Aa

Luật Quy hoạch mới ra đời đã bộc lộ nhiều bất cập

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 11/06/2022 - 06:09

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để Luật Quy hoạch đi vào thực tế, cần phải rà soát và sửa đổi những chồng chéo vướng mắc, nhằm tạo tính hợp lý và thống nhất.

Theo kết quả giám sát tối cao được công bố tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, hiện nay 99% quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh đã được duyệt nhiệm vụ, tuy nhiên tới bước lập quy hoạch thì chỉ 7 trong 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt, trong đó có 1 quy hoạch quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành. Đặc biệt, 7 quy hoạch được phê duyệt này cũng bộc lộ rất nhiều bất cập.

Một trong những nguyên nhân được Đoàn Giám sát chỉ ra là do những vướng mắc liên quan đến Luật Quy hoạch hiện hành, sự mâu thuẫn giữa quy định cấp dưới và cấp trên, mâu thuẫn với các luật có liên quan.

Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

PV: Việc tích hợp quy hoạch giúp cắt giảm từ hơn 3.543 quy hoạch xuống còn 111 quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia nhằm tiết kiệm chi phí, rút gọn thời gian. Song đến nay, việc lập quy hoạch vẫn diễn ra rất chậm. Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư, nguyên nhân của việc chậm lập và triển khai quy hoạch là do đâu?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ 1/1/2019, đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật đã quy định rất cụ thể các nội dung mang tính chiến lược phát triển kinh tế tỉnh, vùng, quốc gia, đặc biệt là việc tích hợp phát triển mang tính đa ngành, liên ngành. 

Tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, Quốc hội đã dành thời gian nghe và thảo luận giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Nguyên nhân của việc chậm lập và triển khai quy hoạch trước tiên là do Điều 5 và Điều 6 Luật Quy hoạch 2017 quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, theo đó quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 20, một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn.

Các quy định này dẫn đến sau khi Luật được thông qua gần 2 năm vẫn chưa thể triển khai được do quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới đồng thời khi các quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Luật Quy hoạch không có quy định xử lý trường hợp các quy hoạch cùng cấp phù hợp với quy hoạch cấp trên nhưng có điểm mâu thuẫn nhau. Không quy định thời hạn hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch còn nhiều hạn chế. Tư duy, nhận thức theo các quy định mới về công tác quy hoạch chưa đồng đều ở các cấp, các ngành. Dẫn đến có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, địa phương về cách tiếp cận, phương pháp lập quy hoạch và nội dung quy hoạch, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn luật mất nhiều thời gian để thống nhất giữa các bộ. 

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo thi hành Luật Quy hoạch của một số bộ, ngành và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sát sao và quyết liệt, thời gian tham gia ý kiến nhiệm vụ lập quy hoạch thời gian thẩm định và phê duyệt của các cơ quan còn đang kéo dài. 

PV: Ngay cả những dự án được triển khai cũng đang tồn tại nhiều bất cập khi có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy hoạch các cấp, chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối. Luật sư nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đúng vậy, hiện nay kể cả những quy hoạch đã và đang triển khai cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, một số quy hoạch ngành quốc gia lần đầu được lập nên gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, như quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia…

Bên cạnh đó, danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của bộ, ngành, có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý hay có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung lại trùng với nội dung quy hoạch cấp quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. 

PV: Bên cạnh những vấn đề nói trên, theo luật sư, Luật Quy hoạch khó áp dụng vào thực tiễn còn do tồn tại vướng mắc gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 và Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đối với ngành Xây dựng, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cũng phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, gửi xin ý kiến các đối tượng có liên quan… để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Song trên thực tế, việc áp dụng Luật Quy hoạch còn khó khăn do hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác) dẫn đến khó khăn trong quá trình tra cứu và áp dụng pháp luật.

Luật Quy hoạch chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác, nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch chậm và còn nhiều bất cập.

Đồng thời, ở quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quy hoạch, luật chưa quy định rõ cần lấy ý kiến ở giai đoạn nào và nội dung gì cho cụ thể, bởi một đồ án quy hoạch chứa đựng rất nhiều nội dung từ bao quát đến chi tiết. Và thêm nữa là đối tượng cần lấy ý kiến phải hết sức cụ thể, như vậy thì mới đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng và tiến độ hoàn thiện các quy hoạch.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện.

Ngoài ra, nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ ràng, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể nên còn ý kiến khác nhau về nội dung, mức độ thể hiện của quy hoạch tổng thể quốc gia, mức độ thể hiện chi tiết của các dự án đầu tư, mức độ chi tiết của hệ thống bản đồ... dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong triển khai.

Còn nhiều lúng túng trong triển khai Luật Quy hoạch. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)

PV: Luật Quy hoạch mới ra đời nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển đô thị cũng như phát triển kinh tế ở hiện tại và giai đoạn tới?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/1/2019 thực sự là một dấu mốc quan trọng, có tác động sâu rộng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác nghiên cứu, quản lý phát triển của đất nước, từng địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực. 

Một số quy định chi tiết mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 còn có tác động tích cực đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, ví dụ như việc bãi bỏ các nội dung liên quan đến cấp Giấy phép quy hoạch quy định tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị hay việc loại bỏ các quy hoạch nhằm giảm thiểu sự đan xen trong công tác quản lý giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện các dự án phát triển - các “giấy phép con”.

Dù vậy, như đã trình bày ở trên, Luật Quy hoạch mới ra đời nhưng đã bộc lộ rõ nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, vấn đề lớn nhất đối với TP. Hà Nội hay các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nói chung có lẽ chính là thay đổi tư duy và nhận thức cho đúng về “Quy hoạch chung cấp tỉnh”, hay nói cách khác là việc lập quy hoạch chung theo hình thức hợp nhất trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các quy hoạch chung sắp đến kỳ cần đánh giá, điều chỉnh, lập mới theo Luật Quy hoạch. 

Đây thực sự là việc làm khó khăn, đặc biệt là vấn đề mang tính then chốt, phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, năng lực lập quy hoạch theo cách thức mới giữa các chiều khác nhau, thậm chí ngược nhau về cách tiếp cận: Vật thể - phi vật thể, tĩnh - động, trên xuống - dưới lên… và phương pháp lập quy hoạch hợp nhất có tính tổng hợp và chia sẻ cao.

Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để đánh giá cách làm quy hoạch hiện nay và đối diện với những hạn chế của quy hoạch khi chất lượng, tính khả thi của quy hoạch luôn bị đánh giá khắt khe từ nhiều góc nhìn. 

PV: Theo ông, giải pháp nào để phát huy hiệu quả Luật Quy hoạch, giúp công tác quy hoạch trở nên thuận lợi và đồng bộ?

LS Nguyễn Thanh Hà: Để đất nước phát triển thì cần phải có một quy hoạch toàn diện, tiềm năng đặc biệt là phải biến quy hoạch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho quốc gia. Do đó, trước tiên, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó cần ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn, lựa chọn chuyên gia tư vấn trong nước hay quốc tế cũng cần có những quy định bổ sung. Điều quan trọng là cần phải lựa chọn được tư vấn có kinh nghiệm và am hiểu về địa phương.

Tuy nhiên, nếu sử dụng chuyên gia tư vấn quốc tế thì bị ràng buộc bởi các quy định trong Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến các thủ tục liên quan thường bị kéo dài. Đây là những trở ngại đáng kể đối với các đơn vị tư vấn. Nếu sử dụng tư vấn trong nước, thì lại bị hạn chế về khả năng tiếp cận những phương pháp lập quy hoạch hiện đại, vận dụng những chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế.

Hồ sơ năng lực nhà thầu cũng là một vấn đề. Trong quá trình lựa chọn các đơn vị tư vấn cần có sự kiểm soát và đánh giá hồ sơ năng lực thực sự của các nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Nếu có thể được, cần cung cấp cho các địa phương danh mục các đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm, làm định hướng cho các địa phương khi lựa chọn nhà thầu, tiết kiệm thời gian và chi phí không cần thiết.

Về đơn giá định mức lập quy hoạch. Mặc dù đã có văn bản của các bộ, ngành liên quan đến định mức cho công tác quy hoạch quy định mức chuyên gia tư vấn, tuy nhiên cần làm rõ cơ sở để xây dựng đơn giá, cần cụ thể cho từng loại quy hoạch trên cơ sở xác định độ khó, quy mô, vị trí lập quy hoạch… và cần được thống nhất trên cả nước.

Ngoài ra, qua 03 quy hoạch đã phê duyệt theo Luật Quy hoạch cho thấy còn có sự bất cập trong quy định về hồ sơ của các loại quy hoạch, điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát và quản lý.

Vì vậy, cần bổ sung quy định về nội dung hồ sơ của các loại quy hoạch, trong đó quy định cụ thể về nội dung thể hiện đối với thuyết minh tổng hợp, thuyết minh tóm tắt hay dự thảo tờ trình. Nên chăng cơ quan chủ trì cần phải có hướng dẫn thống nhất trong việc lập hồ sơ, nội dung và quy cách thể hiện bản đồ, quy định số lượng bản đồ, tỷ lệ bản đồ, bản đồ chính trong toàn bộ quy hoạch, hướng dẫn cách thể hiện trên bản vẽ (ký hiệu bản vẽ, màu sắc…).

Đồng thời, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

11/06/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top