Thu hồi toàn bộ nhà ở công vụ sử dụng sai mục đích
Chính phủ yêu cầu thu hồi toàn bộ nhà công vụ giao sử dụng sai đúng mục đích, không đúng đối tượng, giao cho cựu quan chức nhưng hết thời gian được sử dụng theo quy định.
Đó là một trong những mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, sẽ ban hành trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định.
Đồng thời yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền (trừ xe chuyên dùng).
Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, Chính phủ yêu cầu hạn chế tối đa chi đi công tác nước ngoài, tổ chức hội họp, tọa đàm.
Trong sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tiến hành rà soát, cắt giảm 100% dự án không nằm trong quy hoạch, tạm dừng các hạng mục công trình chưa cần thiết, hoặc hiệu quả đầu tư thấp, dự án đầu tư kéo dài nhiều năm, không hiệu quả.
Yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên; quản lý các quỹ tài chính ngân sách; sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ trong năm 2021 cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trước đó, vụ việc nhiều quan chức về hưu vẫn không trả nhà công vụ gây xôn xao dư luận. Được biết, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2. Tuy nhiên, dù không còn tại vị, nhưng đến nay, việc trả nhà cho Nhà nước vẫn chưa được thực thi.
Phải đến khi Bộ Xây dựng ra văn bản nhắc nhở và báo chí vào cuộc, những cán bộ này mới có động thái hoàn trả nhà công vụ. Vụ việc này cùng với nhiều sự việc xảy ra trong quá khứ đang làm dấy lên những vấn đề trong việc quản lý, thực thi chính sách của Nhà nước đối với nhà công vụ.
11 dự án của Novaland vẫn bị TP HCM “giam” sổ hồng?
Ngày 10/9, tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, một trong những bức xúc lớn nhất hiện nay của cư dân chung cư chính là chuyện chậm cấp sổ hồng. Việc chậm trễ không chỉ kéo dài trong 5-10 năm, mà cá biệt có những dự án đến hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất để được cấp sổ hồng.
Đại diện cư dân chung cư Lexington Residence (dự án do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư) cho biết, thời gian qua toàn thể cư dân đã tốn rất nhiều thời gian công sức vì mòn mỏi chờ đợi sổ hồng.
Theo thống kê sơ bộ của HoREA có 63 dự án tại TP HCM với hơn 30.000 căn hộ và officetel chậm cấp sổ hồng. Đáp lại những bức xúc của hàng chục ngàn hộ dân và doanh nghiệp, ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi lễ trao 1.000 “sổ hồng tượng trưng”, cho 16 dự án ngoài danh sách này.
Trong đó, nổi bật nhất là thông tin tính đến tháng 08/2020, thành phố đã cấp được hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận, đạt tỉ lệ hơn 97%. Tuy nhiên, thời điểm thống kê đã bị che giấu. Và sự thật cũng đã bị phơi bày ngay sau đó.
Theo HoREA, con số hơn 1,5 triệu giấy chứng nhận được cấp là cộng dồn từ năm 1993 đến nay. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp “sổ hồng” dự án nhà ở tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Như Reatimes đã phản ánh trong bài “Sổ hồng” to nhất Việt Nam và “bệnh” thành tích, HoREA cho rằng, việc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Lễ” trao 1.000 “sổ hồng” cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước.
Cũng theo HoREA, cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ “vướng” tại TP HCM. Điều này thể hiện “bất cập” trong công tác “thực thi pháp luật.
Mặt khác, những vướng mắc hiện tại mà doanh nghiệp và người dân mắc phải đều có phần trách nhiệm của chính quyền TP HCM. Điển hình là 11 dự án của Tập đoàn Novaland.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland chia sẻ, đơn vị đang thực hiện hơn 40 dự án nhà ở tại TP HCM. Trong quá trình phát triển, công ty gặp nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật liên quan quản lý đất đai, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp chủ quyền cho cư dân…
Nhìn lại lịch sử, thời điểm cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong là người đã mạnh dạn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bằng việc “tạm nộp” tiền sử dụng đất. Cơ chế này hoàn toàn không có trong quy định pháp luật, và chỉ một số ít doanh nghiệp được hưởng, trong đó có Tập đoàn Novaland.
Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi ngược lại liệu lãnh đạo thành phố và các sở ngành gỡ khó hay đẩy doanh nghiệp vào vũng lầy? Câu trả lời thỏa đáng cho Novaland và những doanh nghiệp trong hoàn cảnh tương tự phải là hành động thiết thực, chứ không phải là buổi lễ trao 16 “sổ hồng” to nhất Việt Nam, như đã từng được Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Giao dịch BĐS thương mại lao dốc
Mới đây, JLL vừa công bố báo cáo thị trường đầu tư tài sản với lượng giao dịch bất động sản tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục xu hướng giảm sâu do tác động nặng nề của đại dịch. Toàn khu vực ghi nhận giao dịch văn phòng giảm 35%, trong khi giao dịch bất động sản bán lẻ và khách sạn rớt 51 - 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Covid-19 tuy làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do đây được xem là điểm nóng công nghiệp mới nổi ở khu vực. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư vào mảng trung tâm dữ liệu và hậu cần.
Theo đánh giá của JLL, Việt Nam vẫn đang có nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư trong nước có danh mục phát triển quy mô lớn, hiệu suất sinh lợi cao. Thị trường Việt Nam cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường còn non trẻ và đang phát triển. Dù các giao dịch này vẫn trong giai đoạn được đàm phán và rà soát pháp lý. Đây vẫn là yếu tố tích cực bởi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phục hồi của đất nước và sức mua của người dân sẽ được cải thiện trong những quý kế tiếp.
Thống kê của đơn vị này cho thấy, hoạt động đầu tư bất động sản châu Á Thái Bình Dương có dấu hiệu phục hồi trong quý III với 35 tỷ USD giao dịch trực tiếp được cam kết trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 09/2020. Lượng giao dịch đã phục hồi 35% so với quý trước, dù vẫn còn thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm 2019.
Phát triển vật liệu xây không nung vẫn gặp khó
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mục tiêu Chương trình là “Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020”. Sau 10 năm triển khai Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020, năng lực sản xuất VLXKN đạt 9,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, chiếm 30% tổng lượng gạch xây; công nghệ sản xuất VLXKN ngày càng hiện đại; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao; chủng loại, mẫu mã sản phẩm VLXKN ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện, cả nước có trên 1.600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm - chiếm khoảng 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây nhưng vẫn ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các cơ sở VLXKN cũng mới chỉ phát huy từ 45 - 50% công suất thiết kế.
Đặc biệt, các DN trong nước đã chủ động trong việc chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất VLXKN có giá cạnh tranh với dây chuyền, thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ và nhiều công việc cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Đại diện một số Sở Xây dựng cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Chương trình 567 tại các tỉnh, thành phố tồn tại một số hạn chế do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu; chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm VLXKN; chưa có nhiều DN sản xuất VLXKN có hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật đủ năng lực…
Nhằm khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện những giải pháp.
Đó là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn nhà nước ngoài ngân sách, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng vốn nhà nước phải sử dụng tro, xỉ vào các dự án giao thông.
Cơ quan chức năng cần giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc diện tích bãi thải chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình và không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ, thạch cao đã được phê duyệt.
Đà Nẵng ra quyết định tháo gỡ vướng mắc đất đai cho nhà đầu tư
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở TN&MT về tháo gỡ vướng mắc đất đai cho doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan Kết luận Thanh tra 2852/2012 của Thanh tra Chính phủ.
Trong đó, UBND TP Đà Nẵng cho biết, nhà đầu tư sơ cấp tiếp tục thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng đất để thu hồi, cấp lại giấy chứng quyền sử dụng đất đã cấp sai để xác định lại thời hạn sử dụng theo Luật Đất đai 2013.
Với các trường hợp chủ đất không đồng ý điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thì làm thủ tục thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai, cấp đổi lại GCN khác.
UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, với nhà đầu tư thứ cấp được phân ra 4 trường hợp với quy trình thực hiện cụ thể:
Thứ nhất, trường hợp đã điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thành 50 năm, sau đó tiếp tục chuyển nhượng khu đất thì giữ nguyên thời hạn đã điều chỉnh.
Thứ hai, trường hợp đã thực hiện điều chỉnh thời hạn nhưng chưa chuyển quyền tiếp cho nhà đầu tư thứ cấp khác, UBND TP yêu cầu hủy bỏ nội dung đã đăng ký điều chỉnh thời hạn với những khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ ba, với các khu đất đã được thực hiện điều chỉnh thời hạn đối với nhà đầu tư thứ cấp và đã cấp đổi sổ hồng sau khi điều chỉnh thời hạn thì thực hiện thông báo thu hồi, cấp đổi lại sổ hồng để xác định lại thời hạn lâu dài như ban đầu được nhận chuyển quyền.
Cuối cùng, với trường hợp người nhận chuyển quyền chưa thay đổi thời hạn sử dụng đất thì giữ nguyên thời hạn lâu dài và cho phép giải quyết thủ tục về đất đai khi người sử dụng đất có nhu cầu.
Như vậy, sau 8 năm kể từ khi có kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng chính thức tháo gỡ vướng mắc cho hàng ngàn doanh nghiệp có liên quan đến các khu đất, dự án đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ.