Thị trường bánh Trung thu ảm đạm
Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Trung thu nhưng trên thị trường bánh trái đã rất nhộn nhịp.
Dù mùa trung thu hứa hẹn là mùa mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho các doanh nghiệp trong ngành, với biên lợi nhuận được thường cao hơn hẳn so với mặt hàng bánh kẹo thông thường. Tuy nhiên, năm nay, sức mua bánh Trung thu giảm hẳn so với những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Cổ phần Bibica, nhu cầu thị trường bánh Trung thu năm nay giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng của các doanh nghiệp khác cũng rất chậm không đáng chú ý. Những tên tuổi lớn như ông ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC) mùa Trung thu năm nay cũng không nổi trên thị trường.
Đáng chú ý trong mùa Trung thu năm nay là sự tái xuất của Công ty CP Tập đoàn Kido (KDC) với 4 triệu bánh trung thu thương hiệu Kingdom tung ra thị trường. Đại diện hãng còn cho biết, nếu không có dịch bệnh thì KDC còn có thể sản xuất gấp đôi. Với vị thế dẫn đầu về lĩnh vực thực phẩm thì doanh số mảng bánh Trung thu của KDC như trên là không đáng kể.
Năm nay kinh tế chịu nhiều biến động do dịch bệnh, việc chi tiêu cũng được người dân thắt chặt hơn nên nhu cầu giảm là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng không quá bất ngờ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bánh Trung thu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự sôi động.
Khác với các năm trước, các cửa hiệu bánh Trung thu truyền thống như Bảo Phương, Tuyết Lan năm nào cũng đông đúc thì năm nay trở nên vắng vẻ lạ thường, lác đác người mua.
Đại diện các cửa hiệu bánh Trung thu truyền thống đều cho biết, thời điểm này năm ngoái họ phải làm bánh liên tục, đơn hàng nhận không xuể nhưng năm nay chưa có nhiều đơn đặt, lượng hàng bán ra chậm.
Hình ảnh đối lập của cửa hành bánh Trung thu Bảo Phương năm nay và năm trước
Cả hai cơ sở của Bảo Phương tại 201A, 201B đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đều chung tình trạng người mua thưa thớt. Bánh Trung thu Tuyết Lan cũng đồng cảnh ngộ, chỉ vài ba người mua trong ngày.
Chủ cửa hàng bánh Trung thu truyền thống Bảo Phương cho hay, cửa hàng dự kiến sẽ cắt giảm 30% sản lượng so với những năm trước vì tình hình năm nay khách hàng giảm hơn rất nhiều. Cảnh thường thấy ở tiệm bánh nổi tiếng này trong các năm trước xếp hàng dài thì năm nay không xuất hiện nữa, khách vào có thể mua được bánh ngay.
Không chỉ những cửa hiệu truyền thống mà những quầy hàng bánh Trung thu trên các tuyến phố Hà Nội cũng đều chịu chung cảnh đìu hiu, ảm đạm. Tại phố Tôn Quang Phiệt (Bắc Từ Liêm), nhiều ki-ốt của các hãng bánh như: Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị… dựng lên san sát, song chẳng có mấy người ghé mua. Lượng khách mua tính trên đầu ngón tay, các năm trước cần 2 - 3 nhân viên trông một cửa hàng thì năm nay chỉ cần 1 nhân viên trông coi 2-3 quầy.
Có một điều lạ là thị trường bánh Trung thu giảm sức mua nhưng giá bán lại tăng khoảng 7%. Lý giải về việc này, nhiều người cho rằng, thị trường nguyên vật liệu năm nay có nhiều biến động, từ đó dẫn đến giá bánh cũng thay đổi theo.
Bánh Trung thu nông sản Việt lấn sân vào thị trường
Thời gian trước, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, nông sản Việt ùn ứ và lưu thông kém, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã tập trung giải cứu hàng hóa cho người Việt. Đơn cử, nhiều nghệ nhân đã làm ra các loại bánh đậm chất Việt như bánh mì thanh long, bánh bao đỏ, bánh sầu riêng… được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình.
Đến mùa Trung thu năm nay, nhiều người thức thời đã nhanh chóng bổ sung những vị bánh Trung thu mới lạ nhưng vẫn rất quen thuộc với người Việt như thanh long, sầu riêng, dâu tằm, dâu tây, trà xanh, chanh dây, cà phê, sô cô la...
Ông Trần Triệu Phú - Chủ doanh nghiệp đã thành công sản xuất loại bánh Trung thu thanh long cho rằng, bánh Trung thu loại mới không chỉ là vừa trợ giúp được cho bà con nông dân mà còn thay đổi hướng kinh doanh, tập trung sản xuất các loại bánh nông sản với mục đích vừa sản xuất các sản phẩm theo định hướng mới lại.
Hãng bánh ngọt ABC Bakery cũng tạo ra các loại sản phẩm bánh Trung thu mới kết hợp nông sản Việt Nam và các loại nguyên liệu nhập khẩu khác. Đại diện hãng này cho biết, bánh Trung thu Thanh long nhân phô mai là sự nối dài cảm hứng từ câu chuyện về bánh mì Thanh long trong những tháng đầu của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Hay thương hiệu bánh Ái Huê “chào sân” mùa Trung thu 2020 với loạt bánh trung thu trái cây gồm thanh long, xoài, chanh dây… làm hoàn toàn từ nông sản Việt Nam. Mỗi chiếc bánh trung thu trái cây sẽ có giá dao động từ 95.000 đến 314.000 đồng/cái với trọng lượng 150 - 250 gram.
Còn đơn vị L’angfarm thì ra mắt 5 loại bánh Trung thu Lưu sa với các hương vị truyền thống Việt là dâu tằm, dâu tây, trà xanh, chanh dây, cà phê, sô-cô-la. Ngoài ra thường hiệu này còn phát triển thêm 3 loại bánh từ trà thảo mộc gồm trà Atisô, trà Oolong và trà Sencha hoa lài L'angfarm. Hộp quà với 9 sản phẩm nông sản đặc biệt, giá bán 599.000 đồng/hộp.
Có thể nói, các loại bánh Trung thu nông sản Việt chưa phổ biến vì giá thành khá cao nhưng vẫn đang được người tiêu dùng ủng hộ. Đó cũng là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp tập trung vào hàng Việt và nông sản Việt được nhìn nhận hơn trong thói quen của người tiêu dùng.
Cũng như các mặt hàng khác, bánh Trung thu được phân thành nhiều cấp. Đối với phân khúc cao cấp, năm nay, bánh Trung thu được biến tấu hơn với phiên bản dành cho người giàu và dường như tình hình dịch bệnh không hề ảnh hưởng đến loại bánh Trung thu này. Các cơ sở kinh doanh, bán bánh Trung thu xách tay giới thiệu loại bánh Trung thu dát vàng để phục vụ nhu cầu tăng cao mùa bánh năm nay. Trong đó, nổi lên dòng bánh KeeWah từ Hồng Kông với nguyên liệu đậu đỏ, vỏ quýt và được phết lá vàng mỏng hình bông hoa ở chính giữa. Hiện tại, loại bánh này được bán theo set từ 4 - 6 chiếc, với giá từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Đa phần được khách tìm mua làm quà biếu hoặc tò mò thưởng thức vì hương vị lạ.
Hoặc bánh Trung thu của Vinpearl Luxury Lanmark 81 với 7 loại lấy chủ đề "Phượng Gấm Hoàng Kim" với nguyên liệu đặc biệt như xương bò Úc, bò Wagyu xuất xứ từ Nhật Bản (với chi phí đắt đỏ từ 3 - 7 triệu đồng/kg, thậm chí lên tới hàng chục triệu đồng).
Ngoài ra, còn loại bánh trung thu vây cá mập, bào ngư, tổ yến... với giá hàng triệu đồng/hộp.
Một loại bánh Trung thu giá cả không quá đắt nhưng đang sốt trên các trang chợ online là bánh Trung thu trứng chảy. Loại bánh có xuất xứ từ Hồng Kông này đã xuất hiện vài năm nhưng năm nay đặc biệt lại gây sốt, được bán với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/hộp. Loại bánh này hot đến nỗi phần lớn các đầu mối đều yêu cầu phải order trước từ 2 - 5 ngày.
Đối với nhiều chị em lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm thì bánh Trung thu handmade lại là lựa chọn đầu tiên, phục vụ gia đình hoặc cũng đem bán. Đa dạng không kém các loại bánh của nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường, bánh Trung thu handmade rất đẹp mắt với nhiều tạo hình ấn tượng như: Đàn lợn con, đàn gà con, cá chép, mặt trăng…
Bánh Trung thu tự làm không khó, có thể tự làm nhân hoặc đặt mua nhân làm sẵn. Khuôn bánh cũng bán sẵn trên mạng. Các mẹ chỉ cần học thật kỹ cách cách nướng để có được những chiếc bánh thơm ngon. Nhiều mẹ cho rằng muốn có cảm giác hồi hộp khi nếm thử mẻ bánh đầu tiên ra lò và cảm giác sung sướng khi những chiếc bánh biếu tặng của mình được người thân, bạn bè ưa thích, khen ngợi. Vì thế mà bánh Trung thu handmade cũng được làm ngày càng nhiều hơn. Thêm nữa là loại bánh này lại vô cùng kinh tế trong mùa dịch
Hoạt động mua bán tăng nhiều trên mạng
Cùng với việc mua bán trực tiếp tại cửa hàng, hoạt động mua bán bánh Trung thu online cũng không kém phần sôi động, với nhiều sản phẩm bánh Trung thu được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Mua bánh trung thu online có nhiều tiện lợi như tiết kiệm được thời gian đi lại. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, việc mua bánh Trung thu online là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.
Khảo sát thực tế, thị trường bánh Trung thu online cũng sôi động không kém thị trường mua sắm trực tiếp, khi hầu hết đơn vị kinh doanh đều đã tung bảng báo giá chi tiết lên các kênh thương mại điện tử, website công ty, mạng xã hội...
Tính đến thời điểm hiện nay, kênh bán hàng online mang lại sự tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua, do đơn vị kinh doanh không cần "ôm hàng" với số lượng lớn và đầu tư khâu bảo quản sản phẩm. Trong khi đó, người mua có cơ hội chọn lựa sản phẩm phong phú và được giao hàng tận nơi.