Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Cụ thể, trường hợp xác định được người là chủ sở hữu cơ sở hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý hoặc người đại diện chung phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Từng hộ, cá nhân có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm cho người đại diện. Trường hợp không xác định được người đại diện thì từng hộ, cá nhân trong cơ sở đó có thể trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Nhưng dường như, khái niệm "bảo hiểm cháy, nổ" vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.
Thực tế người dân ở các tòa nhà chung cư chưa hiểu hết về bảo hiểm cháy nổ chung cư cũng như quyền lợi mà họ được hưởng khi xảy ra hỏa hoạn khi mua bảo hiểm. Khái niệm bảo hiểm cháy nổ chung cư, quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ chung cư vẫn còn là một khái niệm khá lạ lẫm đối với họ. Bên cạnh đó, một số người dân nặng tâm lý may rủi và cho rằng cháy chẳng qua là do xui rủi trúng ai thì người đó chịu và chưa quan tâm đến các biện pháp bảo vệ chính mình gồm có bảo vệ nguy cơ cháy nổ (giăng mắc điện tùy tiện, để các vật dễ cháy gần khu vực bếp...), bảo vệ các tổn hại tài chính (mua bảo hiểm là một hình thức bảo vệ tài chính).
Để giúp người dân hiểu hơn về vấn đề bảo hiểm cháy nổ tại khu chung cư, việc cần làm là chủ đầu tư nên tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu thêm, từ đó họ có thể mua những gói bảo hiểm riêng để được hưởng quyền lợi.
Trao đổi với Reatimes, bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, cũng có nhiều chủ đầu tư sử dụng triệt để về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc như tòa nhà của các chủ đầu tư Vingroup, Sungroup, FLC… chủ đầu tư đã tổ chức các cuộc hội thảo để tuyên truyền đến người dân về sản phẩm bảo hiểm và quyền lợi mà người dân được hưởng.
Tuy nhiên, còn một số chủ đầu tư khác vẫn chưa triển khai hội thảo để tuyên truyền đến người dân, dẫn đến việc người dân không hiểu bảo hiểm cháy nổ sẽ phát huy tác dụng trong các trường hợp như thế nào, để đáp ứng được công tác giảm thiểu rủi ro về tài chính khi không may xảy ra hỏa hoạn.
Theo bà Yến, đối với ban quản lý dự án tòa nhà, hiện MIC có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản (kèm theo điều khoản bổ sung về trách nhiệm trông giữ xe tại tầng hầm), bảo hiểm trách nhiệm công cộng.
Phần dành cho cư dân là bảo hiểm nhà tư nhân (hình thức có thể là cấp trực tiếp đối với hộ dân hoặc thông qua ban quản lý tòa nhà). Sản phẩm này có 2 phần mua bảo hiểm là mua theo giá trị khung nhà hoặc kèm theo mua giá trị tài sản bên trong căn nhà. Bên cạnh đó là bảo hiểm tai nạn con người sẽ áp dụng mua trọn gói theo số thành viên trong gia đình.
Mặc dù trước đây cũng đã có quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với chung cư như Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30-12-2010 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; Thông tư liên tịch 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8-11-2006; Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22-5-2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc... nhưng số chung cư mua bảo hiểm được đếm trên đầu ngón tay, nhiều chung cư chưa mua bảo hiểm do đơn vị quản lý một phần vì sợ tốn kém, một phần chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng khi các sự cố cháy nổ xảy ra.
Đặc biệt, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP cũng chỉ ở mức thấp, từ 20 – 30 triệu đồng đối với cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định, mua không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành. Nhưng thực tế, cũng chưa chủ đầu tư và người dân nào bị phạt vì không mua bảo hiểm.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam thì cho rằng, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư phải có trách nhiệm phân bổ và công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư, người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình; phân định rõ diện tích chung, riêng của chung cư để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra cháy nổ.