Aa

Bất cập công tác quy hoạch: Quản lý lỏng lẻo, chậm trễ và tùy tiện!

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 14/06/2022 - 06:07

Công tác quy hoạch hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, nơi thì chậm trễ, nơi thì tùy tiện điều chỉnh. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Nơi chậm trễ lập quy hoạch, nơi tùy tiện điều chỉnh

Mới đây, tại kết luận của Đoàn Giám sát Quốc hội cũng như Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XV, trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra một loạt tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Trong đó nêu rõ, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn khi còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Ở một kết luật khác của Thanh tra Bộ Xây dựng lại chỉ ra loạt các sai phạm về việc tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, nhồi nhét cao ốc, lấn chiếm không gian xanh. Nổi bật là hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND TP. Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000, 1/2000, 1/500 từ những năm 1999; các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013 - 2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Loạt cao ốc bị nhồi nhét tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. 

Mặc dù, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

Ngoài ra, kết luận thanh cũng chỉ rõ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật sai quy định. Trong đó, tại 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình làm cơ sở cấp phép xây dựng và đầu tư xây dựng. Điều này là vi phạm Luật Xây dựng. 

Tại 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng, 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng nhưng không được UBND TP. Hà Nội cho phép là “vượt thẩm quyền, vi phạm Nghị định 39”. 

Ngoài ra, tại 32 dự án công trình có nội dung vi phạm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành theo Quyết định 682, gồm: 1 dự án về mật độ và 31 dự án công trình về cây xanh.

Kẽ hở từ việc quản lý lỏng lẻo cùng nhiều quy định chưa phù hợp

Chia sẻ với Reatimes, KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho sự tăng trưởng. Theo đó, để khai thác hết tiềm năng phát triển của một đất nước thì quy hoạch phải mang tính dài hạn, chiến lược vĩ mô và khả biến. Quy hoạch cần phải dài hơi, đi trước một bước và phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, KTS. Trương Văn Quảng cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước những kết luật của các cơ quan kiểm tra đã và đang cho thấy công tác quy hoạch chưa thực sự được coi trọng xứng đáng với vai trò và vị trí vốn có của nó.

“Tại nước ta, quy hoạch chỉ đang theo tư duy ngắn hạn, chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ quên lợi ích lâu dài nên quy hoạch đến đâu thì vướng mắc đến đấy. Cụ thể, hàng loạt quy hoạch sai quy định pháp luật, chậm triển khai những quy hoạch mang tính chất trọng điểm, kéo dài từ năm này qua năm khác… đang là thực trạng rất phổ biến hiện nay”, ông Quảng chỉ rõ.

KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, KTS. Trương Văn Quảng đã nêu ra ba lý do:

Thứ nhất là do sự buông lỏng quản lý trong công tác kiểm tra quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt quy hoạch. Không thực thi đúng trách nhiệm của các nhà quản lý. Công tác quản lý không được thường xuyên, liên tục, không có chất lượng cao. Nếu cơ quan quản lý có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra từng ngày, từng giờ thì ngay từ khâu điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định pháp luật đã bị bác bỏ, không thể nhen nhóm cơ hội cho các cao ốc bị nhồi nhét, lấn chiếm không gian xanh.

“Hiện nay, mọi tội lỗi đều đổ lên quy hoạch, lên việc điều chỉnh quy hoạch, không ai dám nhìn thẳng, nhìn thật vào trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, khi sự đã rồi, cao ốc bị nhồi nhét hiện hữu, thanh tra mới vào cuộc thì đã quá chậm trễ. Nếu nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu, theo đúng quy định pháp luật thì công tác quản lý đã tốt hơn”, ông Quảng nói.

Thứ hai, nguyên nhân của việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, dễ dàng là do tồn tại lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ. Bởi khi điều chỉnh quy hoạch không theo một quy định pháp luật nào sẽ đem lại lợi ích cho nhiều phía liên quan từ chủ đầu tư, doanh nghiệp cho đến những người cầm bút phê duyệt, sau đó chỉ có quy hoạch và người dân là gặp bất lợi.

Thứ ba, đối với việc chậm triển khai quy hoạch tại các địa phương, ngành, quy hoạch quốc gia là do Luật Quy hoạch tích hợp đang còn nhiều bất cập trong công tác thực thi.

Theo KTS. Trương Văn Quảng, tích hợp là để giảm thiểu đầu việc, tiết kiệm chi phí nhưng khi áp dụng vào quy hoạch tại Việt Nam đang làm phức tạp hoá vấn đề quy hoạch, kéo dài thời gian quy hoạch và tăng chi phí quy hoạch cấp tỉnh lên nhiều lần.

Hiện nay, một quy hoạch cấp tỉnh liên quan đến rất nhiều quy hoạch các cấp cao hơn, chi phí để thực hiện cũng lên đến vài chục tỷ đồng dẫn đến rất khó khăn trong việc triển khai.

Chưa kể, việc tích hợp quy hoạch là tư duy mới, chưa có tiền lệ nên mỗi địa phương đang có những cách hiểu khác nhau, thực hiện khác nhau. Chất lượng của công tác tư vấn quy định trong luật, trong Nghị định cũng chưa được rõ ràng. Tích hợp là phải có một chủ nhiệm đủ năng lực để tích hợp được toàn bộ các lĩnh vực, các ngành, các cấp nhưng điều này ở nước ta vẫn còn thiếu.

Và trong luật hiện nay quy định, phải có quy hoạch cấp trên phê duyệt thì mới được quy hoạch cấp dưới. Nói cách khác quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên, vì vậy quy hoạch tỉnh đã có nhưng quy hoạch cấp quốc gia chưa có thì cũng không triển khai được. 

Đề xuất hướng giải quyết, KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, cần phải điều chỉnh cho phù hợp và xem xét lại Luật Quy hoạch có thực sự đi vào thực tiễn đời sống được hay không? Không đơn giản mà Quốc hội lập ngay một Đoàn Giám sát việc thực thi Luật Quy hoạch khi bộ luật chỉ mới ra đời được vài năm. Phải đặt dấu hỏi cho vấn đề này?

Bàn về giải pháp xử lý thực trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, phải thực hiện việc quy trách nhiệm một cách mạnh mẽ, rõ ràng để những đối tượng có liên quan đến việc sai phạm quy hoạch đô thị phải chịu hình phạt. Đó cũng là bài học, lời cảnh tỉnh cho những đối tượng khác có ý định muốn tham gia vào quá trình điều chỉnh quy hoạch trái quy định.

Chia sẻ với báo chí, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng nhìn nhận, thách thức đầu tiên của Luật Quy hoạch là các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia đều thực hiện quá chậm bởi vướng mắc nhiều vấn đề nguồn lực cũng như nội dung.

Khó khăn thứ hai là trình tự thực hiện quy hoạch. Cần rà soát lại các quy hoạch ngành để đảm bảo triển khai những quy hoạch quan trọng nhất, còn lại những quy hoạch ngành không trực tiếp tác động đến quy hoạch chung thì có thể triển khai sau. Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một đề xuất khả thi là triển khai song song các quy hoạch. Tuy nhiên, Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội không thể thay thế cho luật được, do đó cần có một Nghị quyết mới của Quốc hội để rà soát lại công tác quy hoạch. Như vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần triển khai song song các quy hoạch chứ không thể triển khai từ trên xuống, tức là đồng bộ quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh.

Một tồn tại nữa là vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Trong những năm vừa qua, công tác điều chỉnh quy hoạch cũng thể hiện tính báo động lớn. Đặc biệt, với quy hoạch tích hợp thì công tác điều chỉnh quy hoạch lại cần được quan tâm hơn cả.

Không chỉ vậy, vấn đề thẩm định quy hoạch cũng cần phải đánh giá lại. Hội đồng thẩm định quy hoạch đã được xác định trong Luật Quy hoạch nhưng còn nhiều cơ chế thiếu sự cơ động và linh hoạt, thậm chí còn khá máy móc. Vì thế, vai trò của Hội đồng thẩm định là rất quan trọng và cần có sự điều chỉnh nhanh chóng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top