Aa

Basel II: Hoãn rồi sẽ hoãn mãi?

Thứ Hai, 29/04/2019 - 06:01

Theo TS. Phan Minh Ngọc, dù không có tên trong 10 ngân hàng thí điểm nhưng một số ngân hàng vẫn đạt được Basel II sớm, cho thấy vấn đề nằm phần lớn ở sự quyết tâm, tự nguyện, tự giác...

Nhằm nâng cao tín an toàn và sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai lộ trình thực hiện chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II. Theo đó, NHNN đặt ra mục tiêu có 10 ngân hàng thương mại (NHTM) cụ thể được chọn thí điểm để triển khai áp dụng thành công các chuẩn mực Basel II vào đầu năm 2020. Và 10 cái tên được chọn ra thời điểm đó bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB, VPBank, Techcombank, Sacombank, ACB, Maritime Bank và VIB.

Tiếp đó, vào đầu năm nay, NHNN cho biết đang tiếp tục thẩm định và xác nhận thêm 7 thành viên mới triển khai thành công Basel II ngay trong năm 2019, trước thời hạn quy định 2020.

Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có tổng cộng 6 ngân hàng là Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, và TPBank được NHNN công nhận, cho phép áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (được xây dựng dựa theo Basel II). Đáng lưu ý là OCB và TPBank không phải là ngân hàng nằm trong số 10 ngân hàng ban đầu mà NHNN chọn thí điểm thực thi Basel II và cũng có 1 ngân hàng rút khỏi danh sách 10 ngân hàng thí điểm. Như vậy, còn ít nhất là 6 ngân hàng được chọn thí điểm nhưng vẫn chưa đạt chuẩn Basel II, trong khi từ nay đến thời hạn đầu năm 2020 thời gian không còn nhiều.

Trước khả năng "vỡ kế hoạch" cán đích thực hiện chuẩn mực Basel II, NHNN có xu hướng mở rộng thêm đối tượng chưa phải áp dụng Thông tư 41, được đề cập trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến. Cụ thể, một trong các nội dung quan trọng là dự thảo có ngoài các ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng chưa đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn cũng sẽ chưa phải áp dụng quy định của Thông tư 41, nhưng Thống đốc NHNN sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, theo tinh thần của dự thảo này thì NHNN sẽ "chiếu cố" cho một số ngân hàng chưa thể áp dụng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020, mà trước mắt có thể nhìn thấy những ngân hàng chưa thể đáp ứng được, trong đó có "ông lớn" của ngành.

Xoay quanh dự thảo của NHNN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế tài chính Phan Minh Ngọc.

PV: Thưa ông, NHNN đang lấy ý kiến về sửa đổi dự thảo Thông tư 41 trong đó sẽ "ưu ái" cho một số ngân hàng trong việc chưa phải áp dụng Basel II, xin hỏi quan điểm của ông thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc: Việc "đặc cách" lùi thời hạn áp dụng Basel II được coi là phù hợp và tất yếu trước đòi hỏi thực tế, chủ yếu trên cái nghĩa là không lùi thì nếu "xử" mạnh tay sẽ gây tình trạng ngưng trệ hoạt động, gây bất lợi cho hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cách tư duy trên đã xem nhẹ rủi ro "nhờn" chính sách của các ngân hàng. Rõ ràng là người ta hy vọng rằng nếu được cho thêm thời gian thì các ngân hàng hiện chưa đạt chuẩn mực Basel II sẽ (phải) đạt trong một thời hạn trong tương lai. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng "dưới chuẩn" này tin rằng NHNN sẽ không mạnh tay với họ khi họ tiếp tục "nhỡ" đích một lần nữa trong tương lai, đặc biệt với những ngân hàng "quá lớn...", chủ yếu là những NHTM có vốn nhà nước?

Cần lưu ý rằng các NHTM được chọn thí điểm áp dụng Basel II thường là những NHTM mà NHNN cho rằng có nhiều cơ hội thực hiện thành công hơn các NHTM khác. Họ cũng đã có cả một lộ trình dài nhiều năm để chuẩn bị. Vậy mà vẫn thất bại.

Trong khi đó, một số các NHTM khác có hoặc không có trong danh sách 10 ngân hàng thí điểm vẫn thành công trước hạn. Điều này cho thấy vấn đề nằm phần lớn ở sự quyết tâm, tự nguyện, tự giác, coi việc đạt chuẩn Basel II là vấn đề không phải chỉ là để lấy "số má" với thiên hạ, mà là vấn đề sát sườn, sống còn với hoạt động kinh doanh của những ngân hàng đã thành công với Basel II.

PV: Vậy NHNN nên có hướng giải quyết thế nào đối với các ngân hàng chưa có khả năng đạt Basel II theo kế hoạch?

TS. Phan Minh Ngọc: Với những ngân hàng (có khả năng) không đạt mốc đầu năm 2020 và những cái mốc sau đó, cần được mạnh tay xử lý như hạn chế tăng trưởng tín dụng tối đa, thậm chí kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng, đặt dưới diện kiểm soát đặc biệt với lộ trình nghiêm ngặt và nghiêm khắc thực hiện cho bằng được chuẩn mực Basel II. Làm được như vậy sẽ vừa không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự an toàn, phát triển của hệ thống, mà còn bảo đảm được sự công bằng với những NHTM đã cố gắng và thành công trước/đúng hạn.

Động thái xử lý quyết liệt, nghiêm khắc như đề xuất bên trên của NHNN sẽ còn có tác dụng rất quan trọng là thu hẹp khoảng cách quá lớn trong chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam với khu vực và thế giới, xóa đi hình ảnh lạc lõng, tụt hậu của ngân hàng Việt Nam trong con mắt bên ngoài. Bởi, trong khi Việt Nam vẫn còn đang loay hoay với Basel II thì các nước khu vực và thế giới đã tích cực thực thi tiêu chuẩn Basel III kể từ những năm đầu thập kỷ này và được dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022. Chuẩn mực Basell III cao hơn nhiều so với Bassel II, thể hiện ở tiêu chí vốn cấp 1 khắt khe hơn, phải có các biện pháp đối phó với các biến động chu kỳ (ví dụ, phải để nhiều vốn dự trữ hơn khi ngân hàng mở rộng tín dụng), và tuân thủ các hạn mức về tỷ lệ đòn bẩy và thanh khoản.

Cho đến tháng 3/2018, đã có 27 nước thành viên của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) đã thực thi quy định về vốn an toàn tối thiểu theo mức độ rủi ro của tài sản, về tỷ lệ đòn bẩy và thanh khoản, và tỷ lệ vốn dự trữ chống đỡ các cú sốc chu kỳ theo chuẩn mực Basel III (2). Lưu ý thêm là trong số 27 nước này có cả những thành viên đang phát triển của ASEAN như Indonesia và các nước đang phát triển trong khu vực như Ấn Độ và Trung Quốc, bên cạnh các nước/khu vực đã phát triển như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật và Hàn Quốc.

Ngoài ra, còn có đến hơn 100 nước phi thành viên của BCBS đã có chiến lược thực thi Basel III trên 5 chỉ tiêu cơ bản của nó, gồm cơ chế vốn tối thiểu theo rủi ro, tỷ lệ đòn bẩy, những khoản cho vay lớn, tỷ lệ thanh khoản, và tỷ lệ cấp vốn ổn định ròng (NSRF).

Tóm lại, trước thực trạng có vẻ thất vọng về việc thực thi Basel II như hiện nay, NHNN nên lấy đây làm lý do và động lực để thực hiện một cuộc cải cách toàn diện và cơ bản trong hệ thống ngân hàng nhằm phát triển và tiệm cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn những ý kiến của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top