Đất nền trong cơn "bão giá": Ở đâu tăng "khủng" nhất?
Nhà ở riêng lẻ, đất nền được đánh giá là một trong những phân khúc có sức hút rất mạnh trong năm 2020. Đáng chú ý, nhiều nơi có mức tăng giá rất cao, lên tới vài chục phần trăm trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19.
Tổng kết năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có xu hướng tăng so với năm 2019. Tuy nhiên, biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương.
Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Song Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh.
Cụ thể tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019.
Trong khi đó, các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng giá khoảng 20 - 30% so với năm 2019.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tại TP.HCM, kể từ sau thông tin thành phố này sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đô thị biển - Tiềm năng tạo sức bật cho thị trường 2021
Đô thị biển được hiểu gồm 3 kiểu loại: Đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo/quần đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city), thường được tổ chức thành các chuỗi đô thị và chiếm cứ các mảng không gian tương ứng: Không gian ven biển, không gian đảo/quần đảo và không gian biển.
Gắn với không gian biển, đảo và vùng ven biển nên các đô thị biển có lợi thế về các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đặc sắc, đa dụng (multi-use); về vị trí “cửa ngõ” giao thương đường biển, đường bộ, đường không; có thế mạnh về phát triển đa ngành, đa lĩnh vực kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế biển. Vì thế, mỗi đô thị biển trở thành một “cực phát triển” chủ công, có tác động lan tỏa, có vai trò kiến tạo liên kết vùng trong quá trình phát triển kinh tế biển, đồng thời là các trung tâm tích tụ và điều tiết dân số biển, đảo...
Trên thế giới, khoảng hơn 50% các đô thị lớn đều tập trung ở vùng ven biển; không ít đô thị đảo có bề dày lịch sử và quy mô lớn như: Hawaii, Singapore... Những thập niên gần đây đã xuất hiện các đô thị biển, điển hình như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có 2 công trình đô thị biển nổi tiếng là Palm Jumeirah và Deira Islands ở Dubai. Sân bay Kansai là sân bay đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên đảo nhân tạo ở Nhật Bản. Các đô thị ven biển đã quy tụ gần 50% dân số toàn cầu và trở thành các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội có tầm vóc lớn như: New York, San Diego, Seattle, Hawaii (Mỹ); Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông, Ma Cao, Hạ Môn (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Tokyo, Osaka (Nhật Bản); Bangkok, Pattaya, Phuket (Thái Lan)...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản rục rịch “bung hàng” đầu năm
Ngay từ những ngày đầu năm, giới chuyên gia đã đánh giá cả năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trên đà phục hồi, tăng trưởng trở lại nhờ những tác động tích cực từ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và một số cơ chế chính sách mới được Nhà nước ban hành.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2020, thị trường đã phải hứng chịu nhiều khó khăn, thăng trầm. Mặc dù ảnh hưởng nặng nề nhưng thị trường bất động sản vẫn có điểm sáng đáng kể đó là lực cung. Mặc dù kinh tế suy giảm, cũng ít nhiều làm suy giảm cầu mua nhà và đầu tư nhưng theo dõi trên thị trường, lực cung vẫn mạnh, nhu cầu nhà đầu tư trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn.
Những dự báo tươi sáng về thị trường là đòn bẩy cho các doanh nghiệp tự tin đặt ra kế hoạch lớn trong giai đoạn sắp tới. Theo báo cáo mới nhất của Colliers International Việt Nam, dự kiến trong năm 2021, TP.HCM đón nguồn cung hơn 4.000 căn nhà phố. Trong đó, thị trường khu Đông Bắc sẽ nóng hơn với sự ra đời của TP. Thủ Đức. Dữ liệu của Colliers cho biết, có 6 dự án từ khu vực Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ mang đến nguồn cung cho TP.HCM trong thời gian tới.
Đầu tiên là dự án Đông Tăng Long tại TP. Thủ Đức do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, cung cấp 2.300 căn với giá dự kiến 2.450 USD/m2.
Một số dự án khác tại TP. Thủ Đức gồm Simcity do Tập đoàn Anpha Holding làm chủ đầu tư (485 căn, giá 643 USD/m2); Vinhomes Grand Park của Tập đoàn Vingroup (1.600 căn, 3.245 USD/m2) và Verosa Park Khang Điền (296 căn, 4.871 USD/m2).
Hai dự án còn lại bao gồm Senturia Nam Sài Gòn của CTCP Bất động sản Tiến Phước (82 căn giai đoạn 1, giá 2.150 USD/m2) và Zeit Geist của Tập đoàn GS E&C (120 căn, 2.812 USD/m2).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giảm nợ xấu dưới 1% bằng phương pháp “dịch chuyển”
Ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Nợ xấu của Techcombank đứng ở mức 0,5%, giảm mạnh so với mức 1,3% một năm trước đó.
Trong năm 2020, ngân hàng này cho biết đã chủ động xử lý một số khoản nợ xấu. Chi phí dự phòng của năm 2020 tăng lên mức 2.600 tỷ đồng so với mức 917 tỷ đồng của năm 2019. Chi phí tín dụng được duy trì ở mức 1,1% cho cả năm 2020.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ - mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Năm 2020 cũng là năm quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank lên mức kỷ lục 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng gần 380%, tức là 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng.
Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống. Ngoài mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng bán lẻ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh do lãi suất cho bán lẻ cao hơn bán buôn mà rủi ro lại thấp hơn vì có tài sản thế chấp. Mặt khác, chính sách quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank khá thận trọng, giúp ngân hàng này giảm áp lực nợ xấu mới phát sinh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
JLL: 5 xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm nay
Đại dịch Covid-19 đã làm "lung lay" hầu hết doanh nghiệp. Bất động sản có lẽ chính là ngành có nhiều thay đổi lớn nhất năm vừa qua. Bước sang 2021, JLL chỉ ra 5 xu hướng của ngành sẽ duy trì phát triển hoặc biến đổi để phù hợp với nhu cầu hiện tại.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL, nói khái niệm "đô thị trong đô thị" hay "bất động sản tích hợp" thường được dùng cho những dự án quy mô lớn. Thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần. Các nhà phát triển vì vậy cũng bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng cách kiến tạo các khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Bà Trang Bùi cho biết điểm cộng của bất kỳ dự án quy mô lớn nào là khả năng cung cấp một loạt các loại nhà ở cho nhiều nhóm người mua tiềm năng khác nhau từ đó tạo ra sự đa dạng trong thành phần dân cư. Mặc dù vậy, mỗi tòa nhà nên được thiết kế tùy chỉnh cho mỗi nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể trên cơ sở hài hòa chung với môi trường sống tổng thể.