Aa

Bất động sản 24h: Cẩn trọng sóng đất nền theo tin dự án

Thứ Tư, 19/02/2020 - 10:30

Cẩn trọng sóng đất nền theo tin dự án; "Giấy khai sinh" không quyết định sự tồn vong của condotel... là một số tin tức nổi bật trên thị trường 24h qua.

Cẩn trọng sóng đất nền theo tin dự án

Mặc dù thị trường bất động sản khá im ắng và phần lớn môi giới ngồi chơi xơi nước “chờ” COVID-19 qua đi, nhưng nhiều nơi, tin các Tập đoàn đầu tư lớn vẫn khơi dậy “cơn sóng” nguồn cung đất nền.

Tại Bà Rịa Vũng Tàu, thị trường đất nền đã có những sóng ngầm cục bộ ở một số địa phương vùng huyện năm 2019, tiếp tục đang được “thổi nhiệt” bởi tin một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch chi tiết đầu tư dự án.

Hàng loạt nhà đầu tư cá nhân theo đó đã được truyền tay nhau văn bản chấp thuận chưa thể xác nhận tính xác thực, và trao đổi rôm rả với nhau cũng như lên kế hoạch đón đầu sóng mới.

Tuy nhiên, việc ăn theo tin các dự án đầu tư để đầu tư đất nền chờ sóng, đặc biệt tại thời điểm hiện nay, theo các chuyên gia là vô cùng rủi ro. Rõ ràng việc chọn ăn theo tin dự án giữa ma trận tin đồn và thông tin đầu tư, thì để sàng lọc nguồn tin cũng như có thời điểm “vào sóng” với nhà đầu tư, chỉ thận trọng là chưa đủ.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

"Giấy khai sinh" không quyết định sự tồn vong của condotel

Chia sẻ của ông Nguyễn Thọ Tuyển, chuyên gia bất động sản, cho rằng, động thái ra văn bản hướng dẫn cấp quyền sử dụng đất và công trình không phải nhà ở (trong đó có sản phẩm condotel) của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều cần thiết, bởi một sản phẩm bất động sản thì cần nằm trong sự điều chỉnh của một loại luật nào đó, cần được thừa nhận và có pháp lý rõ ràng. Từ đó, các hoạt động mua, bán, cho thuê hay thế chấp mới có thể diễn ra hợp pháp. Đó là trách nhiệm của Nhà nước và trước sau gì cũng phải làm.

"Nhưng tôi coi điều trên không đóng vai trò quyết định trong sự tồn vong của dòng bất động sản này. Sự tồn vong của nó hoàn toàn phụ thuộc vào người "cha đẻ" chính là các chủ đầu tư, chứ không phải người cấp "giấy khai sinh" là Nhà nước", ông Tuyển cho biết.

Cũng theo ông Tuyển, Đã đến thời điểm các chủ đầu tư nên trả condotel về với giá trị thực của nó, đừng tăng giá, đừng cam kết gì nữa. Hãy tập trung vào khai thác quần thể nghỉ dưỡng của mình thật hiệu quả, qua đó gia tăng lợi nhuận cho khách hàng. Đây là một loại hình sản phẩm hay, đừng để nó chết yểu khi chưa kịp khai sinh như vậy!

Xem chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản Hà Nội trông chờ việc “cởi trói” các dự án

Riêng tại Hà Nội, một trong hai thị trường bất động sản lớn của Việt Nam, số dự án “đắp chiếu”, chưa thể thu hồi, hoặc chưa có phương án giải quyết cũng đã lên tới hàng trăm. Ngày 4/12/2019, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP. Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Quốc Hùng đã cho hay, Hà Nội có tổng số 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai, chủ yếu vốn ngoài ngân sách; Thành phố đã thu hồi 28 dự án không triển khai với tổng diện tích hơn 1.700ha; 24 dự án có tổng diện tích 35,8ha chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng được Thành phố đưa vào xem xét gia hạn 24 tháng, sau thời gian trên nếu không được thực hiện sẽ bị thu hồi theo quy định.

Bên cạnh đó, 83 dự án với tổng diện tích 273ha đã rà soát và đưa ra khỏi danh sách bởi sau khi phối hợp đôn đốc các chủ đầu tư dự án đã đưa vào triển khai; 39 dự án với tổng diện tích 34ha chậm triển khai có vi phạm pháp luật về đất đai đã yêu cầu tổ chức khắc phục; 44 dự án đang trong quá trình thực hiện vướng về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã tập trung đôn đốc tháo gỡ; 54 dự án với tổng diện tích 1.305ha Thành phố đã có quyết định giao đất nhưng chậm GPMB, TP đã rà soát và tháo gỡ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc rà soát, thanh tra, thu hồi dự án sai phạm, ôm đất nhiều năm rồi bỏ hoang chậm trễ triển khai là cần thiết. Nhưng Hà Nội cũng cần đưa ra phương án giải quyết sau khi thu hồi hoặc hủy bỏ những dự án này, tránh thu hồi xong lại tiếp tục để hoang nhiều năm không sử dụng gây lãng phí tài nguyên đất… Không chỉ gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội mà những dự án “đắp chiếu” còn tạo ra sự bất tín, mất niềm tin của khách hàng vào thị trường. Và đây cũng là nguyên nhân chính gây thiếu hụt nguồn cung nhà ở trong thời gian qua.

Xem chi tiết tại đây

Phòng công chứng huyện Nhơn Trạch luôn trong tình trạng đông kín người. Ảnh: Hạ Vy/CafeF

Sau Tết, nhà đầu tư quay lại "săn" đất Nhơn Trạch, thị trường sôi động trở lại

Ghi nhận mới nhất tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) sau thời điểm Tết Nguyên đán cho thấy, tình hình giao dịch đất đai sôi động trở lại. Theo ghi nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Nhơn Trạch, số lượng giao dịch về đất đai tăng đột biến. 8h sáng tại đây, các nhân viên giải quyết hồ sơ đất đai đều trong tình trạng làm việc hết công suất.

Theo báo cáo của UBND huyện Nhơn Trạch, khoảng 2 tháng trở về trước (trước Tết) trung bình mỗi ngày huyện tiếp nhận khoảng 300 lượt hồ sơ, trong đó khoảng 200 hồ sơ liên quan đến đất đai nhưng hiện nay số lượng này đã tăng lên gấp đôi, tức giao dịch đất đai mỗi ngày tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện khoảng 400-500 hồ sơ.

Ghi nhận cho thấy, hiện tại không chỉ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện mà nhiều văn phòng công chứng trên địa bàn huyện cũng trong tinh trạng kín người vào mỗi ngày.

Xem chi tiết tại đây

VNREA tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

Sáng 18/2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hội nghị để lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2020.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest chia sẻ: "Trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất là sửa luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại TP.HCM thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. Nếu như được kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị sửa Luật Đất đai. Bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành, có dự án phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC chia sẻ, trong quá trình hoạt động, FLC nhận thấy những khó khăn liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

"Về pháp lý, có luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.

Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp..."

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top