Aa

Sửa Nghị định 20: Đừng để doanh nghiệp "chết" mới cho phép hoàn thuế!

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 19/03/2020 - 06:00

28.400 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, chờ và hoàn tất thủ tục giải thể, tính riêng trong 2 tháng đầu năm. Con số này sẽ còn gia tăng nếu các chính sách liên quan đến thuế không có chuyển biến tích cực.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng khẳng định: “Nghị định 20 như quất mạnh vào các doanh nghiệp nội vốn đã rất còm cõi. Tổn thương nặng nề nhất cũng rơi vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, kinh doanh bất động sản..."

Ngày 13/3/2020, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản số 2934, giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Theo đó, một lần nữa khẳng định: "Việc hồi tố đồng nghĩa với việc Chính phủ phải hoàn thuế cho người nộp thuế... Việc hồi tố có thể đem lại những hệ lụy trong quá trình quản lý thuế như cơ chế xin cho, dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ không hồi tố."

"Nghị định 20 như quất mạnh vào các doanh nghiệp nội vốn đã rất còm cõi" (Ảnh: Internet)

Muốn lấy trứng thì phải nuôi gà

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều đề xuất Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp, giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn có chính sách miễn, giảm các loại thuế phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế… cho doanh nghiệp trong năm 2020. Đáng chú ý, các Hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị việc hồi tố, hoàn thuế liên quan đến khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Theo giới chuyên gia, chính sách thuế phải đáp ứng được 3 mục tiêu. Một là đảm bảo khoản thu hợp lý vào ngân sách Nhà nước, vừa phát huy cao độ các nguồn nội lực, thúc đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và khả năng tích tụ của doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao, đầu tư vào vùng kinh tế xã hội khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo vệ môi trường; bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Thuế và phí phải đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước và giành một phần cho tích luỹ.

Hai là, thủ tục hành chính thuế phải được đơn giản hoá, thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. Thứ ba là tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa

Song với những diễn biến của việc ban hành, dự thảo sửa đổi Nghị định 20 của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã dần bộc lộ những bất cập của chính sách này.

“Các bất cập của Nghị định 20 không nằm ở chủ trương mà ở các chi tiết của nó khi áp dụng thực tiễn với cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Tài chính đưa ra một chính sách thuế hợp lý phải góp phần giảm nhẹ chi phí vốn của doanh nghiệp, sao cho các quyết định đầu tư hiệu quả của họ không bị ảnh hưởng, họ an tâm sản xuất kinh doanh thay vì gửi đơn khiếu nại, kiến nghị khắp nơi. Đặt ra các mức trần lãi suất nhưng nếu không có những chính sách làm giảm gánh nặng thuế thì e rằng kết quả gia tăng nguồn ngân sách Nhà nước và mục tiêu của các chính sách thuế đặt ra như trên khó mà đạt được như mong muốn”, một chuyên gia ngành thuế nhấn mạnh.

Reatimes trình bày vướng mắc của doanh nghiệp trong loạt bài trước đó về câu chuyện hồi tố, hoàn thuế cho doanh nghiệp bởi những bất cập tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 về áp trần thuế với giao dịch liên kết. Trong diễn biến mới nhất, Chính Bộ Tư pháp đã khẳng định: “Chỉ có ý kiến về mặt pháp lý về nội dung liên quan đến quy định hồi tố tại mục 2.5. “Về việc quy định cho phép hồi tố” ở trang 4 Dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP"; “Nội dung sửa thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu nêu trong báo cáo…”. Điều đó cho thấy rằng, việc hồi tố có thể làm ngay bằng cách đưa ra việc sửa đổi và các văn bản hướng dẫn hồi tố, hoàn thuế.

Bản chất, các doanh nghiệp không đòi hỏi được trả lại tiền thuế ngay lập tức. Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao trong thời điểm này, có cơ chế, môi trường và điều kiện cho họ hoạt động thuận lợi nhất. Bộ Tài chính dường như đã muốn hiểu sai lệch đi vấn đề này. Trước bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lao đao, phải hoạt động cầm chừng. Và một khi họ bị loại khỏi cuộc chơi thì chuyện nộp thuế ít hay nhiều có lẽ không còn nhiều ý nghĩa. Khi đó, việc thất thu ngân sách là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Bản chất, các doanh nghiệp không đòi hỏi được trả lại tiền thuế ngay lập tức (Ảnh: Internet)

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ ủng hộ doanh nghiệp phát triển và nêu rõ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, dường như những thông điệp trên vẫn chưa xuống tới các sở ngành của Bộ Tài chính, chưa thực sự “chạm” đến doanh nghiệp. Điển hình thấy rõ là một Nghị định phải đợi đến 3 năm, đợi Thủ tướng “nhắc nhở 3 lần”, công văn của Bộ Tư pháp phản hồi đến 2 văn bản mà Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.

Giới chuyên gia cho rằng, có những việc có thể làm ngay lúc này là cho phép hồi tố, hoàn thuế cho doanh nghiệp, trừ dần trong những kì nộp thuế tiếp theo. Nếu cho phép hoàn thuế thì sau khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, doanh nghiệp tăng thêm được tiền vốn sản xuất, hàng ngàn người lao động có thể thêm được việc làm, tăng thêm đồng lương.

Hơn nữa, trong giai đoạn hiện tại, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt với các bộ, ngành để kịp thời xử lý, sửa đổi chính sách khi doanh nghiệp phản ánh. Dưới sức ép của kênh thông tin truyền thông, hy vọng những sai sót tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 sẽ được sửa chữa kịp thời để quy định thực sự bình đẳng trong cách hiểu và cách áp dụng vào thực tiễn.

Quy trình bồi hoàn cho doanh nghiệp thế nào?

Theo một chuyên gia tư vấn về thuế phân tích, trên toàn xã hội, vay và cho vay của các bên liên kết đã tiết kiệm được đáng kể chi phí xã hội: Chi phí thẩm định khả năng vay và trả nợ, chi phí theo dõi giám sát quản lý khoản vay nợ, chi phí lãi suất vay ...

Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 thì chi phí lãi vay của doanh nghiệp được trừ theo Nghị định này là chi phí lãi vay bao gồm cả lãi vay do giao dịch độc lập và giao dịch liên kết.

Giả sử lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp là 100. Trong đó lãi vay độc lập 90 (Ngân hàng); Lãi vay trong giao dịch liên kết 10; Lợi nhuận thuần: 20; Khấu hao: 20. Thì chi phí lãi vay chỉ được cơ quan thuế chấp nhận: 20% X (20+100+20)= 28. Như vậy chi phí lãi vay không được chấp nhận của riêng giao dịch độc lập: 100-28= 72.

Đây là điều rất vô lý và chưa có đủ căn cứ pháp lý vì theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành: Chi phí lãi vay ngân hàng (đối với doanh nghiệp này) là giao dịch độc lập, khoản chi phí này được luật thuế TNDN chấp nhận là chi phí được khấu trừ. Theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy định quy phạm pháp luật, điều 156, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: "2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn'', theo đó với giao dịch vay độc lập thì chi phí lãi vay độc lập này vẫn phải được chấp nhận khấu trừ bình thường theo luật thuế TNDN đã ban hành trước và đang có hiệu lực.

Trường hợp này sẽ còn vô lý hơn nếu đặt vào một doanh nghiệp thương mại thuần túy (có khấu hao rất thấp/lãi vay lớn). Giả sử họ vướng vào một giao dịch với bên liên kết là sẽ bị trừ thuế rất nặng. 

"Người làm chính sách bớt đi được một dòng đòi kê khai, là doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí". (Ảnh: Internet)

Theo một vị chuyên gia, chỉ cần người làm chính sách bớt đi được một dòng đòi kê khai, là doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vị này cũng cho hay, với những chính sách thuế từ quốc tế và thực tiễn tư vấn các trường hợp doanh nghiệp kiến nghị hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thì việc hoàn thuế từ sai sót của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 có thể thực hiện theo những cách thức:

Khấu trừ sang kỳ tiếp theo. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Panama... không cho phép hoàn thuế bằng tiền mà chỉ cho phép chuyển sang bù trừ ở các kỳ tiếp theo. Kỳ chuyển có thể từ 30 ngày đến hơn một năm.

Một số nước hoàn thuế bằng cách đưa ra quy định cho phép dùng để bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, cũng có quốc gia cho phép được bù trừ vào các nghĩa vụ thuế chưa đến hạn phải nộp. Một số quốc gia (các nước thuộc Liên Xô cũ) cho phép được bù trừ vào các khoản nợ ngân sách khác. Việc bù trừ này có thể được quy định trong luật hoặc theo quyết định của cơ quan thuế. Ngoài ra, tại Kenya, yêu cầu hoàn thuế khi được một công ty kiểm toán độc lập có đăng ký hành nghề xác nhận.

Theo các doanh nghiệp, chi phí đi vay là chi phí thực và chính đáng, phải được tính đúng, tính đủ để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất cần phải được hồi tố, tức là doanh nghiệp được phép hoàn thuế hoặc khấu trừ các khoản thuế đã nộp chưa chính xác hoặc bị “treo” từ năm 2017 đến 2019.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chia sẻ: "Bãi bỏ hay sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP của đất nước tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top