Aa

Bất an với những điểm sản xuất, đúc bê tông tại Đà Nẵng

Thứ Sáu, 14/04/2023 - 09:05

Tại TP. Đà Nẵng có rất nhiều khu đất trống để sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên phục vụ xây móng nhà và các công trình khác.

Điển hình, trên địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), hiện có khoảng 5 cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên đang hoạt động. Trong đó, có nhiều cơ sở nằm tại vị trí “nhạy cảm” như ngay sát khu vực chân cầu Khuê Đông, giáp với sông Đô Tỏa; ven tuyến đường Võ Chí Công giao với Huỳnh Văn Nghệ…

Ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị đến từ một cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên trên địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng)
Ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị đến từ một cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên trên địa bàn phường Hòa Quý
(quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Ảnh: HT

Cho thuê để xóa điểm nóng ô nhiễm?

Theo lãnh đạo UBND phường Hòa Quý, những khu vực có các cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên hoạt động, trước đây là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường như là nơi thường xuyên bị người dân tập kết rác thải xây dựng, rác thải tâm linh. UBND phường phải xử lý, dọn dẹp, ngăn chặn đòi nguồn nhân lực và vật lực lớn.

Vì vậy, để giải quyết vấn nạn trên, UBND phường đã đồng ý cho một số hộ dân tạm thời được phép sử dụng những “khu vực điểm nóng về môi trường” kể trên để làm nơi sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên nhằm ngăn chặn các hành vi đổ thải trái phép, vừa giải quyết được công ăn việc làm trước mắt.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên lại xuất hiện tình trạng không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan đô thị… Cụ thể, tại khu vực chân cầu Khuê Đông cả ngày lẫn đêm các xe bơm trộn bê tông thường xuyên ra vào. Tại đây, phần bê tông dư thừa sau khi thực hiện tại các công trình được xe bơm trộn bê tông “xả hàng”. Đó cũng là nguồn nguyên liệu chính của những cơ sở sản xuất đá bê tông này.

Sau khi đã “xả hàng”, những xe bơm trộn bê tông cũng được vệ sinh trực tiếp tại khu vực bằng cách xịt nước. Nước thải tràn lênh láng mà không có bất kỳ hệ thống xử lý nào, đây lại là khu vực ven sông Đô Tỏa nên nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước là rất lớn.

Sau khi “xả hàng” thì những xe hút bê tông cũng được vệ sinh trực tiếp tại khu vực sản xuất đá bê tông.
Sau khi “xả hàng” thì những xe hút bê tông cũng được vệ sinh trực tiếp tại khu vực sản xuất đá bê tông. Ảnh: HT

Tương tự, tại khu vực sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên ven tuyến đường Võ Chí Công giao với Huỳnh Văn Nghệ cũng thường “nhận hàng” từ những xe trộn hút bê tông. Đây là khu vực ven đường lớn, sau khi xe trộn hút bê tông được vệ sinh thì nước thải tràn lênh láng ra lòng đường, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa gây mất mỹ quan đô thị.

Như vậy, UBND phường Hòa Quý từng đặt mong muốn những cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên sẽ góp phần vào việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, tâm linh, nhưng giờ đây nguy cơ ô nhiễm từ quá trình hoạt động của những cơ sở trên lại đang hiện hữu.

Điều đáng nói, cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên này nằm sát tuyến đường có lưu lượng xe qua lại nhiều, nên khi hoạt động, bụi bốc mù mịt và theo gió bay ra đường có thể làm hạn chế tầm nhìn của tài xế khi lưu thông qua khu vực này.

Ký cam kết tái phạm phải dừng hoạt động?

Theo ông Cao Xuân Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Qúy, sau khi nghe báo chí phản ánh, UBND phường đã mời các chủ cơ sở sản xuất đá móng trên địa bàn đến làm việc và yêu cầu ký cam kết trong hoạt động sản xuất. Sau khi các cơ sở ký cam kết nếu vẫn tái phạm thì UBND phường sẽ tiến hành xử lý, đề nghị cho dừng hoạt động.

Điểm sản xuất, đúc bê tông thành viên gần ngay cầu Khuê Đông.
Điểm sản xuất, đúc bê tông thành viên gần ngay cầu Khuê Đông. Ảnh: HT

Trong đó, UBND phường yêu cầu đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nước súc rửa bồn bê tông, nước thải tại cơ sở sản xuất. Đảm bảo hệ thống tưới nước để giảm bụi, hạn chế tiếng ồn. Đảm bảo thời gian làm việc, yêu cầu nghỉ hoạt động sản xuất từ 19h30 đến 6h sáng hôm sau. Riêng đối với cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên do bà Huỳnh Thị Kim Hoa làm chủ thì yêu cầu thêm việc không lấn chiếm hành lang cầu Khuê Đông để sản xuất đá móng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những cam kết trên liệu đã đủ “sức nặng” đối với các cơ sở sản xuất, đúc bê tông dư thừa thành viên trên địa bàn phường Hòa Qúy? Trong khi những cơ sở trên mang tính tự phát, được hình thành nhằm mục đích chính là ngăn chặn tình trạng đổ thải tại khu vực, không có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, không có quy trình đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất thì cam kết đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nước súc rửa bồn bê tông, nước thải tại cơ sở sản xuất sẽ được thực hiện như thế nào, cơ quan nào sẽ giám sát?

Người dân sinh sống xung quanh khu vực sản xuất, đúc đổ bê tông thừa thành viên để làm móng nhà và các công trình xây dựng khác mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý, trả lại môi trường sống, sức khỏe, không gian sinh hoạt bình yên cho người dân nơi đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top