Đề xuất thí điểm loạt cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.
Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Theo đó, Quỹ Nhà ở quốc gia là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.
Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác. Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Giải thích về đề xuất này, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết Việt Nam chưa có quỹ nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Hiện nay, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Các quỹ này có chức năng và hoạt động chủ yếu là cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở; cho vay các dự án nhà ở thuộc chương trình nhà ở của thành phố; cho vay vốn đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê; đầu tư trực tiếp tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố, quản lý quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư; quản lý, khai thác các khu nhà lưu trú công nhân,... Tuy nhiên, do nguồn vốn hoạt động của quỹ phát triển nhà ở còn hạn chế, nên hầu hết quỹ phát triển nhà ở địa phương đã sáp nhập vào quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh (Ảnh: QH).
Bên cạnh đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, dự thảo Nghị quyết còn đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Cụ thể, với dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.
Các tiêu chí ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư gồm: Có chức năng kinh doanh bất động sản; đảm bảo về dư nợ tín dụng, dư nợ trái phiếu; có đủ vốn chủ sở hữu theo quy định; đồng thời có kinh nghiệm và năng lực tài chính phù hợp.
Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn nhiều thủ tục như lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; không phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật.
Việc thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện lồng ghép trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng. Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Cần xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
"Các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng", ông Hoàng Thanh Tùng đánh giá.
Tuy nhiên, để Nghị quyết được triển khai hiệu quả, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia; tán thành việc xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để bảo đảm rõ ràng về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ. Song việc xác định chức năng "đầu tư xây dựng" của Quỹ dễ dẫn đến cách hiểu Quỹ sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Do vậy, Ủy ban đề nghị làm rõ Quỹ có đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và luật khác có liên quan hay không để có cơ sở tổ chức thực hiện.
Về đề xuất Quỹ Nhà ở quốc gia có chức năng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị làm rõ vị trí pháp lý, mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của quỹ nhà ở xã hội. Ủy ban cho rằng, phạm vi chức năng của Quỹ sẽ rất rộng vì đối tượng mà Quỹ hướng tới là toàn bộ người lao động trong xã hội.
Do đó, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phù hợp hơn, bảo đảm tăng cường xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo Chỉ thị số 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; đồng thời, thực hiện đúng Kết luận của UBTVQH về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH).
Đối với đề xuất giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng cơ bản tán thành.
Về nội dung cụ thể của quy định này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết quy định tại khoản 1 Điều 5 gây ra cách hiểu sẽ áp dụng với cả dự án đầu tư công (quyết định chủ trương đầu tư) và dự án không sử dụng vốn đầu tư công (chấp thuận chủ trương đầu tư).
Tuy nhiên, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư và nội dung đánh giá chính sách về vấn đề này tại Tờ trình của Chính phủ chỉ gắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công, do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát để quy định chính sách đặc thù này phù hợp với nguồn vốn đầu tư.
Về việc quy định 2 loại hình nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, theo ông Tùng, Ủy ban đề nghị rà soát và chỉnh lý toàn bộ đối tượng về nhà ở áp dụng bảo đảm chính xác, thống nhất, minh bạch, chặt chẽ, tránh vướng mắc trong áp dụng pháp luật.
Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát để quy định điều kiện giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân đầy đủ, bao quát hơn; bổ sung làm rõ thêm các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm công bằng, chặt chẽ, khách quan./.