Aa

Báo động trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Thứ Ba, 13/09/2016 - 07:02

Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, hiện thực hóa giấc mơ “an cư” đối với người nghèo. Tuy nhiên, những hành vi trục lợi từ chính sách này ngày một gia tăng khiến nhiều người dân bất bình.

Trong những năm qua, chính sách nhà ở xã hội đã tạo điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp ở các đô thị. Tuy nhiên, nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng nhà ở xã hội để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho chính những người thu nhập thấp đang cần nhà ở.

Vạch trần chiêu trò trục lợi chính sách

Hàng loạt các vụ hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội được phát hiện gần đây. Các hành vi này cùng kịch bản, sắp xếp để người thân được suất mua nhà xã hội, mua đi bán lại sau khi đã hoàn thành nhằm hưởng giá chênh. Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc được phát hiện nhưng đến nay việc xử lý hành vi gian lận nhằm hưởng lợi từ nhà xã hội mới chỉ 2 trường hợp. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm chỉ dừng ở mức trả lại tiền, chứ chưa phạt hành chính hoặc thu lại số tiền đã trục lợi từ gian lận mua bán nhà xã hội, nên không đủ sức cảnh báo, răn đe những sai phạm.

Mới đây nhất, sự việc xảy ra tại dự án nhà xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) do Cty CP xây dựng và thương mại Bắc Hà làm chủ đầu tư. Trong vai người mua nhà, một người đàn ông tên Thanh, tự nhận là người “có kinh nghiệm của dự án” khẳng định việc mua lại nhà xã hội là giao dịch ngầm. “Mua được thì là mua ngầm, mọi giấy tờ, sổ đỏ vẫn là tên chủ cũ” - ông Thanh nói.

Tiếp tục, ông Thanh dẫn tới người tên Thúy hiện còn nhiều căn hộ đang rao bán với các giá khoảng 24 - 25 triệu/m2. Tại đây, hầu hết các môi giới đều nhắc đi nhắc lại nguyên tắc, mua bán là giao dịch ngầm, không có công chứng, người mua nhà chỉ được vào ở với tư cách là người thân của chủ cũ, và phải đợi đến 5 năm sau mới được sang tên đổi chủ.

Dự án Rice City tọa lạc tại lô đất CT4 và CT5 khu đô thị mới Tây Nam Hồ Linh Đàm do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án Rice City tọa lạc tại lô đất CT4 và CT5 khu đô thị mới Tây Nam Hồ Linh Đàm do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.

Qua khảo sát, hầu hết tình trạng mua bán nhà xã hội dưới dạng giao dịch ngầm xảy ra hầu hết tại dự án nhà xã hội tại Hà Nội. Thậm chí, mới đây, vụ lùm xùm xảy ra tại dự án nhà xã hội Rice City (KĐT Tây nam Linh Đàm) khi bố của Tổng GĐ Cty là chủ đầu tư (Cty CP Bic Việt Nam) vẫn được xét duyệt mua nhà xã hội.

Vụ việc nghiêm trọng đến mức, ngày 14/7/2016, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng gửi Cty CP Bic Việt Nam nêu rõ: “Sở Xây dựng đã nhận được phiếu chuyển số 213 ngày 20.6.2016 của Công an TP Hà Nội về đơn tố cáo bà Lục Thị Mai Trang - Tổng GĐ Cty CP BIC Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về mua bán nhà ở xã hội (NOXH) Rice City và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về trường hợp mua nhà của ông Lục Minh Kim và một số đối tượng tại dự án trên”.

Để có cơ sở trả lời theo yêu cầu, Sở Xây dựng dự kiến làm việc với Cty CP Bic Việt Nam để làm rõ các nội dung nêu trên. Sở cũng yêu cầu Cty BIC Việt Nam chuẩn bị hồ sơ xin mua nhà ở của 10 trường hợp (theo phiếu chuyển của công an TP Hà Nội), danh sách kèm hồ sơ các đối tượng đủ điều kiện mua nhà tại dự án (trước và sau khi ký hợp đồng, các trường hợp đã đủ điều kiện nhưng không được ký hợp đồng kể cả trường hợp của ông Lục Minh Kim- là bố đẻ của bà Lục Thị Minh Hoàn).

Cần chế tài đủ mạnh để tạo niềm tin cho chính sách

Mỗi khi phát hiện có những hành vi gian lận thì Sở Xây dựng Hà Nội đều vào cuộc. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện thì hầu hết các trường hợp đều “đúng quy định, xét duyệt mua nhà đúng quy trình”.

Trao đổi trên tờ Tiền phong, về hiện tượng “trục lợi” nhà ở xã hội, ông Bùi Tiến Thành, Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc xét duyệt nhà ở xã hội cho các đối tượng chủ yếu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Từ lúc bắt đầu nhận hồ sơ đến khi xem xét chấm điểm, đối tượng đó có được mua hay không, có được ký hợp đồng hay không thì chủ đầu tư quyết. Còn cơ quan quản lý nhà nước như Sở Xây dựng chủ yếu kiểm tra để tránh các đối tượng mua ở hai dự án.

“Tất cả các thủ tục còn lại chủ đầu tư quyết định hết. Còn việc trục lợi hay không trục lợi qua kiểm tra cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể, nếu có trục lợi ở đây sẽ xử lý vi phạm là điều chắc chắn”, ông Thành nói.

Trả lời câu hỏi về việc xử lý các chủ đầu tư tiếp tay cho việc trục lợi chính sách? Ông Thành cho biết, trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm thì đương nhiên phải xử lý. Ví dụ như bán nhà không đúng đối tượng thì bị thu hồi, chủ đầu tư sẽ bị xử lý về hành chính.

“Nếu phát hiện trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tay ở trục lợi sẽ bị cho vào danh sách “đen” trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời sẽ kiến nghị thành phố không giao thực hiện các dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn”, ông Thành nói.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua từ phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, qua kiểm tra đã phát hiện và thực hiện thu hồi 10 căn hộ sai phạm. Trong đó thu hồi 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép và 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua nhà 2 lần ở các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Còn hiện tượng ở nhà ở xã hội nhưng đi xe sang Lexus, BMW, chỉ mới biết qua báo chí phản ánh chứ chưa kiểm tra, làm rõ.

“Về mua bán nhà ở xã hội nhà nước quy định rồi, chúng ta cứ thực thi thôi. Nhưng khi Bộ Xây dựng rà soát lại, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở có mức giá rẻ, được vay vốn ưu đãi rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít nên mới có tình trạng người thì lợi dụng chính sách để kiếm lời, người vì mong giải quyết nhu cầu nhà ở trước mắt mà cuối cùng phải chịu thiệt. Trong khi đó, việc điều tra, xử lý các trường hợp sai phạm, sai đối tượng của các cơ quan chức năng còn khoảng trống khá lớn.

Kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước về Chương trình nhà ở xã hội cho thấy, tại thành phố Hồ Chí Minh có 16,7% và Đà Nẵng có 35,5% căn hộ nhà ở xã hội được kiểm tra đang sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện, xử lý được những sai sót trong việc xác định đối tượng mua nhà của chủ đầu tư và việc sử dụng căn hộ nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng nhưng chưa bị xử lý.

Nhận định về việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nhiều nhưng xử lý chẳng được bao nhiêu, nhiều ý kiến cho rằng với quy định lỏng lẻo hiện nay, trường hợp phát hiện ra sai phạm thì hiện quy định chỉ dừng lại ở phát hiện và thu hồi (trả lại tiền cho người mua nhà ở xã hội) nên không đủ sức răn đe.

“Phải có chế tài phạt hành chính, thậm chí thu hồi (không hoàn tiền) để trả lại sự công bằng và quan trọng hơn tạo niềm tin cho chính sách an sinh xã hội”, một Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói trên tờ Lao Động.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần thay đổi cách làm hiện nay là giao toàn quyền xét duyệt hồ sơ cho chủ đầu tư, dễ tạo điều kiện cho việc sai đối tượng ngay từ đầu. Đồng thời, cần nhanh chóng có giải pháp thúc đẩy phát triển chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị.

Ông Trần Như Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô nhận định: “Chúng ta cũng cần xem xét lại chương trình nhà ở, không nên đặt tên là nhà ở xã hội nữa, vì qua hiện tượng này thể hiện mặt trái của thị trường, người cần nhà ở phân khúc 700 triệu – 1 tỷ đồng nhiều quá.

Người ta đi tìm những căn hộ tầm 700 triệu, có thể người ta cũng hiểu làm việc này là sai trái, nhưng không biết mua ở đâu nữa nên chấp nhận mua khi hồ sơ giấy tờ không được chuẩn. Tôi nghĩ là vì sao chúng ta không đặt câu hỏi là tại sao không cung cấp nhiều sản phẩm loại như thế cho thị trường”.

Trong khi tiếp tục chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý các hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội cũng như có giải pháp để tăng nhanh nguồn cung nhà ở phục vụ người thu nhập thấp, các chuyên gia và luật sư khuyến cáo, người dân trước khi giao dịch, mua bán nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ pháp lý để tránh rủi ro sau này. Nếu vì lo chỗ ở trước mắt mà vội vàng không tìm hiểu, hoặc biết sai quy định nhưng vẫn chấp nhận mua nhà, thì vô tình chính người dân đã tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội./.

Ông Trần Ngọc Hùng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam)Cần bịt các kẽ hở

Nhà ở xã hội dành cho người khó khăn về nhà nhưng rõ ràng nhiều người dư dả vẫn mua được nhà, tức là có kẽ hở rất lớn. Mấu chốt lớn nhất vẫn là việc hiện nay chính sách giao hết cho chủ đầu tư quyết định toàn quyền việc xét duyệt hồ sơ. Có yêu cầu xác nhận tình trạng chỗ ở từ chính quyền thì lại do người mua tự đi xin xác nhận.

Như vậy người mua, người bán đều có thể tìm cách lách được. Muốn bịt kẽ hở này không khó. Theo tôi, trong quá trình xét duyệt hồ sơ chỉ cần lập một hội đồng liên ngành gồm cơ quan quản lý xây dựng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ngân hàng… để chấm điểm.

Về lâu dài, cần phải thay đổi chính sách về nhà ở xã hội. Các quốc gia tiên tiến cũng không có chính sách giao cho chủ đầu tư xây dựng đi kèm ưu đãi nhiều thứ rồi bán cho người mua. Họ chỉ xây dựng nhà ở xã hội dành để cho thuê, không bán. Còn các dự án để bán, họ hỗ trợ trực tiếp cho người mua.

Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách cho vay không lãi suất một vài năm hoặc lãi suất thấp thông qua các ngân hàng chính sách xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top