Chuyên gia Savills: Năm 2017, nhà ở giá rẻ sẽ lên ngôi
Năm 2016 tiếp nối bước chuyển của thị trường từ cuối 2014, tiếp tục ghi nhận hoạt động nổi bật của các thị trường căn hộ nói chung, nhà ở thương mại giá rẻ nói riêng ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, thị trường năm 2016 cũng chứng kiến sự sôi động của thị trường căn hộ khách sạn (condotel) tại Đà Nẵng, Nha Trang, cũng như thị trường văn phòng TP.HCM.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến sự sôi động của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), sự tiếp tục phát triển mở rộng của bất động sản công nghiệp, hay sức hút của loại hình nhà phố thương mại (shophouse).
Cụ thể, năm 2016, thị trường căn hộ tại 2 thành phố lớn tiếp tục ghi nhận lượng cung hàng tăng, số lượng hàng bán được tuy có thấp hơn so với 2015, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó và thậm chí là hơn cả thời điểm được cho là hoàng kim của chu kỳ bất động sản trước đây.
Số lượng căn hộ mở bán trong năm 2016 của Hà Nội và TP.HCM đều đạt khoảng 30.000 căn mỗi thành phố, trong khi số lượng căn bán được mỗi thành phố đạt khoảng trên 23.000 căn. Trong đó, nguồn cung căn hộ hạng B và hạng C vẫn chiếm tỷ trọng chính của cả hai thị trường, khác so với trước đây là nghiêng về phân khúc căn hộ hạng A. Riêng phân khúc căn hộ hạng A thị trường Hà Nội khi bước vào chu kỳ bất động sản mới có tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 2% tăng lên 9% thị phần trong năm 2016.
Xem chi tiết tại đây.
Thị phần căn hộ Sài Gòn: Novaland thống lĩnh, Hưng Thịnh Land vươn lên bất ngờ
Tại thị trường TP. HCM, trong năm 2016 cũng chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của một số ông lớn địa ốc như Vingroup, Novaland và một số đại gia bứt lên như Đất Xanh, Hưng Thịnh,...
Tính đến cuối năm nay, những con số sơ bộ về giao dịch căn hộ trên thị trường Tp.HCM, cho thấy 2016 vẫn là năm gặt hái được nhiều thành công của các chủ đầu tư địa ốc khi lượng căn hộ được bán ra đạt mức cao ngang với năm 2015.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP. HCM, các dự án đủ điều kiện mở bán cung cấp ra thị trường khoảng trên 21.000 căn, trong đó số lượng giao dịch thành công khoảng 15000 căn.
Tuy nhiên, thực tế từ các sàn địa ốc, các chủ đầu tư dự án cho thấy lượng giao dịch thành công cao hơn nhiều con số trên. Bởi nếu tính theo các đơn vị này thì lượng giao dịch tính cả các dự án mới cho đăng ký mua, người mua nhà đặt cọc giữ chỗ.
Novaland vẫn cho thấy họ là đơn vị chiếm lĩnh thị phần căn hộ trung và cao cấp trên thị trường khi tung ra hàng loạt dự án. Trong năm 2015, giao dịch thành công của Novaland đạt gần 7000 căn hộ (gồm cả 1000 căn office-tel), năm 2016 tập đoàn này vẫn giữ được đà tăng trưởng với lượng giao dịch ước chừng khoảng 8000 căn, tăng khoảng 15% so với năm ngoái.
Xem chi tiết tại đây.
Điểm mặt những sự kiện BĐS "độc,"lạ" 2016
Chủ đầu tư căng băng rôn khuyên khách hàng đừng mua nhà; Chung cư bị siết nợ, người dân có nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà; "Siêu dự án” phải dừng thi công vì không có đường; Hy hữu chuyện bán nhà nhưng không bán tường và cầu thang... là những sự kiện hiếm thấy trên thị trường bất động sản từ trước đến nay.
Xem chi tiết tại đây.
Nét riêng của thị trường BĐS TP. HCM
Kết thúc năm 2016, Sở Xây dựng TP. HCM đã chấp thuận đủ điều kiện huy động vốn cho thêm 57 dự án, trong đó, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp (chiếm 20,3%); gần 15.000 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp (60,3%) và hơn 3.000 căn hộ thuộc phân khúc bình dân ( 21,6%).
Khi phân tích những số liệu trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, nếu so sánh với năm 2014 (các doanh nghiệp địa ốc tại TP. HCM cung cấp 14.522 căn hộ) và năm 2015 (25.562 căn hộ), thì lượng cung của năm 2016 với hơn 23.000 căn hộ cho thấy, thị trường địa ốc đã có dấu hiệu chững lại.
Song song với số lượng căn hộ, giá giao dịch cũng xuất hiện tình trạng tương tự và có sự chuyển hướng khá rõ nét vào phân khúc tầm trung. Số liệu của HoREA cho thấy, năm 2014, căn hộ giá cao chiếm 45%, giá trung bình chiếm 28% và giá thấp chiếm 27%; Các chỉ số tương ứng trong năm 2015 là 40%, 35% và 25%, nhưng sang năm 2016, căn hộ giá cao giảm đi 14%, và giá thấp giảm 7% đã khiến sản phẩm phân khúc trung bình lên mức 49%
“Việc nhà nước thống nhất được hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh thị trường bất động sản đã có nhiều tiến bộ, tạo một hành lang pháp lý minh bạch khiến cho thị trường thông thoáng hơn, cạnh tranh giữa các nhà đầu tư bình đẳng hơn đã tạo ra nét riêng cho thị trường bất động sản TP. HCM. Vì lẽ đó, việc thị trường Thành phố có chỉ số phát triển chậm hơn năm 2015 cho thấy, đây là khoảng dừng của các nhà đầu tư trước khi chuyển hướng”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Xem chi tiết tại đây.
CBRE Việt Nam dự báo giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng trong 3 năm tới
Theo nhận định của ông Marc Townsned - Tổng giám đốc công ty CBRE Việt Nam tại buổi họp báo công bố thị trường BĐS TP. HCM quý 4/2016, trong giai đoạn từ nay đến 2019 thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng với nguồn cung khá lớn.
Tuy nhiên, thị trường sẽ không đối diện với hiện tượng giá nhà đất giảm, ngược lại sẽ tăng ở mức được dự báo gần 10%.
Theo báo cáo của CBRE, năm 2016 kết thúc với một quý 4/2016 khá bận rộn và đầy sôi động khi lượng giao dịch tăng mạnh. Theo đó, thị trường ghi nhận 9.145 căn hộ được mở bán trong 28 dự án trên toàn thành phố, trong đó có 18 dự án mới. Tổng số căn hộ mới mở bán trong năm 2016 đạt 37.419 căn, giảm 10% so với năm 2015.
Theo ông Marc, thị trường địa ốc TP.HCM đang tự điều chỉnh để tiến tới điểm cân bằng, chào đón một tỷ lệ lớn hơn ở phân khúc trung cấp (48% năm 2016 so với 40% năm 2015) và một tỷ lệ thấp hơn ở phân khúc cao cấp (30% năm 2016 so với 38% trong năm 2015).
Thị trường đang có xu hướng mở rộng về phía Đông và Nam. Khu Đông đã vượt qua khu Nam để trở thành tâm điểm nhờ sự cải thiên hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm: tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, xa hộ Hà Nội mở rộng, đường cao tốc trên cao... và đặc biệt là dự án sân bay Long Thành đang tạo cơn sốt mới trên thị trường.
Xem chi tiết tại đây.