Trong tháng 4/2018, chỉ số VN-Index giảm hơn 124 điểm, tương đương giảm gần 10,6%, trong đó có 3 tuần giảm liên tiếp. Tâm lý chung của thị trường trong những ngày vừa qua khá tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh ngay ở vùng giá thấp, dù phiên cuối tuần đã ghi nhận hồi nhé. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường tuần sau kỳ nghỉ lễ?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Yuanta
Hiện nay, xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm và chưa có dấu hiệu chững lại đà giảm này, thậm chí chỉ số VN-Index cũng đã giảm dưới đường trung bình SMA100.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán mạnh, nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong một vài phiên tới, nhưng xu hướng của thị trường vẫn là xu hướng giảm trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Thị trường đã bị giật rất mạnh ngay trước kỳ nghỉ lễ và một trong những nguyên chính đó là việc áp lực bán ra chốt lời của các quỹ đầu tư và một phần nguyên nhân chính là các công ty chứng khoán siết lại nguồn cung cho vay khiến dòng tiền không thể xoay chuyển.
Ngay trước phiên nghỉ lễ dòng tiền đã được khai thông phần nào và hình thành một làn sóng mới mua vào tích lũy trở lại.
Chưa thể khẳng định mốc 1.030 điểm là đáy giai đoạn này, nhưng có thể chắc chắn thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng và nếu tình hình xấu nhất thị trường chỉ giảm thêm một đợt nữa là kết thúc.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Sau quãng thời gian tiêu cực vừa qua, các nhà đầu tư đang được phân hóa thành 2 lớp: Nhóm nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu hiện đang cảm thấy rất chán nản, trong khi đó nhóm nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường hiện vẫn đang giữ động thái quan sát.
Do mặt bằng nhiều cổ phiếu lớn đã giảm giá khá mạnh, nên đó cũng là cơ hội nhất định của thị trường. Bà Nguyễn Ngọc Lan
Theo tôi thấy, phía bên nắm giữ hiện tại đang khá bị động do bất lợi về vị thế và xu hướng thị trường, trong khi bên cầu lại rất dè dặt mua vào và lực mua khi thị trường bắt đầu hồi lên trong phiên là khá yếu.
Như vậy về tâm lý, hiện tại tâm lý bán là hoàn toàn thắng thế. Trong các phiên gần đây, lực bán chủ động mạnh một phần có thể do áp lực của việc giải chấp, tuy nhiên điều tôi đánh giá là xấu, đó là dòng tiền tham gia mua ở vùng giá thấp khá yếu, cộng với đó chiều hướng giao dịch của khối ngoại hiên cũng đang không thuận lợi cho thị trường.
Vì vậy, nếu không có gì thay đổi, rất có thể thị trường sẽ tiếp tục giảm xuống để test cầu sau kỳ nghỉ lễ. Trong trường hợp tích cực, dòng tiền trở lại thị trường sau kỳ nghỉ và mua mạnh, thì việc tạo đáy có thể diễn ra sớm hơn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Sau khi tăng 19,3% trong quý I, thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh trong tháng 4 với mức giảm 10,6%, nếu tính từ đỉnh thì mức giảm lên đến 14,8%, đây có thể là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số VN-index trong vòng 7 năm qua và cũng là tháng 4 thứ hai có mức giảm trên 10% sau tháng 4 năm 2007 (13,8%), khiến thị trường mất khoảng 15 tỷ USD vốn hóa.
Thông thường, với mức giảm bình quân ở cổ phiếu vào khoảng 18 - 20% thì có thể có nhịp phục hồi sau đó và do vậy, đây là cơ hội để nhà đầu tư tạo vị thế hoặc tích lũy cổ phiếu trong danh mục của mình. Ông Ngô Quốc Hưng
Nguyên nhân thì đã được các chuyên gia, các tổ chức định chế tài chính nước ngoài chỉ ra, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, sự thật đã bị khuyếch đại lên rất nhiều. Đợt sụt giảm của TTCK Việt Nam đơn thuần là một đợt điều chỉnh mạnh sau một thời gian dài tăng khá nóng và do áp lực vay margin của các nhà đầu tư đang ở mức cao.
Nhìn chung, đà giảm của TTCK không bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế hay lợi nhuận doanh nghiệp. Các yếu tố cơ bản về kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn sáng sủa, hỗ trợ xu hướng đi lên dài hạn của thị trường.
Thị trường trở lại giao dịch 3/5 phiên sau kỳ nghỉ lễ, thời gian là rất ngắn có thể chưa nói lên được điều gì về xu hướng thị trường, với thời gian dài hơn, tôi cho rằng, thị trường đang đi tìm điểm cân bằng, tâm lý sau kỳ nghỉ lễ thường mạnh lên và do vậy có thể có nhịp phục hồi ngắn hạn.
Thống kê cho thấy, trong 10 năm trở lại đây thì có 5 năm thị trường tăng điểm trong tháng 5. Hiệu ứng “sell in May” có tác động đến thị trường trong năm nay không, theo ông/bà?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Hiệu sứng Sell in May chỉ là hiệu ứng tâm lý, nhưng trong những năm giao dịch gần đây thì hiệu ứng Sell in May không còn phát huy tác dụng và thị trường thường tăng tốt trong tháng này.
Do đó, tôi cho rằng, hiệu ứng Sell in May có thể không phát huy trong năm nay, nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ ngại giao dịch và ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Dù trong vài năm gần đây thị trường tháng 5 thường tăng, nhưng ám ảnh của cảm giác “Sell in May” là vẫn còn.
Khi thị trường có tín hiệu tạo đáy ngắn hạn là cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy dần trở lại, nhưng nên hạn chế sử dụng margin. Ông Nguyễn Hồng Khanh
Việc những năm gần đây thị trường tăng điểm trong tháng 5 là do trước đó đã điều chỉnh kha khá từ hồi tháng 3, tháng 4 và vì vậy, sang tháng 5 thị trường không những hồi phục còn vượt đỉnh cũ do hiệu ứng hoạt động kinh doanh tăng trưởng của nền kinh tế mang lại.
Tôi cho rằng, năm nay cũng không khác mấy khi thị trường đã giảm mạnh trước đó và nguồn tiền đã cân bằng trở lại, vì vậy khả năng thị trường sẽ hồi phục và tăng trở lại ngay sau kỳ nghỉ lễ.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Như thống kê ở trên thì chúng ta có thể thấy xác suất tăng giảm của thị trường vào tháng 5 này mang tính chất 50-50 mà không hẳn có một mối liên hệ chắc chắn.
Thực ra, việc thị trường diễn biến như thế nào trong tháng này còn phụ thuộc vào vận động của thị trường trước đó và xu hướng, triển vọng chung của thị trường được đánh giá từ đầu năm.
Trên qua điểm của tôi, số đông thị trường đều thống nhất về triển vọng dài hạn của TTCK Việt Nam, nhưng chính sự thống nhất cao khiến thị trường được kỳ vọng lớn và đã tăng quá nóng và việc giảm 10% của chỉ số vẫn là một mức giảm khá bình thường so với mức tăng đã thể hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, do mặt bằng nhiều cổ phiếu lớn đã giảm giá khá mạnh, nên đó cũng là cơ hội nhất định của thị trường. Dù vậy, với xu hướng hiện tại, tôi cho rằng, tháng 5 năm nay thì xu hướng Sell có lẽ sẽ là chủ đạo.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Theo tôi, thị trường ở mỗi giai đoạn có sự khác nhau, nếu hành động cứ lặp đi lặp lại những gì đã xảy ra trong quá khứ thì đã có 10 tháng 5 thị trường có hiệu ứng “Sell in May” rồi, như vậy thì quá dễ để kiếm tiền!
Tính chu kỳ hoặc yếu tố mùa vụ cũng chỉ có tính chất tham khảo mặc dù đúng là xác suất hiệu ứng này đang là 50% trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cho dù có đúng đến 90%, thì cũng chỉ là xác suất, đến 99% cũng không phải là chắn chắn.
Trong 2 - 3 tuần tới, thị trường có thể rơi vào vùng trũng thông tin và câu chuyện IPO trị giá gần 3 tỷ USD sẽ đến vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, vì vậy thị trường có thể đi ngang tích lũy với thanh khoản thấp và sẽ tạo đáy theo cách thông thường. Tuy nhiên, dòng tiền thông minh lại không ngừng vận động và sẽ không chờ đến thời điểm đó mới bắt đầu tham chiến.
Do vậy, tôi cho rằng, thị trường sẽ tích cực về nửa cuối tháng 5, năm ngoái thị trường đã không bị hiệu ứng “Sell in May”, năm 2007 thị trường cũng giảm mạnh 13,8% trong tháng 4 và sau đó hồi phục mạnh 17% trong tháng 5, còn năm nay rất có thể thị trường lại “lỗi hẹn” với hiệu ứng “Sell in May”.
Nhiều nhóm cổ phiếu phản ứng khá nhạy cảm khi liên tục giảm sàn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán. Ông/bà nghĩ sao về việc thị trường đã tạo đáy ngắn hạn và đây là cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Việc đoán đáy là rất khó, nhưng tôi kỳ vọng, thị trường sẽ trụ vững ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 975 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mà chỉ số VN-Index đã kiểm định vào đầu tháng 2/2018.
Tôi cho rằng, hiệu ứng Sell in May có thể không phát huy trong năm nay, nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ ngại giao dịch và ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Ông Nguyễn Thế Minh
Tôi cho rằng, không quan trọng việc đoán đáy và nên xem xét xu hướng ngắn hạn thế nào, nghĩa là chỉ nên mua vào khi thị trường đã hoàn toàn xác nhận xu hướng tăng trở lại. Còn đối với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm bắt đáy, thì có thể chú ý ở vùng hỗ trợ 975 điểm và bắt đáy ở tỷ trọng thấp.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Khi thị trường tăng mạnh về giao dịch và điểm số thì các công ty chứng khoán kỳ vọng tăng trưởng về lợi nhuận. Và khi sự kỳ vọng đi quá xa sẽ vượt qua giá trị thật của cổ phiếu.
Vì vậy, khi một đợt điều chỉnh mạnh bắt đầu, thì những nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Về trung hạn, năm nay, thị trường chưa có dấu hiệu xấu để cảnh báo và một số ngành tiêu biểu như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng, bán lẻ, điện… dự báo vẫn tăng trưởng tốt.
So với đầu năm, VN-Index tăng khoảng 5,5%. Đây là con số vừa phải so với các năm gần đây và tôi cho rằng, đây có thể xem là vùng đáy ngắn hạn và nhà đầu tư đã có thể tích lũy dần cổ phiếu.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Thực tế, các cổ phiếu rơi sâu thời gian qua đều có quá trình tăng khá nóng và mức định giá thay đổi rất nhanh. Việc cổ phiếu giảm dẫn tới hiệu ứng dây chuyền về tâm lý hay về việc bị giải chấp là thủ phạm cho hiện tượng sàn hàng loạt và liên tục của các cổ phiếu mang tính thị trường cao.
Cũng cần nhìn nhận thực tế là trong quá trình giảm, lực cầu là không đủ để có thể ngăn đà rơi cũng như tạo đáy, vì vậy việc bắt đáy trở nên nguy hiểm.
Về mặt thị trường, tôi nghĩ rằng thị trường sẽ chưa thể xác lập đáy nếu dòng tiền lớn và chủ động chưa bắt đầu nhập cuộc và mua mạnh tại vùng giá thấp dẫn tới giá chững lại đà rơi và đảo chiều xu hướng.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi đồng quan điểm với nhận định này. Như đã phân tích ở, trên thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn theo cách thông thường nếu không có thông tin nào bất thường tác động.
Nếu nhìn vào mức điều chỉnh của thị trường chung trong tháng 4 là 10,6% hoặc tính ở đỉnh là 14,8% thì chưa đầy đủ, mức thiệt hại ở cổ phiếu mới là đáng kể. Trong đó, nhóm vốn hóa giảm bình quân 15,2% (do VIC, VNM, SAB chỉ giảm bình quân 6%), nhóm ngân hàng giảm bình quân gần 18%, nhóm chứng khoán cũng giảm bình quân 18,7%...
Vì vậy, chỉ số chung ít có ý nghĩa trong giai đoạn này, mức chiết khấu ở các nhóm dẫn dắt đã đủ hấp dẫn chưa mới là điều thị trường trông chờ. Thông thường, với mức giảm bình quân ở cổ phiếu vào khoảng 18 - 20% thì có thể có nhịp phục hồi sau đó và do vậy, đây là cơ hội để nhà đầu tư tạo vị thế hoặc tích lũy cổ phiếu trong danh mục của mình.
Vậy theo ông/bà, đâu là chiến lược giao dịch an toàn ở thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Xác suất giảm thêm trên 5% là có thể xảy ra và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức hỗ trợ ngắn hạn 975 điểm, nhưng thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn và các nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu về dưới mức 20%, đặc biệt là hạ tỷ trọng margin về mức thấp.
Còn đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì nên hạn chế mua mới và chờ nhịp giảm thêm trong vài phiên tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS
Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường gặp căng thẳng về tỷ lệ an toàn khi sử dụng margin cao, đây là điều cần lưu ý hàng đầu khi thị trường có dấu hiệu rung lắc cần hạ ngay tỷ lệ và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50% so với tiền mặt.
Khi thị trường có tín hiệu tạo đáy ngắn hạn là cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy dần trở lại và để dự phòng rủi ro việc sử dụng margin vẫn nên hạn chế hoặc chỉ ở tỷ lệ thấp so với tài sản. Chỉ nên nâng cao margin khi chắc chắc cổ phiếu mình nắm giữ sẽ tăng trưởng mạnh và đồng pha cùng với thị trường.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới, CTCK Agriseco
Với những đánh giá trên, theo tôi, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu về dần mức 30% trong các phiên thị trường hồi phục. Việc tranh thủ mua các cổ phiếu có nền tảng tốt và câu chuyện tăng trưởng dài hạn vào các phiên hoảng loạn cực độ sau một quá trình giảm giá mạnh liên tiếp có thể khá hiệu quả nhưng nên giải ngân thành nhiều đợt khác nhau.
Trong thị trường này, chiến lược khá hiệu quả là trading các cổ phiếu hiện có trong danh mục, bán khi thị trường hồi và cover lại sau khi thị trường tiếp tục giảm.
Việc tham gia thị trường với tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn nên được thực hiện sau khi thị trường cho thấy những dấu hiệu rõ hơn của một đợt hồi phục mang tính trung hạn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Về dài hạn, việc nhiều cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian vừa qua làm cho mặt bằng định giá trở nên hợp lý thì đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn phải lưu ý giảm tỷ lệ margin giúp giải tỏa tâm lý trong nhịp điều chỉnh vừa qua, chỉ gia tăng tỷ trọng với cổ phiếu có sẵn trong danh mục, thị trường mới đi được 1/4 chặng đường và còn nhiều cơ hội ở phần còn lại, còn tiền là còn cơ hội.