Aa

Thay đổi hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam: Sớm tạo tác động lan tỏa

Thứ Sáu, 20/03/2020 - 06:20

Cả 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chọn để chuyển đổi hình thức đầu tư công đều có tính cấp bách, đảm bảo sự kết nối liên tục và sớm lan tỏa động lực cho nền kinh tế.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giấy góp phần giúp khu Đông Thành phố phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Đức Thanh

Tính hợp lý cao

Theo tin của Báo Đầu tư, dự kiến trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tổ chức các cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó, trọng tâm là việc chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công.

Trước đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ vào cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, các dự án đó là đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99km); đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63,4km); đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43,2km). Tổng mức đầu tư 3 dự án 20.500 tỷ đồng.

Theo phương án do Bộ GTVT đề xuất, Nhà nước sẽ bỏ vốn để đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên, khi hoàn thành sẽ tiến hành chuyển nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn.

Như vậy, nếu đề xuất nói trên được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi, Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có 6/11 dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công. Các dự án đang được Bộ GTVT triển khai theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ (Ninh Bình) - Mai Sơn (Thanh Hóa); Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 hiện đều đã được Bộ GTVT tiến hành khởi công xây dựng.

Đối với 5 dự án PPP còn lại, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước như yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về việc thông qua chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Phần ngân sách thiếu hụt do 3 dự án PPP tiến hành chuyển đổi sang đầu tư công để tiếp tục thực hiện 5 dự án PPP ước khoảng 20.000 tỷ đồng. Con số này còn có thể giảm bớt nhờ vào chi phí tiết kiệm sau đấu thầu cạnh tranh lựa chọn nhà thầu xây lắp tại 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công.

GS. TS. Bùi Xuân Cậy, nguyên giảng viên Trường Đại học GTVT đánh giá, sự lựa chọn này của Thủ tướng Chính phủ có tính hợp lý cao. Trong trường hợp 3 dự án này hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm 2022, trên tuyến cao tốc Bắc Nam, phía Đông có 2 đoạn cao tốc liền mạch từ Hà Nội đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài hơn 200km và từ Tiền Giang tới Nha Trang dài hơn 250km.

Ẩn số dự án PPP

Mặc dù đang bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án PPP thành phần, nhưng khả năng tìm ra nhà đầu tư vẫn là một ẩn số khó lường, thậm chí là không cao.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (AVINA), vướng mắc lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn chính là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tại 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, nhu cầu vốn tín dụng là 63.716 tỷ đồng cho các khoản vay kéo dài từ 18 - 20 năm. Trong các hồ sơ dự sơ tuyển, các liên danh nhà đầu tư đều đã xuất trình thư cam kết cung cấp tín dụng của ngân hàng theo mẫu của hồ sơ mời thầu. Mặc dù vậy, theo chia sẻ của một nhà đầu tư BOT có kinh nghiệm, từ thư cam kết đến việc ký được hợp đồng tín dụng chính thức và giải ngân được dòng vốn này là một khoảng cách rất xa, nhất là khi các phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án chỉ thực sự được làm rõ trên cơ sở hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư với những thông tin nền từ hồ sơ mời thầu.

“Việc huy động tín dụng của nhà đầu tư trong nước chủ yếu từ tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn, khi theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40%”, ông Trần Chủng, Chủ tịch AVINA cho biết.

Ngay cả khi đã lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2020, thì cũng chưa thể khẳng định là sẽ triển khai thi công trong năm 2021. Đó là chưa kể, trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận được dự án, nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng thì sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Ngoài việc phải tái đấu thầu, rất nhiều hệ lụy của việc đổ vỡ hợp đồng là chưa thể định lượng được.

“Trong tình huống này, việc chuyển đổi đầu tư 3 dự án PPP sang đầu tư công là lối ra duy nhất để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2022”, một chuyên gia đánh giá.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, do hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam có điều khoản miễn trừ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc hủy sơ tuyển 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải sớm hoàn tất báo cáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội thông qua chủ trương thay đổi này. Trong trường hợp được Quốc hội thống nhất điều chỉnh Nghị quyết số 52/2017/QH14, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hủy kết quả sơ tuyển, điều chỉnh dự án, phân chia các gói thầu xây lắp và xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Kinh nghiệm cho thấy, lộ trình khá phức tạp này cần tối thiểu 5 tháng để có thể khởi công xây dựng 3 dự án chuyển đổi, tức là vào cuối tháng 12/2020.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để có thể khởi công các dự án sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 với nội dung chủ yếu: giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km; tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách); phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, với 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top