Aa

Bất động sản 24h: Biến động thị trường bất động sản ở phân khúc nhà... “nát”

Thứ Sáu, 20/03/2020 - 10:30

Biến động thị trường bất động sản ở phân khúc nhà... “nát”; Môi giới bất động sản xoay xở thoát khó; Sửa Nghị định 20: Đừng "tham bát bỏ mâm"; Sân golf “khủng” cạnh sông Đuống... là những thông tin được quan tâm 24h qua.

Biến động thị trường bất động sản ở phân khúc nhà... “nát”

Với việc thị trường bất động sản trầm lắng và không có nhiều dự án được bung ra, không ít nhà đầu tư chọn giải pháp đi tìm kiếm mua những căn nhà “nát” với giá mềm để bán lại cho khách hàng ít tiền.

Từ đầu năm 2020, thị trường bất động sản vẫn mang một màu sắc trầm lắng, không có nhiều điểm sáng. Bên cạnh đó, với tình hình dịch Covid 19 diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp địa ốc chọn phương án làm “cầm chừng” để chờ cho qua thời gian xấu.

Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập trung bình đến khá vẫn còn rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều người kinh doanh nhà đất nhỏ chọn phương án đánh lẻ và truy lùng những căn nhà “nát” có giá trị thấp để đưa ra thị trường. Một ưu điểm mà nhà “nát” thu hút được nhà đầu tư là đa phần đều có pháp lý rõ ràng.

Khảo sát một số quận – huyện vùng ven trung tâm thành phố như: Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… nhà “nát” được rao bán khá nhiều và thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Xem chi tiết tại đây

Về đề nghị không hồi tố khi sửa Nghị định 20: Đừng "tham bát bỏ mâm"

Sau khi có văn bản trả lời của Bộ Tư pháp “việc cho hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc gì về pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của Nhà nước ta”, Bộ Tài chính đã lập tức có ngay ý kiến, lần này còn mạnh mẽ và dứt khoát hơn: "Không hồi tố".

Thực ra, trong ý kiến lần này, Bộ Tài chính cũng không nêu ra nội dung gì mới, chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở nỗi lo, nếu hồi tố sẽ phải hoàn thuế cho doanh nghiệp trong khi ngân sách Nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội phê chuẩn quyết toán và ngân sách năm 2018 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, còn dự toán ngân sách năm 2020 không có khoản chi cho việc hoàn trả này, đồng thời dễ phát sinh tiêu cực. 

Việc không cho hồi tố đối với khoản thuế doanh nghiệp đã phải nộp oan trong hai năm 2017 và 2018 có thể là giải pháp gỡ khó về tài chính cho chính Bộ Tài chính trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ để lại hậu quả và hệ lụy cả trong trước mắt và lâu dài, thậm chí có khi không thể cứu vãn được.

Xem chi tiết tại đây

Sân golf “khủng” cạnh sông Đuống: Nhiều dấu hỏi về năng lực chủ đầu tư

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành). Dự án chính thức có tên là Sân golf quốc tế Thuận Thành, thiết kế 27 lỗ.

Dự án được giao cho liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản HUDland (mã HLD) và CTCP Tư vấn và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Cả hai đều là không phải là những cái tên nổi bật trên thị trường bất động sản và cũng chưa có những dự án bất động sản quy mô lớn nào được dư luận thực sự quan tâm. 

Sân golf quốc tế Thuận Thành thiết kế 27 lỗ, dự kiến xây dựng trên khu đất 98ha, phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, phía Đông và phía Tây giáp đất nông nghiệp ngoài đê. Với diện tích lớn như vậy, giới chuyên gia cảnh báo nếu chủ đầu tư không có kinh nghiệm trong vấn đề xử lý môi trường của sân golf thì khả năng ô nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở ven sông Đuống có những cánh đồng phù sa màu mỡ, nơi nông nghiệp rất phát triển. Ngoài phục vụ việc tưới tiêu, hiện nay sông Đuống còn là nguồn trực tiếp của rất nhiều nhà máy nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhất là khu vực huyện Quế Võ. Nếu như sân golf làm ô nhiễm nguồn nước sông Đuống thì nguồn nước sạch cung cấp cho các địa phương này và các vùng lân cận cũng gặp ô nhiễm.

Đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh đề xuất “được” làm sân golf, trước đó tỉnh Bắc Ninh đã từng đề xuất được làm sân golf ở huyện Tiên Du và Yên Phong song không được chấp thuận hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực để đầu tư dự án. Một lần nữa, năng lực chủ đầu tư sân golf quốc tế tại Thuận Thành cũng là dấu hỏi để các bộ, ngành và Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng.

Xem chi tiết tại đây

Nhiều du khách nghi nhiễm Covid-19 được "nghỉ dưỡng" trong resort, khách sạn

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, đến nay đã có 117 khách sạn, cơ sở lưu trú trên cả nước đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch Covid-19 có thu phí, trong đó nhiều nhất tập trung tại hai tỉnh Quảng Ninh và Đà Nẵng.

Với vị trí trung tâm, tọa lạc bên công trình cầu Rồng ven sông Hàn với 127 phòng, Đà Nẵng Riverside (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) là khách sạn được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại… Đây là khách sạn đầu tiên chung tay với người dân TP. Đà Nẵng chống dịch.

Tại Quảng Ninh, 122 phòng tại khách sạn Bảo Minh Radiant TP. Hạ Long gần như không còn trống khi đón đủ 157 người từ Hàn Quốc sang, gồm 127 khách Hàn, 2 khách quốc tịch Việt - Hàn và một số ít khách Nga, Mỹ.

Ngoài việc miễn phí chỗ ở khách sạn 4 sao với giá trung bình một phòng dao động từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ngày, chủ khách sạn đã quyết định miễn phí toàn bộ tiền ăn 3 bữa/ngày cho số khách này (theo quy định của tỉnh là 180.000 đồng/người cách ly). Cùng chung tay góp sức với chủ doanh nghiệp, hơn nửa nhân viên tại khách sạn Bảo Minh Radiant cũng đồng ý ở lại tham gia cùng phòng chống dịch.

Bên cạnh những khu cách ly tập trung miễn phí được bố trí tại các tỉnh thành trên cả nước, nhiều trường hợp người cách lý mong muốn được ở tại khách sạn, cơ sở du lịch có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi hơn và chấp nhận trả phí.

Các khách sạn, resort làm khu cách ly có thu phí vừa thể hiện trách nhiệm cùng chung sức chống dịch với cộng đồng, xã hội, đồng thời cũng là một cách để "sống chung" với dịch, tạo ra nguồn thu nhập trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Xem chi tiết tại đây 

Môi giới bất động sản xoay xở thoát khó

Hàng trăm doanh nghiệp môi giới bất động sản đã đóng cửa vì dịch Covid-19 chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm. Những doanh nghiệp còn tồn tại đang phải xoay xở tìm mọi cách để thoát khó.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Thăng Long (quận Tân Bình, TP.HCM) vừa phát đi thông báo tạm thời đóng cửa Công ty, cho nhân viên làm việc ở nhà, nhưng vẫn trả lương cơ bản cho họ.

“Công ty tôi có 4 sàn giao dịch với hơn 100 nhân viên, nhưng đầu tháng 3 thì đóng cửa 3 sàn, còn lại một sàn với hơn 50 nhân viên thì giờ cũng phải cho họ làm việc tại nhà. Đây là cách để giảm chi phí cho Công ty”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 tới nay khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình hoạt động của các sàn rất thê thảm, có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm.

Cũng theo ông Đính, với các sàn còn hoạt động có hai phương án trong mùa dịch. Phương án thứ nhất là cho nhân viên nghỉ một phần. Phương án thứ hai là chia nhân sự thành nhiều nhóm nhỏ, các nhóm sẽ làm việc và nghỉ phép luân phiên để duy trì bộ máy.

Nhiều người dù có nhu cầu về nhà đất, căn hộ, nhưng vẫn chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động kinh tế ổn định thì mới tính đến việc đặt mua. Mối quan tâm ưu tiên của người tiêu dùng vẫn là phòng chống dịch bệnh.

“Những yếu tố trên làm thị trường lao dốc thê thảm, cách cứu thị trường hiện tại chỉ có thể là kiểm soát được dịch bệnh sớm và Chính phủ có các gói kích cầu kinh tế thì mới giúp ngành môi giới tăng trưởng trở lại”

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top