Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương. Giá đất tăng tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí, còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện tượng đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Cơn sốt đất tại Bắc Giang khiến không ít các nhà đầu tư không khỏi bàng hoàng. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất Bắc Giang "nhảy múa" đến chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Đơn cử như giá đất khu vực Yên Sơn (Lục Nam) được nâng lên theo từng ngày, có nơi giá đất tại đây chạm tới 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động từ 20-30 triệu đồng/m2.
Hay như tại huyện Yên Dũng, nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất tại xã Nội Hoàng ở mức khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý là tại khu vực huyện Việt Yên, giá nhà đất ở mức trung bình từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản
Các chính sách tài chính về đất đai xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, ban đầu là những nội dung tương đối đơn giản, tập trung chủ yếu vào các vấn đề quản lý Nhà nước đối với đất đai được quy định tại Pháp lệnh về thuế nhà, đất năm 1992. Sau đó, Luật Đất đai năm 1993 ra đời, tiếp theo là Luật Đất đai 2003 cùng với các văn bản pháp luật về thuế đã quy định một cách rõ ràng, chi tiết hơn về những chính sách tài chính đối với đất đai như vấn đề về giá đất, các quy định về thuế liên quan đến đất đai, tiền sử dụng đất, phí và lệ phí liên quan đến đất đai. Luật Đất đai năm 2013 hiện hành đã tiếp cận đầy đủ về vấn đề tài chính đất đai như việc bổ sung một số nội dung về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quy định về nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất và quy định về phát triển quỹ đất.
Với mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, trong đó có mục tiêu: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số”.
Trong lĩnh vực đất đai, Đảng ta xác định: “Thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được hoàn thiện và hoạt động bền vững hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt. Các tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường đã hình thành và đi vào hoạt động ổn định, gồm: Hệ thống sàn giao dịch bất động sản, tư vấn, quản lý bất động sản, các tổ chức tài chính, tín dụng, các hội nghề nghiệp”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá thuê bất động sản công nghiệp leo thang: Có sốt ảo?
Báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản ghi nhận, giá thuê bất động sản công nghiệp tại thị trường phía Bắc và phía Nam đều gia tăng nhanh chóng.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch và biến động của nền kinh tế, giá thuê bất động sản công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và các khu vực lân cận của 2 thành phố này gia tăng mạnh.
Báo cáo của Savills Việt Nam từng nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp ở miền Nam và Bắc đang "leo thang".
Cụ thể, theo Savills Việt Nam, ở miền Nam, giá thuê đất trong các KCN năm 2020 đạt 147 USD/m2 tại TP.HCM, 107 USD/m2 tại Bình Dương (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019), 98 USD/m2 tại Đồng Nai (tăng 6,5%), 123 USD/m2 tại Long An (tăng 7,8%) và 65 USD/m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 18,1%).
Trong khi đó, ở phía Bắc, giá thuê tại Hà Nội lên đến 129 USD/m2 (tăng 13,1%), tại Bắc Ninh là 95 USD/m2 (tăng 9,2%), Hưng Yên 83 USD/m2 (tăng 6,4%), Hải Dương là 76 USD/m2 (tăng 15,1%) và Hải Phòng lên tới 96 USD/m2 (tăng 3,2%).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp “ngoại đạo” cũng chuyển hướng đầu tư bất động sản
Mùa đại hội cổ đông năm nay chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp công bố kế hoạch “lấn sân” sang kinh doanh bất động sản. Liệu rằng, thị trường này có thực sự là miếng bánh ngọt dễ ăn cho những nhà đầu tư "ngoại đạo".
Bất động sản vốn được đánh giá là lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận cao, do vậy nhiều doanh nghiệp “ngoại đạo” dù chưa từng kinh doanh địa ốc cũng đã mạnh dạn rót vốn vào dự án nhà ở, bất động sản công nghiệp… Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục nóng lên bởi những kế hoạch chuyển hướng này.
Đầu tiên, là CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) đã thông qua phương án kinh doanh năm 2021, trong đó có việc tiếp tục rót vốn vào bất động sản để đầu tư. Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Haxaco cho biết, công ty đầu tư vào bất động sản biệt thự biển thuộc dự án The Hamptons Hồ Tràm trước hết là vì lợi nhuận, hiện tại lợi nhận mang về cho đơn vị này cũng tầm 10%.
Song, theo người đứng đầu Haxaco, công ty có kế hoạch dài hơi hơn đó là biến bất động sản này thành khu nghỉ dưỡng Mercedes Home, dành cho các khách hàng của Mercedes. “Chúng tôi sẽ bố trí toàn bộ biệt thự mang đậm dấu ấn của Mercedes và Haxaco sẽ dùng biệt thự đó để biến thành một điểm khác biệt so với các đại lý khác”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Vị Tổng giám đốc Haxaco cũng chia sẻ thêm, trong năm 2021, công ty có dự định sẽ mở rộng sang đầu tư bất động sản bởi do ảnh hưởng của dịch thì giá đất hiện tại khá rẻ. Haxaco đã và đang khảo sát loạt dự án đất tại các tỉnh thành cho kế hoach triển khai sắp tới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bộ Tài chính phản hồi đề xuất điều chỉnh thuế với bất động sản
Lĩnh vực bất động sản có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương. Vì vậy, chính sách thuế đối với bất động sản cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để bảo đảm tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản.
Đây là ý kiến được Bộ Tài chính đưa ra chiều 4/5 về vấn đề chỉnh sửa chính sách thuế góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có ý kiến: Muốn giảm giá nhà, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất. Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, cần đánh thuế bất động sản.
Phản hồi lại các quan điểm trên, Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản hiện hành được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác (như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...).
Bộ Tài chính cho rằng, các chính sách thu này đã bao quát đầy đủ quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng bất động sản, từng bước được hoàn thiện, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng BĐS tiết kiệm, hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản, sử dụng lãng phí đất đai.