“Bong bóng” bất động sản chưa căng
Thời gian gần đây, những từ khóa “nóng sốt cục bộ”, “giá nhà đất tăng phi mã”… liên tục được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông tạo cảm giác thị trường xuất hiện “bong bóng”, nhưng thực tế không hẳn nóng như vậy.
Thị trường địa ốc đang trong giai đoạn “sai nhịp phách” khi diễn biến thực tế và các chỉ báo đầu tư đôi lúc “lệch pha”. Cùng với đó, có không ít khu vực ghi nhận mức tăng nóng về giá, song cũng có không ít khu vực tăng giá “chỉ diễn ra ở miệng sales”, trong khi thực tế nhà đầu tư không thể thoát hàng.
Thông tin từ chuyên trang bất động sản Chợ Tốt Nhà cho thấy, khoảng một tháng trước thời điểm Từ Sơn (Bắc Ninh) trở thành thành phố từ đầu tháng 11/2021, nguồn cung đất nền và nhà liền thổ khu vực này bất ngờ tăng vọt, lần lượt là 73% và 41%, cho thấy “độ nhạy” trong việc đón đầu thông tin.
So sánh giữa 2 loại hình bất động sản này thì nhà ở dù im ắng trong thời điểm Tết 2022 (gồm cả Tết Dương lịch và Âm lịch) khi nguồn cầu chỉ nhỉnh hơn một nửa so với đất nền, nhưng lại bắt nhịp tốt xu hướng chung của thị trường về tăng trưởng nguồn cung sau Tết và liên tục lập đỉnh mới, thậm chí còn vượt đỉnh sau khi Từ Sơn chính thức trở thành thành phố.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vốn FDI tích cực chảy vào thị trường bất động sản công nghiệp phía Nam
Nếu như trong năm 2021, thị trường bất động sản ghi nhận lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc thì bước sang quý đầu năm 2022, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh thành phía Nam.
Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills vừa công bố Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam quý I/2022. Theo đó, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Cụ thể, tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, với hơn 322 dự án mới gia nhập thị trường. Công nghiệp và chế tạo vẫn là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh với con số của năm 2021, thị phần vốn FDI của ngành giữ ở mức ổn định, đạt 60% trong ba tháng đầu năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Những “vùng mờ” trong bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam
Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, vì lẽ đó mà mỗi tấc đất đều in đậm những dấu tích lịch sử của ngàn xưa. Những dấu tích ấy không chỉ có giá trị về văn hóa, tinh thần, vật chất mà còn có giá trị về kiến trúc đặc biệt. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và phát triển ngày càng sâu sắc, số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn.
Tại Talkshow: “Ứng xử với di sản kiến trúc: Từ tham chiếu quốc tế nhìn về Việt Nam” diễn ra vào ngày 23/4 do Midnight Talks tổ chức, TS. KTS. Tô Kiên, Quy hoạch sư Cao cấp kiêm Quản lý Ban Quốc tế, Tập đoàn EJEC chia sẻ, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Dù là quốc gia giàu hay nghèo cũng phải đối mặt với thách thức ngân sách eo hẹp cho bảo tồn và trùng tu di sản, trong khi áp lực từ kinh tế thị trường, đô thị hóa ảnh hưởng đến sự tồn vòng của di sản.
TS. KTS. Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho hay, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, vấn đề xoay quanh các di sản kiến trúc đang rất “nóng”, đã có rất nhiều công trình kiến trúc cổ bị đe dọa, bị phá bỏ và xây thành các dự án. Hơn nữa, có nhiều công trình kiến trúc truyền thống như làng cổ, đình, chùa,… có thể được coi là di sản nhưng lại vô tình bị biến dạng, mất đi cái gốc ban đầu.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tháo gỡ nút thắt pháp lý, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới sẵn sàng trở lại “đường đua“
Cùng với đà phục hồi nền kinh tế gắn với thành công của chiến lược phủ rộng vắc-xin chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, hiện nay phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã và đang từng bước phục hồi trên cả nước, cả về nguồn cung, cầu và giá cả.
Từ năm 2015 đến nay, trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện tới 7 loại hình sản phẩm (như condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay…), với các mô hình đầu tư, kinh doanh khác nhau, không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh, giải quyết việc làm và đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, động lực quan trọng tăng trưởng của thị trường nói chung và các địa phương nói riêng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá bất động sản tăng cao nhưng thanh khoản thấp, nhà đầu tư khó ra hàng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán ở một số loại hình bất động sản tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, giá bất động sản tại các địa phương này đang theo chiều hướng tăng đều. Đặc biệt, giá giao dịch trong tháng 3 tăng khá cao so với tháng 2.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3 cũng tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng căn hộ chung cư cho thuê tại TP. Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.