Địa ốc Đan Phượng thờ ơ với thông tin lên quận
Trước thông tin huyện Đan Phượng được quy hoạch lên quận vào năm 2025, phóng viên tuần qua đã có chuyến khảo sát thị trường bất động sản tại một số xã, thị trấn ở đây. Một số người dân tỏ vẻ háo hức khi sắp thành người đô thị, nhưng cũng có nhiều người có những băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên, bà Đoan, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho biết: “Nếu lên quận thì hạ tầng cơ sở, điện, đường, trường, trạm và phúc lợi xã hội, chế độ chính sách xã hội cho người dân sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, các khoản đóng góp của người dân cũng sẽ tăng lên, ví dụ hiện tại cấp xã, huyện, chúng tôi đang đóng tiền rác thải sinh hoạt 3.000 đồng/tháng, nếu lên quận thì sẽ tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/tháng và còn nhiều khoản khác.
Đặc biệt, đất sẽ tăng giá hơn và chỉ lợi cho người có nhiều đất, cũng như những người buôn bán bất động sản. Còn những người dân nghèo và cận nghèo thì sẽ gặp nhiều vất vả về kinh tế, vì thu nhập không ổn định, chỉ trông vào vài sào ruộng, nếu bán đi thì không biết làm gì”.
Cũng theo bà Đoan, xã Đan Phượng hiện giờ đã không còn nhiều đất canh tác, vì nhường cho các khu sinh thái, khu dân cư, khu công nghiệp… Những người trẻ ở đây lên thành phố làm thuê, còn những người già như bà ở nhà làm các công việc thu nhập không ổn định như bán tạp hóa, nước nôi. Do đó, người dân như bà lo lắng khi lên quận sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt, trong khi thu nhập chưa biết có tăng hay không.
Nền kinh tế chia sẻ: Nét vẽ thay đổi bức tranh thị trường bất động sản
Khi các tên tuổi lớn như Uber và WeWork “chiếm sóng” trên các tít báo, mọi người có lẽ sẽ chỉ chú ý đến các công ty này và những thiệt hại hàng tỷ đô la của họ mà quên đi những lợi ích kinh tế to lớn của mô hình “chia sẻ mọi thứ”.
Ông Simon Smith, Trưởng bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Savills cho hay: Nền kinh tế chia sẻ thường được định nghĩa là: “Một hệ thống kinh tế trong đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ giữa các cá nhân, có thể miễn phí hoặc tính phí, thường là qua internet”. Các nhà đầu tư bất động sản chủ yếu sẽ quan tâm đến việc chia sẻ có tính phí. Những lợi ích then chốt của nền kinh tế chia sẻ là tính linh hoạt, tối đa hóa giá trị và yếu tố cộng tác của con người.
Tính linh hoạt của hình thức này chính là một trong những lợi ích hàng đầu cho người sử dụng. Đồng thời, chủ nhà cũng nhận được nhiều lợi ích từ việc cung cấp dịch vụ chia sẻ không gian. Chẳng hạn, một phần của tòa nhà có thể được sử dụng làm văn phòng linh hoạt, nhưng bản thân diện tích này cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt, vì vậy mà các tòa nhà có thể thích ứng dễ dàng hơn với nhu cầu của thị trường.
Tối đa hóa doanh thu là mục tiêu của mọi doanh nghiệp và nền kinh tế chia sẻ cho phép chủ nhà gia tăng thu nhập từ cùng một không gian. Vì vậy, các cửa hàng pop-up có thể đem đến một làn gió mới và tăng doanh thu cho trung tâm thương mại, nhưng các cửa hàng này cũng có thể xuất hiện trong các văn phòng, hay khách sạn và biến mất khi sức hút đã giảm dần hoặc chủ nhà tìm được cách sử dụng không gian đó hiệu quả hơn.
Một lợi ích gián tiếp của văn phòng chia sẻ là tiềm năng hợp tác, cho dù theo sự sắp đặt hoặc do vô tình theo kiểu "gặp ai đó lúc lấy nước uống". Lợi ích này khó có thể đo lường; chủ nhà không thể đòi hỏi tính phí nếu hai khách thuê sáp nhập. "Tuy nhiên, yếu tố con người này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Máy móc kỹ thuật số ngày nay đang chiếm hầu hết không gian làm việc. Chúng ta đi làm chủ yếu chỉ tương tác với máy tính xách tay và điện thoại. Nền kinh tế chia sẻ đang giúp chủ nhà cung cấp không gian cho con người, chứ không phải các công ty", ông Simon Smith thông tin.
Cân nhắc việc tăng khung giá đất giai đoạn 2019 - 2024
Mới đây, TP. Hà Nội đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019 là 162 triệu đồng/m2). Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Sau Hà Nội, TP.HCM đang trong quá trình xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố, dự kiến công bố vào ngày 1/1/2020.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc điều chỉnh tăng khung giá đất giai đoạn 2019-2024 sẽ gây ra 5 hệ lụy tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Thứ nhất, việc tăng hệ số khung giá đất có thể làm tăng giao dịch trên thị trường ngầm. Cụ thể, khung giá đất tác động trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản.
Việc tăng khung giá đất trong bảng giá khiến nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Để tránh nghĩa vụ tài chính, một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ mà chọn giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng thị trường ngầm. Nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.
Thứ hai, tăng khung giá đất sẽ tác động trực tiếp đến giá cả thị trường bất động sản: Giá thành nhà ở bao gồm nhiều thành tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, mức giá của khung giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
Giám đốc Sở Tài chính lý giải vì sao giá nước sông Đuống cao gấp đôi sông Đà
Chiều 12/11, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã cung cấp những thông tin liên quan đến giá nước sạch cung cấp bởi Nhà máy nước sông Đuống do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống đầu tư.
Trong văn bản 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.
Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa là 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc: Tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao gấp đôi giá nước sạch sông Đà (chỉ khoảng 5.000 đồng/m3), ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước sông Đuống chỉ là giá tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.
Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu danh sách nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công khai danh sách 441 đơn vị nợ thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp với số nợ gần 105,8 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019.
Theo đó, danh sách được Cục Thuế đưa ra bao gồm 363 đơn vị bị công khai lần đầu với số nợ 44 tỷ đồng. Trong đó có 360 doanh nghiệp nợ 36,7 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp.
Công ty Cổ phần Bất động sản Thăng Long là đơn vị đứng đầu danh sách nợ với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Từ ngày 1/10/2019 đến ngày 8/11/2019, công ty này đã nộp 238 triệu đồng tiền nợ (đã được hạch toán vào ứng dụng của cơ quan thuế).
Tiếp đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Việt và Công ty Cổ phần Vinavico cùng nợ 1,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thiết bị Giao thông Vận tải Vietraco nợ 1,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư An Phương nợ 1,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển Thiên Hồng Ân nợ gần 1,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản An Cư nợ 959 triệu đồng…
Cũng trong danh sách được Cục Thuế TP. Hà Nội công bố, có 3 đơn vị nợ tổng cộng 7,5 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là số nợ 6,7 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Đường sắt Khu vực 1.