Aa

Bão số 4 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Năm, 19/09/2024 - 17:22

Cập nhật lúc 15 giờ ngày 19/9, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chuyên gia cảnh báo lũ quét, sạt lở ở nhiều nơi, mưa lớn trong 2 ngày tới (20-21/9).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngay sau khi vào vùng biển các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hiện tại, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 106.9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị, sức gió mạnh nhất cấp 7 (50 - 61km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo, trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15 - 20km/giờ.

Bão số 4 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở- Ảnh 1.

Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVQG

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ sáng sớm 19/9, vùng hoàn lưu bão số 4 đã gây ra mưa rất lớn. Dải mây gây thời tiết xấu trải rộng từ khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ xuống khu vực Nam Trung Bộ. Lượng mưa trong đêm 18/9 đến sáng 19/9 ở một số nơi thuộc khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị rất lớn, có nơi mưa trên 200ml.

Dự báo, lượng mưa lớn tập trung trong khu vực này sẽ còn tiếp tục trong ngày và đêm 19/9, nguy cơ rất lớn liên quan đến lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Tây. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. 

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Bão số 4 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở- Ảnh 2.

Các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Nguồn: KTTV

Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo: Người dân không vì thấy đây là bão cấp 8 mà chủ quan, vì cơn bão số 4 kết hợp tác động gió mùa Tây Nam mạnh, nằm trong dải hội tụ nhiệt đới… nên có hoàn lưu ảnh hưởng rất rộng. Ngoài khu vực chịu tác động trực tiếp là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, hoàn lưu bão còn ảnh hưởng mở rộng ra Tây Nguyên, Nam Bộ.

"Chúng tôi tiếp tục cảnh báo rằng hoàn lưu bão số 4 gây ra một lượng mưa rất lớn trên phạm vi rất rộng, từ các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, khu vực Nam đồng bằng, thậm chí cả khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Tây ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An", ông Khiêm lưu ý.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 9; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 10.

Đến trưa 19/9, ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to, có nơi mưa rất to: Tà Long (Quảng Trị) 179mm; Mai Hóa (Quảng Trị) 151mm; Trọng Hóa (Quảng Bình) 114mm;…

Hồi 13 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/giờ), giật cấp 10 (89 - 102km/giờ); di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 25km/giờ.

Dự báo, đến 1 giờ ngày 20/9, bão di chuyển theo hướng Tây, khoảng 15 - 20km/giờ, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần, vị trí bão tại 17,2 N-105,0E; trên đất liền khu vực Trung Lào, cường độ bão dưới cấp 6, vùng nguy hiểm 15,5N-19,5N; phía Tây kinh tuyến 109.0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39 - 61km/giờ), sóng biển cao 2 - 4 m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74km/giờ), giật cấp 10 (89 - 102km/giờ), sóng biển cao 3 - 5m, biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao từ 3 - 5m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8. Sóng cao từ 2 - 3m. Biển động.

Bão số 4 suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở- Ảnh 3.

TTDBKTTVQG đưa tin cảnh báo lũ trên các sông từ Thanh Hoá đến Quảng Trị.

Ven biển các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên - Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3 - 0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều ngày 19/9.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên vẫn còn có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.

Trên đất liền, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7 - 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6 - 7.

Từ chiều 19/9 đến ngày 20/9, mưa lớn tập trung ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị, phổ biến từ 100 - 250mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>100mm/6 giờ) ở khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Trị trong chiều và đêm nay (19/9).

Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top