Aa

Bão giá vật liệu xây dựng: Sẽ có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu

Chủ Nhật, 09/05/2021 - 08:00

Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam liên tục kiến nghị Chính phủ kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thép tăng đột biến thì mới đây các cơ quan quản lý bắt đầu vào cuộc.

Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị sớm chỉ đạo các Bộ ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhà thầu.

Giá thép chiếm trong công trình xây dựng khoảng 20% giá trị nên giá thép tăng khiến giá thành xây dựng tăng cao 
Giá thép chiếm trong công trình xây dựng khoảng 20% giá trị nên giá thép tăng khiến giá thành xây dựng tăng cao 

Giá nguyên liệu đầu vào cao

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương nhận định bước đầu nguyên nhân chính khiến giá thép tăng cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào cao. Bởi hiện nay nguyên liệu đầu vào của ngành thép: 90% là nhập khẩu mà chủ yếu là quặng sắt. Tổng công suất sản xuất của các nhà máy trong nước đạt khoảng 14 triệu tấn, trong khi thép sản xuất từ quặng chiếm 60%. Tuy nhiên, hiện Bộ Công thương đã cử quản lý thị trường, VSA theo dõi vấn đề này.

Về phía Bộ Xây dựng cũng xác nhận đang giao cơ quan chức năng kiểm tra để xác định cụ thể nguyên nhân tăng giá thép.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cho biết thêm, thời gian qua nhu cầu tiêu thụ sắt thép của các quốc gia trên thế giới đều tăng mạnh, giá thép tăng lên mức cao. Trong khi nguồn cung khan hiếm từ Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát sản lượng của Chính phủ Trung Quốc tại khu vực Đường Sơn. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng bất động sản khởi sắc trở lại vì vậy, các đại lý tăng cường nhập hàng dự trữ cho kế hoạch kinh doanh năm 2021. Các công trình xây dựng cũng gấp rút triển khai, tăng cường nhập hàng đề phòng giá tăng tiếp có thể ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình. Những yếu tố này cũng đã khiến giá thép thời gian qua tăng mạnh.

Nguồn: VSA
Nguồn: VSA

Báo cáo về tình hình thị trường thép tháng 3 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, giá thép có thể tăng đến hết quý 3 năm nay trước những diễn biến khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. VSA cho biết nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng là do nguyên liệu sản xuất mặt hàng này tăng theo giá thế giới.

Ngành bất động sản, xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục, một số dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam... vào giai đoạn thi công. Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu sản phẩm phôi thép, thép tăng lần lượt 6% và 3%.

Ổn định cung - cầu thị trường

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008.

Các chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021. Bởi đất nước này có nhu cầu nội địa lớn với nhiệm vụ kép phục hồi sau COVID-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 - 2025.

Điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và kìm lại đà tăng của giá thép. Về vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết, sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá...

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dung; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Về phía VACC, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân giá thép tăng và có biện pháp thì nhà nước sớm có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường. Cập nhật đơn giá của các Sở xây dựng thanh toán cho nhà thầu hiện đã bị lạc hậu. 

"Cụ thể hơn Bộ Xây dựng có ý kiến với Sở Xây dựng cập nhật lại đơn giá thanh toán. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư khẩn trương xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư thì các dự án vốn ngân sách mới “sống” được" - ông Hiệp nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top