Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản nghỉ dưỡng - nhiều điểm nghẽn pháp lý

Thứ Ba, 22/03/2022 - 10:30

Bất động sản nghỉ dưỡng - nhiều điểm nghẽn pháp lý; Càng lạm phát, bất động sản càng tăng giá để chống trượt giá... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Bất động sản nghỉ dưỡng - nhiều điểm nghẽn pháp lý

Việc chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3 đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc phục hồi ngành công nghiệp không khói, đem lại nhiều động lực để phục hồi kinh tế. Đây cũng là tín hiệu tốt, tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển. Song, tại thời điểm này, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang chờ đợi để được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý.

Đề cập đến một trong những điểm yếu được cho là rào cản phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đánh giá, “điểm nghẽn” lớn nhất của thị trường hiện nay là pháp lý rối ren, khiến toàn bộ thị trường bị ngưng trệ. Ví dụ, một số địa phương như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc… ban hành chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Càng lạm phát, bất động sản càng tăng giá để chống trượt giá?

Với những người đang nắm giữ tài sản bất động sản, thì càng lạm phát, vật giá càng leo thang, thì họ lại càng tăng giá bán để chống trượt giá.

Ngay trong những tháng đầu năm, áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đã trở thành vấn đề quan trọng được đề ra trong quản lý kinh tế vĩ mô. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ba nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong năm 2022 bao gồm tổng cầu tăng đột biến trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguyên vật liệu nhập khẩu; và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hậu Covid-19, bất động sản du lịch Việt Nam cần nâng tầm

Trong năm 2020 và 2021, phân khúc bất động sản du lịch được coi là trầm lắng, thậm chí gần như “ngủ đông” bởi dịch Coivd-19. Số liệu từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, năm 2020, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn du lịch chỉ chiếm trung bình khoảng 30%; tới năm 2021, con số này giảm còn 25%.

Bên cạnh đó, du lịch quốc tế, nguồn thu chính của ngành du lịch cũng sụt giảm mạnh trong 2 năm liên tiếp. Số lượng chuyến bay trong năm 2020 giảm đến 80% so với năm 2019, con số này cũng giảm 75% trong năm 2021. Đặc biệt, việc du khách nước ngoài không thể đến Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch và nền kinh tế, bởi nhóm này chi mạnh tay hơn hẳn so với du khách trong nước.

Bước sang năm 2022, bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng được ví như “hổ mọc thêm cánh” nhờ “bệ phóng” từ chủ trương mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc của Chính phủ, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng và việc sửa đổi nhiều bộ luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển bền vững.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lâm Đồng: Doanh nghiệp đấu giá tài sản trên đất, được tỉnh “khuyến mại” cả khu đất hơn 11ha

Câu chuyện trên được hé lộ từ việc Công ty TNHH MTV trà Sung Viên xin thuê đất bổ sung tại huyện Bảo Lâm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện văn bản số 201/UBND-ĐC ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh, và theo đề nghị của Công ty TNHH MTV trà Sung Viên tại văn bản số 02/CV-CTY ngày 7/1/2021 về việc xin thuê đất bổ sung tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, ngày 19/12/2021, Sở này đã có văn bản số 3945/STNMT-VP về kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án trồng và chế biến trà Olong của Công ty TNHH MTV trà Sung Viên tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm. Đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục nhận được hồ sơ xin thuê đất bổ sung của Công ty TNHH MTV trà Sung Viên nhưng chưa có dự án đầu tư kèm theo.

Về nguồn gốc đất đai, ngày 23/7/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1575/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH Đăng Phong, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư số 42104399285 do UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 19/01/2004, cấp lại ngày 20/6/2008.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền trở lại trong tuần 14 - 18/3

Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần từ 14 - 18/3 khiến cho giá dầu tiếp tục xu hướng điều chỉnh. Sự kiện quan trọng trong tuần qua tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư đó là Fed quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% và phát đi tín hiệu có thể nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm nay để đối phó với lạm phát. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra thận trọng thể hiện qua việc thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình và các chỉ số chỉ tăng nhẹ tuần qua.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 18/3, VN-Index đứng ở mức 1.469,1 điểm, tương ứng tăng 2,56 điểm (0,17%) so với phiên cuối tuần trước đó. HNX-Index tăng 9,01 điểm (2,04%) lên 451,21 điểm. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,58%) lên 116,04 điểm.

Bên cạnh sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền trên thị trường có phần tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Thống kê 121 cổ phiếu bất động sản giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua có 72 mã tăng trong khi có 42 mã giảm giá.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top