Tại chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Theo đó, tại báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội, quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này tại Kỳ họp thứ nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ và việc thực hiện các dự án quy hoạch hiện nay.
Tồn tại nhiều bất cập
Theo Đoàn Giám sát Quốc hội, hiện nay 99% quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh đã được duyệt nhiệm vụ, tuy nhiên tới bước lập quy hoạch thì chỉ 7 trong 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt, trong đó có 1 quy hoạch quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành. Đặc biệt, 7 quy hoạch được phê duyệt này cũng bộc lộ rất nhiều bất cập.
Ví dụ, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP.HCM và vùng miền Đông Nam Bộ; 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải. Các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, danh mục quy hoạch cũng chưa phù hợp với phạm vi quản lý của bộ, ngành. Có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý, hay có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung lại trùng với nội dung quy hoạch cấp quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Chưa kể, nguồn vốn cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện.
Đầu tư cho công tác quy hoạch ở các cấp cũng còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý quy hoạch còn chưa được hoàn thiện; chưa lựa chọn, bố trí nhân sự có năng lực, trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp để tập trung làm công tác quy hoạch. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch được ban hành chậm; còn có nội dung chưa thống nhất.
Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế cả nước. Vì vậy, quy hoạch cần phải dài hơi và đi trước một bước, phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu như trước kia các vấn đề quy hoạch chỉ thể hiện ở các điều khoản trong luật chuyên ngành như xây dựng, đất đai… thì hiện nay, sự xuất hiện của Luật Quy hoạch 2017 đã thống nhất cho các hoạt động quy hoạch. Luật Quy hoạch chính là công cụ để các cơ quan chức năng đưa ra được những định hướng, mục tiêu, xác định không gian phát triển cho từng địa phương, từng vùng một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm áp dụng triển khai, các quy định pháp luật trong Luật Quy hoạch cũng bộc lộ không ít những bất cập”, TS. LS. Đặng Văn Cường nhìn nhận.
Cụ thể, theo luật sư Cường, có 4 bất cập nổi bật trong Luật Quy hoạch hiện nay. Thứ nhất là một số quy định còn tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong luật. Ví dụ như phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch…
Thứ hai, luật chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết để thực hiện Luật Quy hoạch.
Thứ tư, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch cũng còn hạn chế về số lượng, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh nhiều quy hoạch các cấp được lập đồng thời với phương pháp, cách tiếp cận mới. Bởi một đơn vị tư vấn tham gia lập cùng lúc nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng.
Việc quy hoạch đang tồn tại nhiều bất cập, ngoài việc khiến các quy hoạch bị chồng lấn còn có tình trạng một số địa phương chưa xây dựng triển khai quy hoạch vùng huyện, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu sự bố trí liên kết giữa dân cư, thiếu tính liên kết vùng. Chủ yếu quy hoạch chỉ đáp ứng được yêu cầu xây dựng trước mắt chứ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài, nhiều nơi còn mang tính hình thức.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ rõ, những bất cập phổ biến như quy hoạch treo; tình trạng nhà ở của người dân xây dựng không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm đang diễn ra phổ biến khiến cho không gian kiến trúc nhà ở nhiều nơi lộn xộn, gây mất mỹ quan; hệ thống mạng lưới giao thông xuống cấp, tùy tiện, thiếu tính khoa học thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu; hệ thống thoát nước kém dẫn đến ngập lụt mỗi khi có mưa lớn…
Nhiều nơi chưa có hướng dẫn về cảnh quan kiến trúc dẫn tới việc xây dựng diễn ra không thống nhất, không có khoảng lùi cho công trình. Quy hoạch làng nghề, hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, thiếu tính khả thi hoặc không gắn với điều kiện đặc thù của địa phương.
“Khi Luật Quy hoạch vẫn còn những vướng mắc nhất định chưa được tháo gỡ, chưa phát huy được hết vai trò pháp chế trong quá trình lập, phê duyệt, thực thi quy hoạch thì việc triển khai quy hoạch sẽ còn nhiều khó khăn. Những quy hoạch được lập sẽ bị đánh giá là chưa rõ ràng, chưa chi tiết, thiếu tính đồng bộ, liên kết, kết nối. Đối với những quy hoạch được lập thì cũng lúng túng, vướng mắc trong quá trình triển khai”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Giải pháp tháo gỡ
Không thể phủ nhận, quy hoạch là một lĩnh vực khó, đòi hỏi sự nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá rất kỹ lưỡng ở mọi mặt, đặc biệt là khả năng phát triển trong tương lai. Do đó, mặc dù nước ta đã và đang tập trung tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về quy hoạch song vấn đề này chưa bao giờ hết thách thức.
Theo luật sư Cường, để Luật Quy hoạch thực sự phát huy được vai trò của mình, cần phải tập trung rà soát chi tiết lại quy hoạch, giám sát công tác xây dựng thường xuyên, liên tục để đưa ra những định hướng phù hợp. Bên cạnh đó cần tập trung đào tạo cán bộ chuyên ngành quy hoạch, kiến trúc có đủ trình độ chuyên môn và đưa ra được giải pháp, quan tâm hơn nữa về kinh phí thực hiện quy hoạch.
Về lâu dài, cần tổng kết việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, các pháp lệnh có liên quan để kiến nghị những giải pháp sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch. Nên nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng quy hoạch. Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi được sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu TP.HCM) cũng cho rằng, việc thực hiện quy hoạch thời gian tới cần lưu ý cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương.
Đặc biệt, theo ông Trần Anh Tuấn, cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp. Sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp sẽ giúp việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này dễ dàng và thuận lợi hơn.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn đại biểu Hà Giang) đề xuất nội dung quy hoạch tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đại biểu cũng cho rằng cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.
Đại biểu Lý Thị Lan cũng nhấn mạnh, cần quy định cụ thể hơn về thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có đủ điều kiện thực hiện Luật Quy hoạch, bên cạnh đó cần bổ sung, làm rõ về vấn đề thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị./.