7 tháng chờ kết luận thanh tra một dự án cao tốc 140km
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công từ năm 2013, với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư. Cao tốc có chiều dài toàn tuyến gần 140km, đi qua địa phận 3 địa phương: Đà Nẵng (7,9 km), Quảng Nam (91,2 km) và Quảng Ngãi (40,1 km).
Tháng 9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe trên toàn tuyến. Chỉ một tháng sau đó, trên tuyến đường này bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuất hiện chi chít ổ gà, đặc biệt là đoạn đầu tuyến, thuộc địa bàn Đà Nẵng.
Ngày 11/10/2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm rõ nguyên nhân hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trách nhiệm của đơn vị thi công và xử lý quyết liệt. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu VEC tạm dừng thu phí để khắc phục hư hỏng, nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc VEC.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, Chủ đầu tư (VEC), các đơn vị tư vấn, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân (nhà thầu thi công, tư vấn giám sát…) liên quan đến các hư hỏng nêu trên, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong tháng 10/2018, Thanh tra Bộ GTVT đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Quyết định thanh tra được ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT ký ngày 16/10. Đoàn thanh tra do ông Trần Ngọc Bảo, Thanh tra viên cao cấp, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT làm trưởng đoàn; ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng, Thanh tra Bộ GTVT làm phó trưởng đoàn.
Thời kỳ thanh tra bao gồm các giai đoạn triển khai thực hiện dự án. Thời gian thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đến nay, gần 7 tháng trôi qua, Bộ GTVT chưa công bố kết luận thanh tra về những vấn đề liên quan đến Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thiết nghĩ đây là cuộc thanh tra đặc biệt quan trọng cần sớm có kết quả, không nên kéo dài bởi liên quan đến nhiều đơn vị quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu (bao gồm tổng công ty, tư nhân, nước ngoài).
Chủ đầu tư Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từng có nhiều bê bối và quan hệ thâm sâu với “Út trọc”?
Những ổ gà chi chít trên Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thoạt tiên chỉ nghĩ là do đơn vị thi công ẩu trong giai đoạn hoàn tất. Thế nhưng, sẽ không quá nếu nói những ổ gà này đã chỉ ra một loạt bê bối được cất giữ kín bấy lâu nay của VEC.
Không chỉ cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi chậm tiến độ, công trình vừa mới đưa vào sử dụng đã có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng mà VEC còn liên quan đến bán thầu trái quy định. Trong khi đó, sức khỏe tài chính của VEC lại quá mỏng so với quy mô dự án lớn.
Năm 2015, Bộ GTVT đã trình Chính phủ về việc tái cơ cấu VEC để tiến tới cổ phần hóa. Trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp hết sức khó khăn bởi theo quyết định thành lập, vốn điều lệ của VEC là 1.000 tỷ đồng. 10 năm sau khi thành lập (năm 2010), số vốn này là 1.018 tỷ đồng nhưng công ty lại được giao là chủ đầu tư 5 dự án cao tốc với tổng mức đầu tư 125.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của Bộ GTVT, vốn Nhà nước đầu tư vào đây và vốn ODA được Chính phủ cho vay tính đến tháng 3/2015 là 53.969 tỷ đồng. Từ đó, nợ phải trả/vốn chủ của VEC khoảng 53 lần.
Hệ số nợ nói trên dẫn đến tình trạng mất an toàn tài chính. VEC không thể phát hành trái phiếu hay tham gia các dự án PPP do số nợ đều vượt các quy định. Thực tế, mấy năm qua, dòng tiền từ các dự án quay lại không đủ để VEC trả nợ nên doanh nghiệp này phải cầu cứu ngân sách trả thay hoặc cấp phát. Điều này không loại trừ là một trong những lý do khiến chất lượng các công trình do VEC làm chủ đầu tư kém do cắt giảm chi phí thi công xây dựng.
Mới đây nhất, xung quanh hàng loạt sai phạm của VEC mà ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT bị đề nghị xem xét kỷ luật.
Ông Nguyễn Hồng Trường khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT còn liên quan tới các sai phạm về việc chỉ định thầu các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thời điểm ông Nguyễn Hồng Trường còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT, công ty Cổ phần Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan đã có văn bản 84/2012/CV-ĐB đề xuất Bộ GTVT cho thuê dịch vụ quản lý thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ngay sau đó 5 ngày, ông Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản gửi tới VEC “giới thiệu” Công ty Yên Khánh của bà Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí và đề nghị VEC đàm phán với nhà đầu tư.
Theo đó, VEC có văn bản do ông Mai Tuấn Anh, thời điểm đó là Tổng Giám đốc VEC, báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT về việc quản lý thu phí nhằm giảm chi phí gián tiếp, nâng cao hiệu quả đầu tư và đề xuất của Công ty Yên Khánh, VEC đã làm việc và xem xét các nội dung cụ thể như: phạm vi công việc gồm trạm Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ với nhân sự 231 người; đề xuất chi phí trọn gói là 21,3 tỷ đồng/năm; thời gian thực hiện chỉ 12 tháng.
Sau khi nhận được báo cáo của VEC, Bộ GTVT có văn bản gửi VEC về việc thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Qua đó, Hội đồng Thành viên VEC đã ra Nghị quyết số 468/NQ-VEC-HĐTV thống nhất giao Công ty Yên Khánh của cháu gái “Út trọc” là Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong hợp đồng, Công ty Yên Khánh chỉ được thu phí 1 năm, thế nhưng công ty đã thực hiện thu phí trong suốt 5 năm qua.
Đến tháng 1/2019, Bộ GTVT đã kết luận nội dung tố cáo đối với Hội đồng Thành viên, tổ chức cá nhân VEC chỉ định thầu 8 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc. Trong đó có một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định cho Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc).
Sau 6 tháng xác minh, đoàn xác minh của Bộ GTVT kết luận VEC chỉ định nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trái luật trên 3 tuyến cao tốc gồm: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đây là nội dung tố cáo có cơ sở.
Theo Bộ GTVT, sai sót trên được xác định từ việc Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc không thông qua đấu thầu. Tổng cộng có 8 trạm dừng nghỉ ở 3 tuyến cao tốc trên được thực hiện không thông qua đấu thầu. Trong đó, một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC đã ký hợp đồng với công ty này triển khai đầu tư xây dựng trạm giai đoạn 1 hơn 39 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 47,4 tỷ đồng với thời gian tạm xác định hoàn vốn 20 năm.
Ngày 5/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới chỉ ra sai phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ GTVT vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Điểm mặt những nhà thầu có khả năng nằm trong danh sách trọng tâm trong “Kết luận thanh tra”
Trong số 13 gói thầu, thường các gói thầu do nhà thầu Việt Nam nhận sẽ có 3 - 4 nhà thầu cùng thực hiện một gói, còn lại 1 - 2 nhà thầu Trung Quốc hoặc Hàn Quốc nhận trọn một gói thầu.
Trong số này thấy một số gương mặt điển hình như Cienco, Vinaconex, 2 nhà thầu địa phương của Trung Quốc, nhà thầu Hàn Quốc, 3 tổng công ty xây dựng và một số Công ty TNHH. Công ty TNHH Thành Phát được tham gia 2 gói thầu nhỏ.
Đã có không ít thông tin trái chiều liên quan đến mối quan hệ "lạ" giữa chủ đầu tư VEC và nhà thầu chính, các nhà thầu phụ. Chẳng hạn, VEC đã giao cho Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) thực hiện gói thầu A5 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Gói thầu A5 kéo dài từ Km 124+700 đến Km 139+204 (thuộc địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi). Giá trị của gói thầu này gần 1.400 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 1.100 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo biên bản thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT, Công ty Posco không tổ chức thi công mà bán lại cho các đơn vị khác. Đơn cử như, tháng 4/2015, Posco bán lại phần thi công các cầu trong gói A5 cho Liên danh Thiên Ân - Vinaconex với giá hơn 597 tỷ đồng.
Tháng 4/2016, Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Incico, thi công cầu VD12 (từ mố A1 đến trụ P11). Giá trị hợp đồng hơn 79,3 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này bổ sung thêm phần thi công cầu Trà Khúc (từ nhịp 11 đến trụ P15).
Tháng 12/2015, Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 - Cienco8 về việc giao thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới các cầu VD13, ORB29, với giá gần 43 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này được điều chỉnh 2 lần, tăng thêm một số hạng mục nên số tiền lên đến hơn 101 tỷ đồng.
Công ty Posco tiếp tục ký hợp đồng với Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1 - Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, về việc thi công cầu Trà Khúc (từ A1 đến cuối nhịp 10) với số tiền 95,6 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này lại điều chỉnh 2 lần và giá trị hợp đồng lên đến 169 tỷ đồng. Giai đoạn cuối 2015 đến hết năm 2016, Công ty Posco còn ký với 14 nhà thầu phụ khác.
Thanh tra Bộ GTVT kết luận Công ty Posco đã không thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư mà thuê các nhà thầu phụ thi công 100% hạng mục gói thầu A5. Việc thuê một số nhà thầu phụ thi công các hạng mục không được chủ đầu tư chấp thuận. Có đến 4 nhà thầu phụ không đủ năng lực nên bị nhà thầu chính cho dừng thi công giữa chừng. Tại thời điểm thanh tra, Công ty Posco không báo cáo cho đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư về việc ký hợp đồng và điều chỉnh phạm vi công việc với các nhà thầu phụ.
Từ đó, các luật sư kiến nghị Cơ quan Thanh tra rà soát các hoạt động chuyển nhượng thầu trái pháp luật của các bên liên quan. Cơ quan chức năng phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu chính về hành vi bán thầu không hợp pháp.
Thế nhưng, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc dự án “bán thầu” là không có cơ sở vì các nhà thầu phụ này đều có hợp đồng thầu phụ và được chấp thuận bởi chủ đầu tư trên cơ sở có cả sự xem xét của tư vấn giám sát. Đây là việc làm bình thường của những nhà thầu quốc tế trúng thầu các gói thầu của các dự án nói chung và của các dự án ODA nói riêng.
Khi phóng viên báo chí nêu câu hỏi: "Ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 điểm. Bộ GTVT bình luận gì về điều này?", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lại khẳng định, việc xác định chất lượng công trình có bộ tiêu chuẩn riêng, những đánh giá định tính không có cơ sở xác định. Trong khi đó, các dự án trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế.
Trước ý kiến của lãnh đạo Bộ, nhiều ý kiến cho rằng, VEC là con đẻ của Bộ GTVT mà Bộ lại đứng ra thanh tra, kết quả sẽ ra sao? Chưa kể, bản thân lãnh đạo Bộ GTVT vẫn cho rằng chất lượng công trình không quá tệ?
Điểm mặt các nhà thầu: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140km đi qua 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Dự án có số vốn gần 34.500 tỷ đồng, được chia làm 13 gói thầu chính: • Gói thầu 6 từ Km42+000 – Km52+000 được 4 nhà thầu thực hiện gồm CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Cienco 6, Cienco 8, Công ty TNHH Thành Phát. • Gói thầu 7 từ Km52+000 – Km65+000 được thực hiện bởi 3 nhà thầu OHL, Cienco 1, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất, Xây dựng Đông Mekong. • Gói thầu 8 từ Km65+000 – Km81+150 do Tổng Công ty Xây dựng số 1, TNHH MTV (CC1) và Lotte E&C. • Gói thầu 9 - gói thầu A2 từ Km81+150 – Km99+500 do một đơn vị thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cầu đường tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. • Gói thầu 10 - Gói thầu A3 từ Km99+500 – Km110+100 được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc - Công ty TNHH Công ty Giao thông tỉnh Giang Tô. • Gói thầu 11 - Gói thầu A4 từ Km110+100 - Km124+700 do Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Lotte E&C). • Gói thầu 12 - Gói A5 từ Km124+700 - Km131+500 do Posco E&C thực hiện. • Gói thầu 13 - Gói 13A là các trạm thu phí do Vinaconex thực hiện. |