Cung bất động sản sụt kỷ lục: Giữ cái tốt, loại cái nhiễu loạn
Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2019 là năm Thành phố có tổng nguồn cung giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (tức 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (tức 29,4%), giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Các chuyên gia chỉ ra, nguồn cung sụt giảm không chỉ tác động đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có nhu cầu mua nhà ở thực bởi mặt bằng giá sẽ bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Bên cạnh đó, thị trường sẽ giảm hẳn một lượng môi giới vì không có sản phẩm để bán, xuất hiện bài toán về cân đối nguồn lực.
Chủ đầu tư The Arena bao biện việc thi công khi chưa được cấp giấy phép
Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, thậm chí chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn cho máy móc thi công và rao bán rầm rộ căn hộ nghỉ dưỡng trên các trang bất động sản trong thời gian qua từ 2018 đến nay.
Theo thông tin báo chí đăng tải, dù đã bị đình chỉ thi công nhiều tháng qua, nhưng khi PV có mặt tại dự án The Arena chứng kiến công trường xây dựng nơi đây vẫn thi công suốt ngày đêm. Các loại máy móc vẫn hoạt động náo nhiệt trên công trường, còn công nhân xây dựng ra vào dự án nhộn nhịp.
Trước sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư dự án The Arena Cam Ranh, Công ty CP Trần Thái Cam Ranh cho rằng, dù bị đình chỉ thi công, song hiện chủ đầu tư đang sử dụng giấy phép cũ được cấp từ năm 2013.
Đơn vị này cũng cho biết đã hoàn tất mọi điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, từ tháng 4/2018, UBND và Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đơn phương dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính các dự án, trong đó có dự án The Arena, vì vậy việc điều chỉnh giấy phép xây dựng của Dự án vẫn chưa thể thực hiện được. Về tình huống trớ trêu này, Công ty CP Trần Thái Cam Ranh với tư cách là nạn nhân đã nhiều lần có đơn kêu cứu gửi các cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế tại Giấy phép xây dựng số 17 do Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Dẻ ký thì dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái Cam Ranh tại các lô D14d,TT9,TT3 thuộc Khu 4 Bắc bán đảo Cam Ranh (thị xã Cam Ranh) chỉ được phép xây dựng các hạng mục công trình như: Biệt thực trên nước Maia (5 căn cao 2 tầng); Biệt thự trên đồi loại A (7 căn cao 1 tầng)…, chứ không hề cấp phép cho chủ đầu tư xây 4 tòa nhà cao tầng căn hộ du lịch-Condotel.
Giao đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc: Nhiều bất cập cần được làm rõ
Mới đây, trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn héc-ta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… nhưng để doanh nghiệp xây chùa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất đã có nhiều sai sót.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, các quyết định giao đất không rõ ràng, thông tin là giao đất cho Sở Du lịch nhưng doanh nghiệp tư nhân khác lại hoạt động, xây dựng và đưa vào khai thác quản lý công trình. Như vậy, quyết định giao cho Sở Du lịch có thể sai sót là đánh giá trên mức độ hậu quả không trốn tránh nghĩa vụ tài chính, tuy nhiên, việc doanh nghiệp lại sử dụng đất và xây dựng công trình như vậy là sai và sẽ không có hiệu lực, hậu quả là việc quản lý và sử dụng đất không đúng quy định, thất thoát ngân sách nhà nước.
Người Việt khó mua nhà vì giá đất tăng nhanh
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tốc độ tăng giá bất động sản trong chu kỳ 3 năm sốt đất và một thập niên gần đây.
Theo đó, trong 3 năm cơn sốt đất lan rộng cả nước 2016-2018, người dân không kịp tạo ra dòng tiền tích lũy để mua bất động sản vì tốc độ kiếm tiền quá chậm so với các đợt tăng giá đất. Trong ba năm qua, giá đất tăng thấp nhất 1,5-2 lần và cao nhất 3-4 lần, nếu lấy trung bình là tăng gấp đôi. Trong giai đoạn này, nếu người Việt tiết kiệm và chỉ trông đợi tăng thu nhập để mua nhà đất thì giấc mơ sở hữu bất động sản là không tưởng.
Chuyên gia này đánh giá, đa số người Việt sở hữu được bất động sản giai đoạn 2016-2018 đều ở hình thức chuyển đổi dòng tiền từ kinh doanh, sản xuất, đầu tư tài chính... sang nhà đất. Trường hợp cá biệt, giới đầu cơ bất động sản dễ dàng sở hữu, hoán đổi tài sản trong điều kiện sốt đất nhờ tích lũy dòng tiền nhanh đột biến.
Trái phiếu doanh nghiệp: Chính sách không thể làm thay thị trường
Sự phát triển bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đa phần hướng tới khách hàng cá nhân. Điều đáng nói là đa số các nhà đầu tư cá nhân hiện nay chưa có đủ điều kiện, công cụ, thông tin chính thống để đánh giá được uy tín, năng lực của doanh nghiệp phát hành, về chất lượng tài sản đảm bảo, khả năng sinh lời, khả năng thu hồi vốn. Các nhà đầu tư đang chỉ chú trọng vào lãi suất cao và kỳ vọng vào thời gian thu hồi vốn nhanh chứ chưa để ý nhiều đến chất lượng tài sản đảm bảo. Do đó, khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất thanh khoản, trái phiếu đến hạn không thanh toán được, thì các nhà đầu tư sẽ phải “ăn quả đắng”…
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, trái phiếu doanh nghiệp là một hoạt động đầu tư, mà đã đầu tư thì ắt phải có rủi ro, tất nhiên, những rủi ro này đã được báo trước và kết quả thành hay bại sẽ phụ thuộc vào mức độ khôn ngoan của nhà đầu tư.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, nhà đầu tư cần xác minh thông tin rõ ràng, phải xem xét, lựa chọn, những trường hợp này phát hành diện hẹp, ít người tham gia nên phải tự cân nhắc chứ chính sách không thể nào làm thay thị trường được, nếu có thì cảnh báo dấu hiệu để thận trọng mà thôi.