Công tác bồi thường về đất cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, TS. Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường, bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Huy cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nữa về thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất nhằm đảm bảo thực hiện bồi thường thỏa đáng, công bằng, không gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Theo TS. Nguyễn Vinh Huy, quy định trong dự thảo Luật về việc Nhà nước có thể thu hồi đất để thực hiện "dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở" nếu đáp ứng các tiêu chí về mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược là chưa hợp lý. Dự thảo Luật chỉ nên quy định cho phép chủ đầu tư thương lượng với người dân để mua lại đất hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Góp ý về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, đây là tồn tại cần quan tâm và giải quyết để thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật. Trung ương đã ban hành Nghị quyết 17-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao; trong đó đã xác định 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Nội dung định hướng về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đã được nêu rõ trong giải pháp 2.
Về cưỡng chế thu hồi đất, dự thảo Luật đã nêu cụ thể song để đảm bảo quyền lợi của người dân cần bổ sung quy định nếu có khiếu nại, tố cáo, chỉ thực hiện sau khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Về tái định cư (mục 4 chương VIII), dự thảo Luật đã nêu cụ thể song cần xác định rõ cấp có thẩm quyền tổ chức, cấp thực hiện và nêu phân loại dự án để xác định rõ trách nhiệm về dự án tái định cư, không quy định chung chung như khoản 1 điều 106.
Về phương án bố trí tái định cư, cần được lấy ý kiến của người dân trước khi phê duyệt không chỉ công khai sau phê duyệt như quy định tại khoản 4 điều 197, vì mô hình tái định cư theo pháp luật hiện hành là đa dạng.
Theo Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội Đặng Đức Mai, Luật Đất đai hiện nay chưa quy định rõ ràng về thủ tục, tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất, dẫn đến việc thực hiện tái định cư không đầy đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc giám sát và kiểm soát việc thực hiện các quy định về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực và xâm phạm quyền lợi của người dân.
Để giải quyết các vướng mắc này, ông Đặng Đức Mai cho rằng, dự thảo Luật cần có sự tăng cường quản lý, đưa ra các biện pháp phù hợp để đảm bảo tính minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý liên quan đến thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, dự thảo Luật cần có sự nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và đảm bảo sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ vi phạm; cần có sự thay đổi trong việc tính giá đất để phản ánh đúng giá trị thực của đất.
Đồng thời, dự thảo Luật cần có sự quy định rõ ràng hơn về việc thực hiện tái định cư, bao gồm thủ tục, tiêu chuẩn và chính sách hỗ trợ tái định cư đối với người dân bị thu hồi đất. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng người dân bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ đầy đủ và đáp ứng nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần có sự tăng cường giám sát và kiểm soát để đảm bảo rằng các quy định liên quan đến thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện đúng và công bằng. Các cơ quan chức năng cần phải được tăng cường năng lực và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các quy định liên quan đến đất đai./.