Aa

Bất động sản 24h: Diễn biến bất ngờ về thị trường căn hộ TP.HCM thời điểm giáp Tết

Thứ Ba, 26/01/2021 - 10:30

Diễn biến bất ngờ về thị trường căn hộ TP.HCM thời điểm giáp Tết; Việt Nam trong xu thế phát triển đô thị thông minh... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Diễn biến bất ngờ về thị trường căn hộ TP.HCM thời điểm giáp Tết

Theo số liệu từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2020, thị trường căn hộ TP.HCM có tổng 21.213 sản phẩm mở bán, giao dịch 13.043 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ đạt 61.2%. Lượng cung mới chào bán năm 2020 chỉ đạt 47,5% so với năm 2018 và 84,9% so với năm 2019.

Quả thực, năm 2020 là năm mà căn hộ TP.HCM chứng kiến sụt giảm mạnh nhất về nguồn cung, mặc dù 2 năm trước đó đã có dấu hiệu khan hiếm sản phẩm. Những dự án có thể giới thiệu ra thị trường thời điểm cuối năm được xem là "hàng hiếm" khi suốt thời gian dài người mua nhà TP.HCM "ngóng" dự án mới.

Ghi nhận cho thấy, thời điểm cận Tết âm lịch, chỉ một số dự án căn hộ "manh nha" thông tin ra thị trường, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Đông và phía Tây TP.HCM. Đây được xem là nguồn cung làm "tươi sáng" cho thị trường căn hộ TP.HCM trong năm 2021.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Việt Nam trong xu thế phát triển đô thị thông minh

Sau “Smartphone - Điện thoại thông minh", từ nhiều năm nay chúng ta bắt đầu làm quen với cụm từ mới: "Smart city - Thành phố thông minh". Nhiều quốc gia trên thế giới đang kỳ vọng, “thành phố thông minh” sẽ có khả năng tiết kiệm năng lượng và giải quyết những vấn nạn trong quá trình đô thị hóa và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Tại Việt Nam, hiện có 862 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 40%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Mặt trái của việc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, chính là gánh nặng quá tải về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường.

Trước những vấn đề đô thị đang đặt ra thì việc xây dựng thành phố thông minh đang là bài toán cấp thiết. Cuộc sống tương lai của người dân phải là đô thị thông minh (ĐTTM), đó là sự phát triển bền vững nhất.

Để làm rõ hơn về câu chuyện phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản 2021: Kỳ vọng từ sức sống mới

GS Dang Hung Vo

Đã từ lâu, nhiều chuyên gia cho rằng trong dân đang có tổng vốn nhàn rỗi lên tới 5 tấn vàng. Ai huy động được nguồn lực tài chính này từ dân sẽ tạo được bước đột phá mới trong đầu tư phát triển. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến về tìm kiếm các giải pháp động viên nguồn lực từ dân vào đầu tư. Người dân có nhiều cách để lo liệu đời sống kinh tế của mình, cho thành viên gia đình đi nước ngoài lao động để gửi tiền về là một cách thường thấy.

Năm 2019, kiều hối cũng đạt tới 16,7 tỷ USD, đó là chưa kể nguồn kiều hối được chuyển bằng những con đường phi chính thức. Tỷ trọng khá cao của nguồn kiều hối được đầu tư vào thị trường bất động sản và người dân biết sử dụng phương thức đầu tư này để nhân lợi ích lên nhiều lần.  

Đầu tư vào thị trường bất động sản luôn hấp dẫn và sôi động. Đây là một đặc trưng khá riêng biệt của thị trường Việt Nam. Bất kỳ người dân nào ở các khu vực kinh tế phát triển mà có chút tiền tiết kiệm đều muốn đầu tư vào bất động sản, dạng này hay dạng khác. Cách tiếp cận này khác với dân ở các nước phát triển, thị trường bất động sản phát triển dựa chủ yếu vào vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng đầu tư và vốn huy động từ thị trường chứng khoán.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đồng Nai “đi tắt đón đầu” giao đất công không đấu giá

Nghị định 148 /NĐ-CP được xem là giải pháp tháo gỡ hàng trăm dự án có đất công xen cài. Nghị định này đến ngày 8/2/2021 mới có hiệu lực, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai đã “đi tắt đón đầu” giao đất công cho doanh nghiệp.
Cụ thể, ngày 24/2/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã ký Quyết định về việc giao đất cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Lộc, để thực hiện dự án Khu dân cư theo quy hoạch, tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.

Quyết định này được ban hành theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tại tờ trình số 137/TTr-STNMT, ngày 18/2/2020. Theo đó, UBND tỉnh thu hồi 2.269 m2 đất thủy lợi, do UBND xã Long Thọ quản lý, tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.

Đồng thời, cơ quan này chấp thuận giao cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Lộc diện tích 190.254 m2 tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (bao gồm 2.269m2 đất công do UBND xã Long Thọ quản lý và 187.985m2 đất của hộ gia đình, cá nhân đã được UBND huyện Nhơn Trạch có Văn bản số 5373/UBND-TN, ngày 28/8/2018, xác nhận hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) để sử dụng thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư theo quy hoạch (trong đó có 160.628,0m2 diện tích đất chuyên dùng trồng lúa).

Xem thông tin chi tiết tại đây

‘Loạn’ phân lô bán nền, Lâm Đồng ra quy định mới về tách thửa đất

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ban hành ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất.

Quyết định mới này không áp dụng cho các trường hợp đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phân lô, quy hoạch xây dựng của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Để được tách hoặc hợp thửa, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận. Thửa đất mới hình thành phải đảm bảo các điều kiện như: Tiếp giáp đường giao thông hiện hữu; nếu hình thành đường giao thông mới thì chiều rộng đường tối thiểu 5,5m (khu vực đô thị) hoặc 7m (khu vực nông thôn).

Xem thông tin chi tiết tại đây

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top