Aa

Bão giá vật liệu xây dựng, người mua nhà lãnh đủ

Thứ Bảy, 13/11/2021 - 06:18

Mặc các nỗ lực để bình ổn giá, vật liệu xây dựng tiếp tục ghi nhận mức tăng đáng kể khiến nhà thầu lao đao, nhiều chuyên gia lo ngại điều này sẽ đẩy giá nhà lên cao.

Bắt đầu cơn lốc tăng giá kể từ đầu năm, bất chấp hoạt động đầu tư xây dựng trong nước bị đình trệ do giãn cách xã hội kéo dài, giá vật liệu xây dựng đến nay vẫn tiếp tục tăng.

Vật liệu xây dựng tiếp tục “bão giá”

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá xây dựng tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, tác động chính do sự tăng giá vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng 30 - 40%, mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường.

Trong khi đó, từ tháng 10/2021 đến nay, giá thành các sản phẩm vật liệu xây dựng lại tiếp tục bị đẩy lên ngưỡng cao hơn. Trong đó, với thị trường xi măng ghi nhận Xi măng Công Thanh thông báo tăng thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả sản phẩm. Xi măng Bỉm Sơn, Vicem Hà Tiên, Xi măng Luks Ninh Thuận Việt Nam... cũng điều chỉnh tăng giá các loại thêm 80.000 đồng/tấn.

Đối với thị trường thép, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu, như giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát (miền Bắc) tăng 460 đồng/kg, ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên 16.820 đồng/kg; Thép Thái Nguyên (miền Bắc) CB240 tăng 860 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg, D10CB300 tăng 260 đồng, lên 17.260 đồng/kg; Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg, D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.

Việc giá vật liệu tăng đồng loạt đang khiến nhà thầu xây dựng lao đao. Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Vinaconex Nguyễn Khắc Hải chia sẻ, doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào khủng hoảng kép do dịch bệnh và giá vật tư tăng cao, trong khi đó các nhà thầu xây dựng vẫn phải tổ chức thi công đảm bảo tiến độ như đã cam kết với chủ đầu tư.

Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp nhà thầu, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho biết, các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ. Đặc biệt, với những hợp đồng chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh đang vô cùng khó khăn.

Người mua nhà lãnh đủ

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại diễn biến này sẽ dẫn đến các công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, chậm tiến độ và có thể bị đội giá.

Giá nhà đang bị đẩy lên cao vì vật liệu xây dựng tăng

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, một dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15 - 20%. Với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh. Theo đó, khi giá sắt thép tiếp tục tăng 40 – 50% thì chủ đầu tư buộc lòng phải điều chỉnh giá bán nhà tăng tương ứng 5 - 10% để đảm bảo lợi nhuận. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống. Tuy nhiên, với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo giá căn hộ chung cư tăng 4 - 6%. Dự báo, giá sẽ còn tăng từ 10 - 15% trong thời gian tới.

Theo ông Đính, từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép, xi măng đã có những đợt tăng rất mạnh. Vị chuyên gia cho biết, việc tăng giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã khiến nhiều nhà thầu, chủ đầu tư dự án “không chị nổi” nên phải dừng lại do gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang lãi rất cao. Điều này như tấm gương phản chiếu rất phản cảm.

Chưa kể, việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn. "Thực tế này đang khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người nghèo càng khó khăn hơn” – ông Đính cho biết. 

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng. Đồng thời, cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng, làm thế nào để trong nước “làm chủ” được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top