Tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo đó, nhận thấy thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư của dự án giữa Luật Đầu tư năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về Quản lý đầu tư phát triển đô thị, đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường xây dựng trầm lắng.
Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đầu tư kinh doanh và góp phần ổn định thị trường trong thời gian sớm nhất, và theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ quyết nghị việc áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị kể từ ngày 1/7/2015 (khi Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực) cho đến ngày Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có hiệu lực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014: Các dự án này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 đồng thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP: Các dự án thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và quyết định chấp thuận đầu tư của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Thứ ba, đối với các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 thì thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu có liên quan và đảm bảo việc kết nối đồng bộ của các dự án trong mỗi khu vực đô thị.
Dragon Castle Hạ Long: Lại mở bán căn hộ chưa đủ điều kiện pháp lý
Sáng 25/10/2020, Lễ giới thiệu dự án The Dragon Castle được diễn ra tại Khách sạn Novotel Hạ Long. Tiếp tục xuất hiện là những cái tên: Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia (NHO); đơn vị quản lý và phát triển kinh doanh GP Invest và một số đơn vị kinh doanh, môi giới bất động sản khác.
Thông thường, một sản phẩm mới sẽ chỉ tổ chức lễ giới thiệu một lần, với mục đích đem đến ấn tượng đầu tiên dành cho khách hàng về chất lượng, số lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ được “chào bán”. Việc Công ty NHO tổ chức hai lễ giới thiệu cho Dự án Dragon Castle Hạ Long cách nhau một tháng khiến không ít người “lấy làm lạ” về mục đích thực sự của sự kiện này là gì - chỉ đơn thuần “giới thiệu” sản phẩm là các căn hộ thuộc chung cư Dragon Castle hay câu kéo, mời chào mua bán dưới ngôn từ hoa mỹ?
Ngày 31/7/2020, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 2879/SXD-QLN&TTBĐS gửi một số doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư xây dựng bất dư án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu Liên danh thực hiện nghiêm các quy định về huy động vốn, kinh doanh bất động sản tại dự án Dragon Castle Hạ Long.
Cũng theo những lời quảng bá của đơn vị phát triển kinh doanh GP Invest, thì số người mua căn hộ tại Chung cư Dragon Castle đã lên tới hàng trăm người. Trong khi đó, theo dự kiến thì phải đến tháng 2/2021 dự án mới hoàn thiện xong nền móng. Thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh cho phép mở bán.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng chính các sở, ban, ngành của thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đang buông lỏng quản lý dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật này của Công ty Cổ phần Tổ chức Nhà Quốc gia? Dư luận địa phương và cả nước đang rất trông chờ chính quyền tỉnh Quảng Ninh có những động thái mạnh mẽ trong việc xử lý các vấn đề nóng tại địa phương cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
TP HCM 'vỡ' kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch?
Năm 2020 là năm cuối của chặng đường chỉnh trang và di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch ở TP HCM. Thế nhưng TP đang gặp khó khăn, dự kiến sẽ không thực hiện đúng tiến độ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, thành phố có hơn 21.800 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, số lượng nhiều nhất tập trung ở quận 8 với gần 10.000 căn, quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), Quận 7 (hơn 1.700 căn), Quận 4 (hơn 1.600 căn)...
Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra mục tiêu di dời nhà trên và ven kênh rạch, cải tạo chung cư cũ thay thế chung cư mới, chỉnh trang các khu dân cư và xây dựng khu đô thị mới là một trong 7 chương trình đột phá. Theo đó, trong giai đoạn này TP HCM phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Để giải quyết mục tiêu trên, thành phố sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỉ đồng.
Cụ thể là 3 nhóm dự án gồm nhóm dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (tổng kinh phí dự kiến khoảng 22.000 tỉ đồng), nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) có tổng kinh phí hơn 19.000 tỉ đồng và nhóm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. Thế nhưng cho đến nay, tiến độ di dời vẫn chưa đạt yêu cầu và còn chậm. Ước tính giai đoạn 2016-2020, TP.HCM mới tổ chức di dời được hơn 7.260 căn, chỉ đạt 36,3% kế hoạch đề ra.
Về nguyên nhân chậm kế hoạch, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở xây dựng nhận định là do có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thiếu vốn xã hội hóa bằng hình thức PPP (đầu tư công - tư) cũng như các vấn đề liên quan đến thủ tục, cơ chế... Để khắc phục những khó khăn, ông Khiết cho biết, TP.HCM sẽ đẩy nhanh việc phân phối nguồn vốn và các thủ tục về triển khai đầu tư.
Đầu tư bất động sản công nghiệp dồn về phía Bắc
Trong 10 tháng năm 2020, dòng vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp liên tiếp đổ vào phía Bắc. Chỉ tính riêng phân khúc kho và nhà xưởng, 5 nhà đầu tư từ Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc đã quyết định đầu tư tổng cộng 46,2 triệu USD ở các địa bàn công nghiệp trọng điểm miền Bắc.
Theo CBRE Hà Nội, đối với đất công nghiệp, trong quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các khu công nghiệp phía Bắc đạt 78%. Riêng các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh có tỷ lệ lấp đầy trung bình cao hơn, khoảng 90%.
Bà Đỗ Vân Anh, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu thị trường và phát triển của CBRE Hà Nội cho biết, phần lớn diện tích đất công nghiệp ở 5 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đã có khách thuê. Diện tích khu công nghiệp còn trống chủ yếu nằm tại Hưng Yên và Hải Phòng, đến từ các khu công nghiệp mới hoặc các giai đoạn mới của các khu công nghiệp hiện hữu vừa đi vào hoạt động trong năm nay.
Theo các chuyên gia JLL Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất bền vững, nên hầu hết chủ đầu tư ở các thị trường phía Bắc đều duy trì lợi thế thương lượng lớn bất chấp khủng hoảng đại dịch. Điều này khiến giá thuê đất công nghiệp lập đỉnh mới 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong quý III/2020, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động khoảng 4,1-5,2 USD/m2/tháng trong quý III, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia đánh giá, giá thuê bất động sản công nghiệp ở phía Bắc khó có khả năng leo cao hơn bởi triển vọng nguồn cung đang tốt lên. Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ do Việt Nam được coi là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Đây là tín hiệu hỗ trợ cả cung và cầu bất động công nghiệp Việt Nam nói chung, chứ không riêng miền Bắc.