Aa

Bản tin BĐS 24h: Yêu cầu triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển NƠXH

Thứ Năm, 26/11/2020 - 18:50

Bộ Xây dựng yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển NƠXH; nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; thay đổi thời hạn nộp tiền sử dụng đất là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h.

Triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển NƠXH

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh để giải quyết một cách căn cơ, triệt để thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Tình trạng khan hiếm nhà ở xã hội vẫn là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, cần phải sớm hoàn thiện chính sách, đặc biệt tại đô thị để tạo lập thêm chỗ ở cho nhóm người thu nhập thấp – trung bình.

Theo đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thời gian qua, giá BĐS, đặc biệt tại các đô thị liên tục tăng. Chỉ riêng thời điểm hiện nay, tại thị trường Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II-2020 (trong đó phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm 0,07%, căn hộ trung cấp tăng 0,44%, căn hộ bình dân tăng khoảng 1,02%).

Từ đầu năm, có thêm 4 dự án nhà ở xã hội, không thêm dự án mới được triển khai. (Ảnh: Pháp luật xã hội).

Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại TP này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền ven đô, tạo ra sự tăng giá đất đai ở một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…

Giá BĐS tại đô thị lớn liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp ngày càng trở nên khó khăn. Tại một số huyện ven đô của Hà Nội và TP HCM, giá nhà đất đã tăng vượt mức thực tế, khiến một số DN buộc phải rút lui ngay từ bước lập kế hoạch nghiên cứu.

Mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan góp ý về việc hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại đô thị.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong cả quý III-2020, số lượng dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng rất ít, cả nước đã hoàn thành 4 dự án, quy mô xây dựng hơn 3.630 căn, tương ứng khoảng 181.500m2 và không có dự án nhà ở xã hội mới được khởi công. Lũy kế đến nay, tổng số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành trên cả nước lên 248 dự án, quy mô xây dựng trên 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5.175.000m2 và có 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10.825.000m2 đang tiếp tục triển khai.

Theo HoREA, một số thông tư, nghị định hướng dẫn thực thi chính sách về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội vẫn còn nhiều bất cập, như: Quy định về mức tiền đặt cọc khi thuê nhà ở xã hội bằng 50% giá trị của nhà ở cho thuê hay những vướng mắc pháp lý về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội...

Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch HoREA), một bất cập rất lớn là tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định dự án dưới 10ha thì chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Khi đã nộp tiền sử dụng đất trên toàn bộ đất dự án, được coi đã hoàn thành nghĩa vụ dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội và được kinh doanh toàn bộ sản phẩm nhà ở của dự án. Như vậy, ngân sách Nhà nước không thu được đồng nào từ chủ đầu tư, còn người dân không có thêm nhà ở xã hội để được mua, thuê, thuê mua.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thực tế triển khai thực hiện chính sách về nhà ở xã hội giai đoạn vừa qua cho thấy, về lâu dài và thường xuyên, muốn giải quyết một cách căn cơ, triệt để thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện.

Nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, xác minh, làm rõ 5 nội dung tố cáo có liên quan đến dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ, hợp đồng trọn gói về dịch vụ tư vấn thực hiện dự án, ngay khi được triển khai đã nảy sinh các tồn tại, bất cập, bất hợp lý làm phát sinh những vướng mắc giữa các bên (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - MRB, Tư vấn Systra, các cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam và các đơn vị liên quan khác).

Cụ thể, theo Kinh tế Môi trường, trong nội dung của hợp đồng trọn gói có sự bất cập, thiếu sót, nhiều nội dung không rõ ràng, dẫn đến việc hiểu khác nhau giữa các bên, ngoài ra việc hiểu nghĩa nội dung giữa bản tiếng Việt và bản tiếng Anh của các bên cũng có những điểm khác nhau nhất định.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.(Nguồn: Kinh tế Môi trường).

Bên cạnh đó, đây là dự án có quy mô lớn và phức tạp đầu tiên áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài vào Việt Nam, nhưng hợp đồng chỉ xác định thời gian 25 tháng, với tổng giá trị 10,6 triệu euro là không khả thi, khó đáp ứng và chưa lường hết được các yêu cầu trong việc thực hiện dự án đặc biệt này.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, một số nội dung điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng, nhưng không tăng nhiệm vụ, mà chủ yếu do quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Systra bị chậm trễ, kéo dài so với tiến độ của hợp đồng trọn gói ban đầu, nên Systra phải huy động nhân sự và chi phí cho thời gian kéo dài, dẫn đến phát sinh tăng chi phí.

Qua rà soát các nguyên nhân cho thấy việc điều chỉnh tăng giá hợp đồng tư vấn (hợp đồng trọn gói) bao gồm phần chi phí ngoài phạm vi nhiệm vụ, phần chi phí thuộc các trường hợp bất khả kháng theo quy định và phần chi phí trong phạm vi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán điều chỉnh bổ sung chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã không xác định cụ thể các khoản chi phí này. Mặt khác, quá trình thương thảo điều chỉnh hợp đồng tư vấn, chủ đầu tư không làm rõ trách nhiệm của Tư vấn Systra trong việc chậm trễ để xác định chi phí và giảm trừ khi lập dự toán bổ sung.

Trách nhiệm thuộc lãnh đạo của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, các đơn vị thuộc MRB và tập thế, cá nhân có liên quan; các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư...

Từ 5/12: Thời hạn nộp tiền sử dụng đất có sự thay đổi

Theo đó, từ 5/12/ 2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ chính thức có hiệu lực.

Từ 5/12: Thời hạn nộp tiền sử dụng đất có sự thay đổi (Nguồn: Kinh tế đô thị)

Lập rào chắn thi công hầm chui Lê Văn Lương giai đoạn 1

Theo Reatimes, các đơn vị thi công bắt đầu triển khai giai đoạn 1 của dự án hầm chui Lê Văn Lương bằng việc rào chắn, dọn dẹp mặt bằng, chuẩn bị di chuyển công trình ngầm nổi tại nút giao Tố Hữu - Khuất Duy Tiến.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương thuộc nhóm B với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 500 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội. Sau khi hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay. 

Hầm chui có tổng chiều dài 475m, trong đó hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380m (mỗi bên dài 190m); có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 7,75m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn.

Hà Nội lập rào chắn thi công hầm chui Lê Văn Lương giai đoạn 1. (Ảnh: Quốc Phú)

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội, dải phân cách giữa đoạn tuyến nêu trên sẽ được xén bỏ, thay thế bằng bó vỉa cứng, vẫn đảm bảo phân tách hai hướng lưu thông và làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cũng cho biết thêm, sẽ mất nhiều tháng để di chuyển toàn bộ hệ thống dây điện đang được hạ ngầm đến nơi khác, bao gồm: 6 lộ cáp điện ngầm 220kV, 6 lộ cáp điện ngầm 110kV và 7 lộ cáp điện ngầm 22kV.

Các loại máy móc, phương tiện được chuẩn bị sẵn sàng, phục vụ quá trình thi công giai đoạn 1. Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là một trong những dự án trọng điểm của Hà Nội nhằm giải quyết xung đột tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, giảm thiểu ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quá trình thực hiện dự án sẽ đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống nhân dân trong khu vực. Đồng thời, các đơn vị chức năng sẽ tổ chức giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình thực hiện dự án.

Thời gian thi công giai đoạn rào chắn di động kéo dài 30 ngày. Sau đó sẽ chuyển sang rào chắn cứng bằng tôn, mỗi bên dài 630m, từ mép bó vỉa cứng kéo rộng ra 3m. Trước đó, ngày 2/10, TP. Hà Nội đã khởi công hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3. Dự án này được thi công dự kiến trong vòng 18 tháng và sẽ hoàn thành trong khoảng 2 năm.

Thị trường bất động sản kỳ vọng cho sự sôi động thời điểm cuối năm

Sau 3 quý đầu năm im ắng vì Covid-19, quý IV năm 2020, thị trường bất động sản Hà Nội sôi động trở lại khi các chủ đầu tư đồng loạt bung ra thị trường hàng loạt dự án mới. Còn nhìn theo một cách tổng quan hơn thì thị trường bất động sản từ bất động sản công nghiệp đến bất động sản nghỉ dưỡng, cũng như thị trường bất động sản nhà, đất ở, chung cư… đều được dự báo sẽ có những sự thay đổi theo hướng tích cực hơn so với đầu năm.

Theo ThS Nguyễn Vũ Thịnh, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho biết, có một số nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Hà Nội sôi động trở lại trong 3 tháng cuối năm. Thứ nhất trong 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản gần như đóng băng, các chủ đầu tư e ngại ra hàng vì 2 làn sóng Covid-19. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, niềm tin của các nhà đầu tư đã trở lại.

Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong nước. Ảnh: N.Đăng (PLXH).

Thứ hai, ngoài sức nén của thị trường, hiện tại, các ngân hàng đang thừa tiền, vì vậy lãi suất huy động tại các ngân hàng đã xuống thấp đến mức kỷ lục. Tại không ít các ngân hàng, lãi suất huy động 6 tháng chỉ dao động ở mức 3%-4%/năm. Thứ ba, bên cạnh điều kiện thuận lợi của thị trường, thời điểm cuối năm là thời điểm tăng tốc để các tập đoàn bất động sản hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh được đề ra trong dịp cuối năm. Những tháng cuối năm cũng là dịp cao điểm lượng kiều hối từ nước ngoài đổ về Việt Nam.

Không ít các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước. Nhiều chủ đầu tư đã rục rịch bung hàng kèm theo chính sách ưu đãi đặc biệt để kích cầu. Theo khảo sát người dùng của một trang thông tin về bất động sản có uy tín thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất. Ngay cả thời điểm vàng liên tục tăng giá thì 57% người dùng vẫn lựa chọn đầu tư vào nhà, đất.

Trên thực tế, thị trường cũng đang ghi nhận những xung lực mới và đậm dần xu hướng thị trường bất động sản sẽ ấm dần trở lại, gắn với hiệu quả những văn bản pháp lý mới có hiêu lực từ năm 2020 (như bảng giá đất mới; các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất..); với sự duy trì tổng cầu dồi dào trên phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp; với sự gia tăng tổng cầu bất động sản công nghiệp và mặt bằng đất kinh doanh gắn với triển khai các FTA mới và sự bùng nổ dòng FDI trong năm 2021; và cả với sự điều chỉnh linh hoạt cơ cấu và gia tăng tiện ích các sản phẩm bất động sản thời gian tới.

Cùng với đó là việc đón đầu xu hướng đầu tư bất động sản, các ứng dụng và sàn thương mại điện tử của các tập đoàn lớn hứa hẹn sẽ mang lại sự thu hút cho cả nguồn vốn từ trong và ngoài nước. Cuối cùng, niềm tin vào việc tăng giá của bất động sản trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng…đã, đang và sẽ luôn là xung lực mạnh mẽ và bền bỉ hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top