Chưa có "thuốc đặc trị", sốt đất vẫn âm ỉ chờ dịp bung
Trong lúc thị trường bất động sản đang chững lại, sốt đất ảo vẫn âm ỉ rồi bùng lên ở một số địa phương. Đặc biệt, mỗi khi có dự án hạ tầng được “bấm nút” thông qua sẽ kéo theo lực lượng “cò” đất đông đảo, gây nên tình trạng hỗn loạn.
Những ngày qua, nhiều khu vực quanh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dù chưa xác định thời hạn khởi công nhưng giá đất đã bị lực lượng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay đẩy giá lên. Tình hình diễn biến phức tạp tới mức các cơ quan địa phương phải lên tiếng cảnh báo.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, dù dự án chưa triển khai nhưng đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) đang có dấu hiệu bị “thổi giá”.
Các môi giới trong khu vực cũng tiết lộ, từ khi có thông tin quy hoạch cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm 2021, người dân địa phương rao bán đất rất nhiều.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Mua chung cư thời "bão" giá như "mò kim đáy bể"
Rẽ hướng sang mua căn hộ cũ khi nguồn cung sơ cấp khan hiếm và đắt đỏ, nhưng giấc mộng an cư của nhiều người vẫn còn bỏ ngỏ trước thực tế giá căn hộ cũ cũng đang không ngừng leo thang dù chất lượng đã xuống cấp.
Theo báo cáo "Tiêu điểm thị trường bất động sản" của CBRE Việt Nam công bố, nửa đầu năm 2022 có khoảng 8.200 căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội (tăng 3% so với năm 2021). Tuy nhiên trong số đó, căn hộ cao cấp chiếm 55% tổng nguồn cung mới, còn phân khúc căn hộ bình dân lại trở nên khan hiếm hơn. Riêng trong quý II/2022, chỉ có 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28%, nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung mới khan hiếm, trong khi đó giá thành tăng liên tục và trở nên cao ngoài tầm với của đa phần người dân có mức thu nhập trung bình.
Từ hơn một năm nay, vợ chồng chị Phạm Thị Thu (quê Thái Bình, hiện đang sinh sống và làm việc ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cất công khảo sát nhiều nơi để tìm mua một căn hộ chung cư sơ cấp với mức giá vừa tầm khoảng 2 tỷ đồng. Vợ chồng chị dự tính chỉ có thể trả trước một nửa, còn một nửa sẽ vay ngân hàng. Do đó, không thể mua các căn hộ có giá quá cao, bởi khi đó lãi suất ngân hàng phải trả hàng tháng cũng sẽ bị “đội” lên theo.
“Nếu như ngày trước vay ngân hàng lãi suất khoảng 8 - 10%/năm thôi thì bây giờ có ngân hàng đã lên tới 12 - 13%/ năm. Hơn nữa bây giờ cũng khó vay lắm. Mấy tháng gần đây mình đi hỏi thấy ngân hàng nào cũng ra điều kiện cho vay khó hơn, mà lãi suất lại cao”, chị Thu cho hay.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải pháp nào ngăn chặn tiêu cực đấu giá mua rẻ đất đai, tài sản của Nhà nước?
Hình thức đấu giá truyền thống bộc lộ nhiều bất cập hạn chế, đòi hỏi phải thay thế bằng hình thức mới - đấu giá online.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các thông tin về đấu giá, phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, nhiều cá nhân, các doanh nghiệp có nhu cầu thực lại rất khó tiếp cận với nguồn thông tin chính thống để tham gia các cuộc đấu giá. Điều này dẫn đến việc không ít các cuộc đấu giá với giá trị tài sản lớn nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia, hoặc các cá nhân, doanh nghiệp thực sự có năng lực không có cơ hội tham gia vào các cuộc đấu giá đất này.
Điển hình như vụ đấu giá 375 lô đất tại mặt bằng 3241 (phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa) đầy tai tiếng cách khoảng 3 năm về trước tại Thanh Hóa. Qua kiểm tra, những vi phạm liên quan trong quá trình đấu giá mặt bằng này được cơ quan chức năng chỉ rõ như: Đơn vị tổ chức đấu giá không cập nhật thông tin đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử TP. Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản khu đô thị Phú Quốc - “món mới” của nhà đầu tư
Bên cạnh rót tiền vào các bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng săn đón sản phẩm tại các khu đô thị mới của Phú Quốc. Giới chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn đột phá trong thời gian tới.
Các nhà đô thị học dự báo, thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị, với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị, và đó cũng là tương lai của nhân loại. Tại Việt Nam, bên cạnh những đô thị lâu năm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thì đến nay, các địa phương khác cũng chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng những khu đô thị quy mô, đặc biệt xu hướng này bắt đầu định hình tại các thành phố mới, thị trường mới nổi.
Điển hình trong số đó có thể kể đến Phú Quốc, “thành phố biển đảo” đầu tiên của nước ta, nơi hội tụ những yếu tố cần thiết để kiến tạo một “khu đô thị đảo”. Mà theo phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, An Thới là 1 trong 3 khu đô thị trọng điểm của đảo.
Bức tranh tăng trưởng của Phú Quốc cho thấy, GDP trung bình của Phú Quốc từ 2010 - 2019 là 38%/năm, cao hơn 6 lần GDP cả nước. Nơi đây cũng là điểm đến của hàng loạt tập đoàn khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới như Marriott, IHG, Accor, Wyndham… cho tới các ông lớn bất động sản như Vingroup, Sun Group, MIK Group, Tân Á Đại Thành…
Bên cạnh đó, là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, được quy hoạch để phát triển thành trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học của quốc gia cũng như khu vực Đông Nam Á, Phú Quốc đang sở hữu rất nhiều lợi thế tăng trưởng kinh tế và được kỳ vọng sẽ trỗi dậy để trở thành Singapore thứ hai của châu Á.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá bất động sản còn tăng, điều gì sẽ xảy ra với thị trường?
Theo chuyên gia, giá nhà sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Tuy nhiên, thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn.
Từ trước tới nay, vàng, chứng khoán và bất động sản vốn là kênh đầu tư phổ biến của đại chúng. Trong đó, bất động sản được xem là kênh đầu tư an toàn và đem lại tỷ suất lợi nhuận cao. Giai đoạn 2020 - 2021, dù dịch bệnh xảy ra tác động không nhỏ tới nền kinh tế nhưng nhiều người có sẵn tiền đều đổ vào bất động sản, khiến sốt đất cục bộ xảy ra.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022, tình trạng “lãi trên giấy” xuất hiện trên thị trường khi giá bất động sản vẫn tăng nhưng khó bán. Chuyên gia cho rằng, thời gian tới bất động sản vẫn khó giảm giá, dù thị trường đang chững lại.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nguồn cung sẽ không nhiều. Nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20 - 30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng...