Aa

Kỳ 1: Nguy hiểm rập rình từ việc \'\'quên\'\' hoàn thổ

Thứ Năm, 24/03/2022 - 09:48

Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác gây bức xúc cho người dân tại tỉnh Quảng Nam.

Tại xã Tam Nghĩa, theo phản ánh của người dân, có một số mỏ đã đến thời hạn phải đóng cửa nhưng vẫn hoạt động bình thường, không có động thái hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường. Trong đó có những mỏ, doanh nghiệp đã di dời khỏi địa bàn từ lâu, nhưng không tiến hành hoàn thổ.

Hồ nước sâu nằm cạnh đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (thuộc khu vực mỏ đá Răng Cưa cũ) chưa được doanh nghiệp hoàn thổ.

Nằm kế bên đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuộc địa phận xã Tam Nghĩa (H. Núi Thành) tồn tại 2 hồ nước lớn, là hệ quả của hoạt động khai thác đá trước đây. Trong Báo cáo số 108/BC-UBND ngày 26/4/2019, UBND H. Núi Thành cho biết có hai mỏ đá đã khai thác xong đó là mỏ đá Răng Cưa của Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (4ha) và Công ty TNHH MTV XDVT Hùng Vương (2,2ha) chưa thực hiện cải tạo phục hồi môi trường để lại hố sâu ngập nước.

Đến ngày 19/5/2020, UBND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 181/TB-UBND về cải tạo, phục hồi môi trường mỏ đá Răng Cưa và một số nội dung liên quan. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các sở, ngành liên quan, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường, UBND H. Núi Thành, UBND xã Tam Nghĩa tổ chức khảo sát thực tế và họp bàn thống nhất phương án về cải tạo, phục hồi môi trường mỏ đá Răng Cưa mang tính khả thi; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, gia súc; báo cáo trong khu vực, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trước ngày 31/5/2020 để xem xét, xử lý. Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường chịu trách nhiệm cử lãnh đạo có thẩm quyền tham gia với Sở Tài nguyên và Môi trường trong khảo sát thực địa, bàn phương án về cải tạo, phục hồi môi trường khu vực mỏ đá khai thác đảm bảo đúng quy định, khả thi, an toàn tuyệt đối.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hiện trạng khu vực trước đây là mỏ đá Răng Cưa vẫn còn 2 hồ nước sâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, cho biết: “Hai hồ nước này là mối nguy hiểm đối với người dân và gia súc tại địa phương. Như vào mùa hè, đây sẽ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ em,…”.

Khu vực đường vào mỏ đá Hòa Đông (xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành).
Một mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn H. Núi Thành.

Mỏ đá Hòa Đông (xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành) đã hết phép khai thác nhưng có dấu hiệu chậm trễ trong thực hiện các thủ tục để đóng cửa. Ngày 3/1/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 15/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Hòa Đông, xã Tam Nghĩa, H. Núi Thành. Theo quyết định này, Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt được phép khai thác đá bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá Hòa Đông trên diện tích 2,22ha với trữ lượng 285.231m3, thời hạn khai thác đến ngày 10/6/2020.

Ngày 28/5/2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1545/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, cho Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt thuê đất để khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá Hòa Đông, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành và đính chính, điều chỉnh bỏ một số nội dung trong Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh. Theo đó, Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt được thuê 2,22ha đất để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường (tại mỏ đá Hòa Đông). Thời hạn thuê đất kể từ ngày ký quyết định đến ngày 10/6/2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù đã hết phép hoạt động và hết thời hạn thuê đất được hơn 21 tháng nhưng theo ghi nhận của phóng viên, khu vực mỏ đá Hòa Đông vẫn còn ngổn ngang, khu vực mỏ vẫn chưa có dấu hiệu đã được doanh nghiệp thực hiện công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường. Được biết, hiện tại mỏ đá Hòa Đông đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ. Theo quy định, trong thời gian lập thủ tục, hồ sơ đóng cửa mỏ, doanh nghiệp phải thực hiện di dời, tháo dỡ các công trình và kiến trúc, các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu tồn đọng… ra khỏi khu vực mỏ. Tập trung vào công tác hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường theo cam kết đã được các cấp, các ngành có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều bất cập trong công tác xử lý nước thải tại các mỏ đá trên địa bàn xã Tam Nghĩa.

Theo quy định của pháp luật, trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng của mỏ. Quỹ này có giá trị tương ứng với chi phí hoàn thổ, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Sau khi mỏ hết phép khai thác, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và đúng theo cam kết về cải tạo phục hồi môi trường thì sẽ được rút khoản tiền này ra. Nhưng trên thực tế, tình trạng doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” sau khi hết phép khai thác vẫn còn rất nhiều. Nguyên nhân có thể kế đến như thời hạn của các mỏ (như mỏ khai thác đá) khá lâu (thường từ 10 – 30 năm) nên khi hết phép khai thác, do biến động vật giá thị trường nên chi phí bồi hoàn, cải tạo phục hồi môi trường vượt quá so với số tiền ký quỹ ban đầu. Hay trường hợp khác, doanh nghiệp khai thác vượt quá quy mô, trữ lượng so với giấy phép nên khối lượng vật chất để cải tạo, phục hồi môi trường vượt so với thiết kế ban đầu, dẫn đến chi phí để doanh nghiệp bỏ ra thực hiện lớn hơn so với số tiền ký quỹ ban đầu…

Sự chây ỳ hoặc trốn tránh trách nhiệm sau khi hết phép khai thác khoáng sản như những trường hợp kể trên không những gây ra các hệ lụy xấu đối với môi trường và xã hội mà còn tạo ra tiền lệ xấu, nguy cơ tái lặp tương tự tại các mỏ đá sẽ hết phép khai thác sau này.

Nhiều bất cập từ các mỏ đá đã hết phép khai thác, các quy định pháp luật về công tác thực hiện đóng cửa mỏ vẫn chưa được doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành. Thực trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường tại các điểm mỏ sau khai thác vẫn còn bỏ ngỏ?

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với hành vi không thự chiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc từng giai đoạn hoạt động hoặc khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top