Aa

Báo chí cần hiểu rõ bản chất và tìm đúng “điểm rơi” khi góp ý xây dựng, phản biện chính sách

Thứ Năm, 17/07/2025 - 10:16

Muốn đưa tin chính xác, chuyên sâu và khác biệt, báo chí buộc phải hiểu đúng bản chất của chính sách, nhất là trong bối cảnh cải cách thể chế đang bước vào giai đoạn quyết liệt như hiện nay. Cùng với đó, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò phản biện và trở thành cầu nối hiệu quả, cùng các cơ quan báo chí tạo thành mô hình tam giác phối hợp ba bên trong hoạt động xây dựng và phản biện chính sách.

Đó là chia sẻ của ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, tại Diễn đàn “Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách”, do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 16/7.

Yêu cầu đó đối với báo chí càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình, của sự thịnh vượng và hùng cường. Khát vọng đó được cụ thể hóa qua bốn nghị quyết then chốt của Bộ Chính trị - Nghị quyết 57, 59, 66 và 68, định hình chiến lược phát triển đất nước đến năm 2045.

“Bộ tứ trụ cột” nói trên không dừng lại ở mục tiêu, mà còn đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đưa các chính sách vào cuộc sống. Trong bối cảnh đó, báo chí - truyền thông không thể đứng ngoài cuộc hay đưa tin đơn thuần, mà phải là chủ thể có hiểu biết và trách nhiệm, cùng các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia phản biện, đề xuất và giám sát quá trình hoạch định - thực thi chính sách.

Trong đó, Nghị quyết 68-NQ/TW/2025 là một bước ngoặt trong cải cách thể chế nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời, cũng là “bài kiểm tra” đối với trách nhiệm, năng lực hiểu và phản ánh chính sách của báo chí.

Báo chí cần hiểu rõ bản chất và tìm đúng “điểm rơi” khi góp ý xây dựng, phản biện chính sách- Ảnh 1.

ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, cải cách thể chế hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng. Nền tảng đầu tiên là Nghị quyết 68, với nhiều nội dung, tinh thần khác biệt với các Nghị quyết cải cách trước đó. Để tinh thần đó được truyền đạt chính xác, sâu sắc và dễ hiểu trên báo chí - truyền thông, đòi hỏi người làm báo phải nắm được những điểm mới cốt lõi này.

Thứ nhất, vượt trên yêu cầu đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính đơn thuần, tinh thần của Nghị quyết 68 là giảm phiền hà và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, bằng các con số cụ thể như “pháp lệnh” là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Việc cụ thể hóa các con số thay vì nói chung chung khiến động lực cải cách hành chính cũng mạnh hơn rất nhiều, nên báo chí cần hiểu và phân tích thấu đáo vấn đề này.

Thứ hai, là tăng sự bảo vệ cho doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc “không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự” khi xử lý sai phạm.

“Một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp lo sợ là tính không rõ ràng trong áp dụng pháp luật. Khi một hành vi vi phạm không được phân định rõ giữa xử lý hành chính, dân sự hay hình sự, doanh nghiệp rất dễ gặp rủi ro, thậm chí đóng băng mọi hoạt động và ảnh hưởng đến toàn bộ người lao động. Do đó, Nghị quyết 68 khẳng định, trong trường hợp chưa rõ ràng, còn mập mờ thì ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý hành chính, dân sự trước”, ông Hiếu nêu rõ.

Đặc biệt, theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, báo chí cũng cần lưu ý, Nghị quyết 68 đã yêu cầu xử lý tách bạch giữa tài sản, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý và doanh nghiệp. Khi phản ánh một vụ việc, nếu không tách bạch giữa lỗi của cá nhân quản lý và doanh nghiệp thì rất dễ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp và người lao động của họ. Nghị quyết yêu cầu xử lý rành mạch: Trách nhiệm của ai thì xử lý người đó, tránh trường hợp xử lý một cá nhân nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp. Vi phạm cá nhân là cá nhân; còn tài sản, hoạt động của doanh nghiệp phải được bảo vệ để duy trì hoạt động ổn định của doanh nghiệp và niềm tin trên thị trường.

"Tôi ví dụ, lãnh đạo doanh nghiệp vừa bị bắt thì báo chí liên tục gắn tên của họ vào doanh nghiệp. Có thể chỉ đưa một lần thôi, vì doanh nghiệp không liên quan đến sai phạm của cá nhân người lãnh đạo", ông Hiếu nói.

Thứ ba, Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc khơi thông các nguồn lực đất đai, dòng vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đó là nguồn lực ở hơn 2.000 dự án đình trệ, các tranh chấp hợp đồng chậm giải quyết… để tất cả các dòng tiền đều phải được đưa vào lưu thông nhanh nhất có thể. Chứ không đơn thuần là yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, dòng vốn từ ngân hàng…

Theo ông Hiếu, từ ba tinh thần đó, các cơ quan báo chí có định hướng chuyên sâu cần đảm nhận vai trò phản biện. Để nghị quyết đi vào thực tế, phải có chính sách phù hợp và những tiếng nói phản biện xã hội.

“Báo chí cần đặt câu hỏi: Sau khi ban hành từ tháng 5 đến nay, Nghị quyết 68 đã đi vào cuộc sống đến đâu, chính sách gì đã đi vào cuộc sống người dân, chứ không nên nói mãi về nội dung của Nghị quyết”, ông Phan Đức Hiếu lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, chỉ khi nào việc thực thi Nghị quyết 68 mạnh mẽ, kịp thời, có kết quả thì khi đó chúng ta mới có thể ghi nhận và tuyên dương.

Bên cạnh vai trò của cơ quan báo chí, ĐBQH Phan Đức Hiếu đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các hiệp hội ngành nghề trong việc dẫn dắt tiếng nói doanh nghiệp một cách đúng lúc, đúng chỗ, đúng trọng tâm.

“Ý kiến, phát hiện, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp về bất cập thể chế là rất quan trọng. Làm thế nào để cơ quan có thẩm quyền biết được đâu là những vướng mắc thực sự chứ không phải vướng mắc râu ria? Ai làm được việc này, theo tôi, không ai khác ngoài hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chứ không phải vai trò của từng doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Hiếu khẳng định.

Lý do chính là các hiệp hội có khả năng tổng hợp thông tin, phân tích một cách hệ thống và thay mặt doanh nghiệp đưa ra kiến nghị có trách nhiệm. Tuy nhiên, để các kiến nghị thực sự có giá trị và được lắng nghe, ông Phan Đức Hiếu lưu ý nâng cao năng lực kiến nghị, doanh nghiệp phải góp ý cụ thể, rõ ràng, có cơ sở.

“Nhiều khi tôi nhận được kiến nghị thì chỉ thấy nói rằng vấn đề này bất cập, nhưng không rõ bất cập ở đâu, cụ thể ra sao. Đồng thời, chúng tôi rất mong muốn khi nêu vấn đề thì cũng đi kèm với giải pháp mới có sức thuyết phục và có thể được tiếp thu nhanh hơn”, ông Hiếu nói.

Cùng quan điểm, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cũng khẳng định: “Tiếng nói của hiệp hội doanh nghiệp là hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phản biện chính sách. Bởi đó không chỉ là tập hợp ý kiến thực tiễn, mà còn là kênh phản hồi trách nhiệm, có tính hệ thống và đại diện”.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ “tháo gỡ nút thắt thể chế” rất mạnh mẽ, muốn nhận diện được những vướng mắc cần tháo gỡ, không ai khác ngoài chính doanh nghiệp là người phải phản ánh rõ, đầy đủ và có trách nhiệm.

“Để góp ý, phản biện chính sách hiệu quả, báo chí cũng phải “tìm đúng điểm rơi”, chọn đúng thời điểm, nội dung phù hợp để phản ánh”, ông Cường chia sẻ và lưu ý thêm, báo chí phải truyền thông trung thực, không đưa tin sai lệch hay cường điệu. Chẳng hạn như ảnh hưởng thực tế đến doanh nghiệp chỉ ở mức độ nhỏ nhưng lại phản ánh như một khủng hoảng lớn là chưa khách quan và dễ để lại hệ luỵ.

Đồng thời, để chính sách đi vào cuộc sống, bản thân doanh nghiệp cần hiểu rõ và chủ động thích ứng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa có năng lực để hiểu và thực thi chính sách cho đúng. Trong khi đó, chính sách ban hành của nhà nước ngày càng nhiều, yêu cầu tuân thủ ngày càng cao.

“Đây chính là lúc cần vai trò “trung gian” của các hiệp hội ngành nghề. Hiệp hội không những giúp doanh nghiệp hiểu đúng về chính sách, mà còn phải truyền tải ngược lại đến cơ quan quản lý những vướng mắc, rào cản trong quá trình thực thi để kịp thời điều chỉnh chính sách”, GS. TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Không chỉ vậy, các hiệp hội còn phải thực hiện giám sát hai chiều: Đó là giám sát các thành viên, đảm bảo doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật; nếu không thì có thể bị xử lý, thậm chí khai trừ khỏi hiệp hội. Hai là, giám sát cơ quan nhà nước, xem họ có thực thi đúng các quy định không, có trì trệ hay né tránh trách nhiệm không.

“Chính hai chiều giám sát này sẽ giúp tiếng nói của hiệp hội trở nên có trọng lượng, đáng tin cậy hơn trong quá trình góp ý, phản biện chính sách”, ông Cường nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top