Aa

Bản tin BĐS 24h: Phạt gần 1 tỷ đồng doanh nghiệp gây ô nhiễm chung cư

Thứ Sáu, 27/11/2020 - 18:50

Phạt gần 1 tỷ đồng doanh nghiệp gây ô nhiễm chung cư;TP HCM sẽ có 3 điểm nóng mới về nhà đất; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai là những tin chính trong bản tin BĐS 24h.

Gây ô nhiễm chung cư, doanh nghiệp bị phạt gần 1 tỷ đồng

Theo Reatimes, ngày 20/11/2020, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM (Sở TN-MT) đã ra văn bản số 10430/STNMT-TTr, thông báo về kết quả giải quyết phản ánh của cư dân chung cư RichStar.

Sở TN-MT cho biết, ngày 29/08/2020 đã nhận đươc đơn thư của cư dân chung cư RichStar (đường Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú), phản ánh Công ty TNHH MTV Định Nên và Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nam Quang hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Việc này đã gây ảnh hưởng đến cư dân chung cư.

Hai doanh nghiệp bị phạt gần 1 tỷ đồng vì gây ô nhiễm chung cư

Trước đó, ngày 29/09/2020, Sở TN-MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, UBND quận Tân Phú và UBND phường Hiệp Tân tổ chức kiểm tra đột xuất doanh nghiệp tư nhân Nam Quang và Công ty TNHH Định Nên. Qua kiểm tra, Sở TN-MT cùng đoàn kiểm tra phát hiện ra các sai phạm và đã ban hành các quyết định xử phạt.

Cụ thể, ngày 27/10/2020, Chánh Thanh tra Sở TN-MT đã ban hành quyết định số 136/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Doanh nghiệp Nam Quang, với hành vi xả khí thải vượt quy chuẩn từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần (chỉ tiêu CO). Mức phạt tiền cho doanh nghiệp này là 50 triệu đồng.

Ngày 10/11/2020, Chủ tịch UBND TP HCM đã ban hành quyết định số 4133/QĐ-XPVHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với Công ty Định Nên.

Công ty Định Nên bị xử phạt với các hành vi: xả nước thải vượt quy chuẩn từ 5 lần đến dưới 10 lần; xây lắp đặt đường ống xả nước thải thông qua xử lý ra môi trường; không vận hành hệ thống xử lý nước thải; không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép; khai thác, sử dụng nước dưới đất không có giấy phép. Tổng mức phạt tiền đối với công ty này là 830 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng áp dụng mức phạt bổ sung, buộc 2 doanh nghiệp phải đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 4,5 tháng để khắc phục vi phạm.

Đáng chú ý, ngoài 2 doanh nghiệp nêu trên, Sở TN-MT cho biết đang tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) kiểm tra 2 hộ kinh doanh Tô Hoài Phong và hộ kinh doanh Trương Minh Hiếu (cùng địa chỉ 91/4/A1KC đường Hòa Bình), do hoạt động xả khói gây ô nhiễm môi trường.

TP HCM sẽ có 3 điểm nóng mới về nhà đất

Theo dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS TP HCM sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, 3 điểm nóng của thị trường BĐS TP HCM trong thời gian tới sẽ tập trung tại 3 khu vực: Thành phố Thủ Đức, 5 huyện lên quận và khu vưc có 26.000ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất công nghiệp, thương mại.

TP HCM sẽ có 3 điểm nóng mới về nhà đất

Điểm nóng mới thứ nhất là TP Thủ Đức.  Khi gộp lại 3 quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức), TP Thủ Đức tương lai sẽ là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất TP HCM. Trong vòng 5 - 10 năm tới, khu vực này sẽ có nhiều loại hình bất động sản hơn, cũng là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ. Nổi bật là quận 9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm TP cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng.

Điểm nóng thứ 2 là đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bốn huyện vùng ven này với quỹ đất lớn được dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở trong bối cảnh thị trường BĐS TPHCM đang khan hiếm nguồn cung.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành "đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường" gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.

Điểm nóng thứ ba theo ông Châu là khu vực 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020; "Thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp. Với quỹ đất rộng lớn này, thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung BĐS mới", ông Châu nhấn mạnh.

Trong tương lai dân số TP tăng lên con số 20 triệu dân, do đó bây giờ cho phép chuyển đổi diện tích lớn đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đô thị như vậy sẽ tránh hiện tượng khan hiếm giả tạo về nhà đất. Việc chuyển đổi này sẽ giúp cho quy hoạch các khu đô thị không rơi vào tình trạng tủn mủn, vụn vặt thiếu đến đâu chuyển đổi đến đó.

Hòa Lạc Charm Villas: Chính quyền khẳng định "dự án ma"

Các chiêu trò bán dự án ma không chỉ xuất hiện ở TP HCM và các tỉnh lân cận phía Nam mà hiện tại ở Thủ đô Hà Nội cũng xuất hiện những dự án ma đang thu hút giới đầu tư bằng những thủ đoạn lôi kéo vô cùng tinh vi. 

Lợi dụng tình trạng khan hiếm căn hộ, đất nền tại TP Hà Nội, một số cá nhân, doanh nghiệp bất động sản đã ồ ạt thu gom, chuyển nhượng đất nông nghiệp và những loại đất khác chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi tự ý làm hạ tầng để phân lô, bán nền tại một số quận, huyện vùng ven đô Hà Nội khi chưa được cấp phép, trong đó nổi bật lên dự án Hòa Lạc Charm Villas đang được rao bán rầm rộ.

Hòa Lạc Charm Villas: Chính quyền khẳng định "dự án ma"

Theo quảng cáo, dự án bao gồm 36 lô đất, mỗi lô có diện tích: 100 - 138m2, có giá khoảng 15 - 18 triệu/m2, pháp lý sổ hồng lâu dài và có chủ đầu tư là Xanh Group và nằm ngay tại Đồng Chằm, Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội thuận tiện đi lại, địa thế đẹp. Quảng cáo về dự án cũng nhấn mạnh hiện tại đây đã thi công cảnh quan, đường vào ô tô tận nơi, ngay gần với Viettel và Đại học Chính trị. Đồng thời, các trang web quảng cáo cũng khẳng định với vị trí đắc địa như vậy, “Hoà Lạc Charm Villas” rất có tiềm năng tăng giá trong tương lai gần và đa dạng hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên, tại dự án Hòa Lạc Charm Villas nằm ngay trước quả đồi rộng lớn đã được Chủ đầu tư san gạt một đồi với diện tích hàng nghìn mét vuông. Phía bên trong dự án đã được xây dựng hạ tầng đường giao thông trải nhựa, điện cao áp, các lô đất được chủ đầu tư phân chia rõ ràng.

Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng và rao bán đất nền dự án ma Hoà Lạc Charm Villas ngay dưới chân quả đồi đã được xác định và chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa còn rất mơ hồ. Đặc biệt, việc xây dựng tại khu vực này mà không có bờ kè, biện pháp ngăn chặn sạt lở đất liệu có đảm bảo điều kiện an toàn cho người dân khi đi vào xây dựng nhà cửa, sinh hoạt tại đây trước nguy cơ sạt lở.

Trước thực trạng những dự án "ma" đang được rao bán rầm rộ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về trách nhiệm của quản lý của cơ quan chức năng tại địa phương có dự án “ma”. Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao phải đợi đến khi người dân căng băng rôn, gửi đơn tố cáo thì cơ quan quản lý ở địa phương mới biết hành vi sai trái của các công ty này?

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP HCM), các dự án “ma” thường được hình thành dưới hai hạng: Thứ nhất, là dạng dự án có đất thực tế và được cá nhân đứng tên và chuyển mục đích sang đất ở, sau đó tiến hành bán trước khi nghiệm thu (hay còn gọi là “bán lúa non”). Tuy nhiên, cá nhân này lại mượn danh một công ty môi giới bất động sản để vẽ thành dự án.

Thứ hai, đất cá nhân đứng tên nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng đất (ví dụ: đất quy hoạch không phải đất ở) nhưng cũng được một bên khác đưa qua công ty môi giới để vẽ thành dự án. Hình thức này cũng được gọi là dự án “ma” (vì dự án không được đăng ký hợp pháp). Người bán chỉ tiến hành chỉnh trang khu đất và xây đường trái phép để dễ dụ người dân. Đây được xem là dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, đất nền phân lô ở các vùng ven thời gian qua nở rộ bởi giá rẻ, phù hợp với số đông nhất là những người ít tiền. Đây là dòng sản phẩm đánh đúng vào tâm lý ham rẻ, lời nhiều của người mua. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dùng thủ thuật cam kết lợi nhuận khủng khiến nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua mà quên mất điều quan trọng nhất đó là tính pháp lý của dự án.

Ngoài ra, chế tài và quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng và chưa nghiêm khiến dự án phân lô, bán nền lừa đảo nở rộ. Cùng với đó là sự tiếp tay, bất chấp quy định pháp luật của một số sàn hay cá nhân môi giới để làm ăn theo kiểu chộp giật. Điều này đã làm cho thị trường bất động sản bị rối ren, thiếu tính minh bạch và giảm lòng tin của người dân đối với các dự án bất động sản được cấp phép.

Qua những vụ việc trên, đây như “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với người dân khi quyết định, giao dịch mua bán bất động sản. Người dân cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về tính pháp lý của dự án, năng lực và uy tín của chủ đầu tư cũng như các sàn môi giới bất động sản. Ngoài ra, người dân hay các nhà đầu tư bất động sản cũng cần liên hệ với chính quyền địa phương hay các đơn vị tư vấn luật để tìm hiểu, tránh “tiền mất, tật mang”.

Hà Nội: Tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai

Ngày 23/11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành Công văn số 5435/UBND-ĐT về việc đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 01/06/2017 khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Tại văn bản, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận, huyện, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng.

Tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai

Đối với các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên địa bàn; trường hợp có khó khăn vướng mắc phải kịp thời báo cáo các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, phối hợp giải quyết theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số quận, huyện, thị xã chưa nghiêm chỉnh chấp hành chế độ báo cáo, chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng (đặc biệt các trường hợp vi phạm tồn đọng giai đoạn 2015-2016), các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng trên địa bàn quản lý, chưa kiên quyết trong xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, những bất cập trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xử lý...

Căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục nghiêm túc, quyết liệt hơn trong việc thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND.

Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND bảo đảm mục đích, yêu cầu; đồng thời, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn; kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai có yếu tố xây dựng công trình; không để xảy ra vi phạm mới phát sinh trên địa bàn; thực hiện các biện pháp ngăn chặn theo quy định để dừng thi công đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đưa hệ thống chính trị vào cuộc, vận động để người dân biết, chấp hành các quy định về pháp luật, nâng cao nhận thức, tạo môi trường thuận lợi cho người dân thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành trong cán bộ, công chức thi hành công vụ và các tổ chức cá nhân, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng…

Cảnh báo nguy cơ "tiền mất, tật mang" với nhà đầu tư Blue Diamond Land

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bất động sản Blue Diamond (Sau đây gọi là Blue Diamond Land) được thành lập từ 18/8/2020 với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Theo Chứng nhận Đăng ký kinh doanh thì ngành, nghề doanh nghiệp này kinh doanh chính là Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất (môi giới bất động sản; định giá bất động sản; tư vấn, quản lý bất động sản (trừ tư vấn mang tính pháp lý).

Theo bảng lãi suất Blue Diamond Land đưa ra, doanh nghiệp này cam kết với các nhà đầu tư rằng: Hợp đồng pháp lý cụ thể rõ ràng; lợi nhuận chuyển mỗi ngày vào tài khoản sau 2 ngày kí hợp đồng; được rút vốn bất kì lúc nào không cần lý do (giảm thiểu rũi ro thấp nhất với nhà đầu tư).

Đồng thời, Blue Diamond Land cũng đăng tải 10 gói đầu tư, từ thấp nhất 10 triệu đồng tới cao nhất là hơn 5 tỷ đồng. Đặc điểm chung của các gói đầu tư này đều là mức lãi suất cao: 120% trong vòng 20 tháng, tương đương với 6%/tháng, dễ hiểu khi nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản lớn tiền nhà rỗi để có khoản sinh lời cao hơn.

Với 10 gói đầu tư, Blue Diamond Land đưa ra một bản Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, ký kết giữa bên A là Blue Diamond Land và bên B là nhà đầu tư, nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng chỉ việc lựa chọn 1 trong 10 gói đầu tư được đưa ra. Thế nhưng, Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh do Blue Diamond Land soạn thảo có đúng là cùng hợp tác đầu tư hay không?

Hợp đồng Hợp tác đầu tư kinh doanh của Blue Diamond Land có đúng bản chất là cùng đầu tư?

Điều 6 Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh này quy định: Bên A sử dụng tiền hợp tác từ bên B vào mục đích kinh doanh theo Điều 1 để tạo ra lợi nhuận. Bên B đồng ý giao toàn quyền quyết định sử dụng vốn cho bên A và bên B nhận tiền phân chia lợi nhuận theo chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Bên B đồng ý quan điểm bên A sử dụng linh hoạt nguồn vốn để tạo ra lợi nhuận và bên B không kiểm soát, không yêu cầu báo cáo, chỉ yêu cầu bên A đảm bảo phân chia lợi nhuận theo quy định.

Theo Luật Đầu tư 2020, thì Hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế... Nội dung quan hệ đầu tư theo hợp đồng BCC là những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh. Rõ ràng, hợp đồng mà Blue Diamond Land soạn thảo không có tính chất này.

Mặt khác, Hợp đồng này mang tính chất "ủy thác đầu tư" hơn cả. Bởi theo quy định pháp luật, ủy thác đầu tư là hoạt động của doanh nghiệp, được áp dụng cho hầu hết các ngành nghề. Theo đó, bên ủy thác đầu tư (bên giao vốn đầu tư) - trường hợp này là doanh nghiệp tiến hành ủy thác một số vốn nhất định cho bên nhận ủy thác (bên nhận vốn đầu tư) - có thể là ngân hàng, các công ty quản lý quỹ, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư để tiến hành hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lợi.

Bản chất Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh này là Ủy thác đầu tư

Chiếu theo các điều khoản được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, phải khẳng định rõ Blue Diamond Land không phải là một tổ chức tín dụng, do đó không được phép thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng, bao gồm: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Có thể nói, Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Blue Diamond Land được lập ra chỉ để che đậy bản chất thật của hoạt động ủy thác đầu tư, vốn đã vi phạm pháp luật khi doanh nghiệp này không có chức năng nhận ủy thác. Khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng này hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn phần, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư không thể đòi lại số tiền đã bỏ ra.

Chưa kể, Blue Diamond Land không thể hiện được rõ ràng các loại tài sản, bất động sản mình đang sở hữu có chắc chắn đem lại lợi nhuận hay không, thậm chí cũng không đưa ra được một đảm bảo nào đối với nhà đầu tư rằng số tiền góp vốn sẽ không bị mất trắng. Với việc mọi hoạt động kinh doanh như thế nào, lời lãi ra sao chỉ Blue Diamond Land biết, thì việc thay đổi hay kéo dài thời gian trả lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng chỉ có doanh nghiệp này “hô biến” theo ý thích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top