở chưa có xu hướng giảm. (Ảnh: Kinhtedothi)

Theo đó, ở thị trường Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,07%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%). Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,03%. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… Các khu vực này tiếp tục được xem là điểm nhấn của thị trường khi tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức cao đạt khoảng 70%. Ngược lại, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể.

Tại TP Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,26%.

Phó Tổng Giám đốc trang tin Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho rằng, cơ cấu giá thành một dự án có thể hiểu đơn giản bao gồm những yếu tố cấu thành như sau: Chi phí đầu vào cộng với một phần trăm nhất định về lợi nhuận. Chi phí đầu vào như giá đất, giải phóng mặt bằng, thi công, thiết kế xây dựng, thiết kế nội thất, trong đó, giá đất chiếm 60%, những phần còn lại chiếm khoảng 20%. Cộng với khoảng lợi nhuận 10 - 15% nữa là ra giá của một dự án.

Điểm danh 27 tuyến đường, phố mới, Hà Nội sắp đặt tên

Hà Nội đang dự thảo đặt tên cho 27 tuyến đường, phố mới thuộc 11 quận, huyện, thị xã. Cụ thể, địa bàn quận Cầu Giấy sẽ có phố Hạ Yên Quyết (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính và Mạc Thái Tổ đến ngã ba giao cắt tại di tích đình Hạ Yên Quyết) có chiều dài 400m, rộng 35m; Phố Nguyễn Thị Duệ (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính tại ngõ 219 đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Quốc Trị tại tòa nhà A6D khu tái định cư Nam Trung Yên) có chiều dài 791m; rộng 17,5m.

Quận Đống Đa sẽ có phố Hồ Văn Chương (đoạn đường khép kín vòng quanh hồ Văn Chương có điểm đầu và điểm cuối tại ngã ba chùa Bụt Mọc, chiều dài 800m, rộng: 6,5 - 8,5m; Phố Nguyễn Hy Quang (đoạn từ ngã ba giao phố Nguyễn Lương Bằng tại số nhà 60-62 đến ngã ba giao phố Hoàng Cầu tại số nhà 9) có chiều dài 485m; rộng: 9 - 11m.

Tên của 27 tuyến phố mới được HĐND TP Hà Nội xây dựng trên cơ sở báo cáo thẩm tra, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan - Ảnh: Báo Giao thông

Quận Hà Đông dự kiến có phố Phú La (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Văn Khê, đối diện phố Hà cầu đến ngã ba giao cắt đường 24m Khu đô thị Văn Phú) có chiều dài 700m, rộng 13 - 15m; Phố Hoàng Công (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Mậu Lương (đối diện cổng Tổ dân phố 9,11) đến Chung cư thu nhập thấp 19T1 Mậu Lương) có chiều dài 1.300m, chiều rộng là 21,5m.

Quận Hà Đông cũng có tuyến phố mang tên Hoàng Đôn Hòa (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Quang Trung tại số nhà 339-341, đến ngã ba giao cắt phố Văn Khê, đối diện Khu đô thị mới Phú Lương) có chiều dài 1.320m, rộng từ 14,5 - 15,5m.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội dự kiến đặt tên phố Nguyễn Phan Chánh (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Nam Sơn đến ngã ba giao cắt phố Bằng Liệt tại cầu Bắc Linh Đàm) có chiều dài 1.270m, rộng từ 10,5 - 22,5m; Phố Bùi Quốc Khái (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Bằng Liệt tại Lô BT.1A, đến ngã ba giao cắt đường quy hoạch 21m tại Trường tiểu học Chu Văn An) với chiều dài: 850m, rộng từ 13 - 15,5m.

Đồng thời, đặt tên phố Đạm Phương (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hoàng Liệt tại Lô CCKV1,2 đến Ngã ba giao cắt tại Lô BT01 khu đô thị bán đảo Linh Đàm) có chiều dài 550m, rộng từ 14,5 - 16,5m và phố Nam Sơn (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phan Chánh tại Lô BT01 khu ĐT bán đảo Linh Đàm) với chiều dài 550m, rộng từ 13,5 - 40,5m.

Quận Hoàng Mai có tuyến phố mang tên Văn Tân (đoạn từ ngã ba giao cắt với phố Linh Đường tại tòa nhà HUD3 đến ngã ba giao cắt phố Bằng Liệt tại KĐT Tây Nam Linh Đàm) với độ dài 550m, rộng từ 13,5 - 40,5m.

Với quận Long Biên, Hà Nội dự kiến đặt tên phố Phú Hựu (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Ái Mộ tại ngõ 118 đến ngã tư giao cắt phố Hoàng Như Tiếp tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) với chiều dài gần 600m, rộng 22m; Phố Hoàng Minh Đạo (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Hoàng Như Tiếp tại công viên Bồ Đe Xanh đến ô quy hoạch E.1/P2 phường Gia Thụy), chiều dài hơn 1.100m, rộng từ 17,5 - 22m.

Hai tuyến phố khác của quận Long Biên dự kiến mang tên mới, gồm: phố Phạm Khắc Quảng (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Phúc Lợi tại tòa nhà Ruby City 1, đến ngã ba giao cắt ô quy hoạch C.6/CXTP phường Giang Biên) có độ dài 965 m, rộng 19,5m và phố Nguyễn Thời Trung (đoạn từ ngã ba giao đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba giao đường Thạch Bàn tại điểm đối diện số 4 Thạch Bàn) với chiều dài: 1.100m; rộng 13,5m.

Tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội dự kiến đặt tên đường Phú Mỹ (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Mỹ Đình tại cổng làng Phú Mỹ đến ngã ba giao cắt đường Lê Đức Thọ (hiện là ngõ 63 Lê Đức Thọ) với độ dài là 850m; rộng từ 6 - 7m.

Quận Thanh Xuân có một tuyến phố dự kiến được đặt tên Hà Kế Tấn (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Trường Chinh tại ngõ 153 cạnh cầu Phương Liệt đến ngã ba giao cắt cầu Lê Trọng Tấn) với chiều dài 1.400m; rộng từ 10,5 - 13m.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top