Doanh nghiệp địa ốc chạy đua cạnh tranh hút khách bằng "chiêu độc"
Bên cạnh những hình thức truyền thống như đẩy nhanh tiến độ dự án, ưu đãi cho khách hàng,...nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện còn tìm những cách khác biệt khác để hút người mua nhà.
Để làm khác đi, một số doanh nghiệp BĐS đã làm ngay căn hộ thật ngay khi dự án còn đang xây dựng để khách hàng (đã mua) tận mắt chứng kiến căn hộ của mình sau khi bàn giao và những khách hàng (chưa mua) có thể đối chứng được căn hộ trước khi “xuống tiền”. Đây được xem là một cách làm khá hay của doanh nghiệp địa ốc trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Thực tế cũng chưa nhiều doanh nghiệp BĐS làm được điều này.
Theo lý giải của chủ đầu tư thì việc làm căn hộ thật ở tại chính dự án đang xây là cách để người mua nhà có cảm nhận đúng nhất về căn hộ của mình sẽ nhận được trong tương lai, từ cách bài trí đến chất lượng vật liệu... Từ đó, khách hàng có thể đối chứng được với những cam kết của chủ đầu tư trước đó và đánh giá được các tiêu chí về thiết kế, công năng sử dụng của mỗi phòng.
Có hay không chuyện trục lợi từ dự án tâm linh?
Reatimes ghi lại góc nhìn của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường xung quanh câu chuyện này.
Câu chuyện giao hàng trăm héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch (gắn với nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) rồi vận hành, thu tiền của người dân cũng giống một trong những phát sinh mà trước đây chúng ta từng gặp phải. Đã từng có quy định đất nghĩa trang, nghĩa địa là đất không thu tiền, nhưng sau đó có những dự án bán đất nghĩa trang, nghĩa địa rất đắt, thậm chí giá còn đắt hơn cả giá đất cho người sống. Trước thực tế này, Luật Đất đai 2013 đã đề cập đến “đất cho người chết”, được giao với mục đích có kinh doanh dịch vụ.
Hiện nay, câu chuyện đất tôn giáo cũng tương tự như vậy. Về bản chất, cũng hình thành các công trình du lịch để khai thác kinh doanh. Chỉ có điều, doanh nghiệp dành một phần làm công trình tôn giáo, như một "vỏ bọc" cho kinh doanh du lịch, nhằm trục lợi.
Điều đó xuất phát từ việc chưa có quy định rõ ràng về đất đai cho các dự án có yếu tố tâm linh, khiến ngân sách Nhà nước bị thiệt hại.
Đầu tiên, có thể kể đến khu du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình) và Tam Chúc (Hà Nam). Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất mở rộng quy hoạch xây dựng tổ hợp chùa Hương (Hà Nội) để “hoành tráng” hơn.
Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã khai thác kinh doanh du lịch dưới lớp vỏ bọc tôn giáo. Đây là một thực tế cần nhìn nhận, không thể “lợi dụng” tôn giáo để kinh doanh và “lợi dụng” chính sách đất đai rất cởi mở đối với tôn giáo để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh mà không phải chịu tiền sử dụng đất.
"Siêu dự án" 550 triệu USD bị tỉnh Quảng Ninh "tuýt còi"
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc triển khai các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn TP. Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao TP. Hạ Long, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai thực hiện theo đúng tiến độ và quy hoạch được duyệt. Đồng thời tham mưu, đề xuất tỉnh thu hồi các dự án “ngâm đất” không triển khai.
Cụ thể, đối với Dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star, UBND tỉnh Quảng Ninh giao TP. Hạ Long đôn đốc Công ty TNHH Limitless World (Việt Nam) triển khai thực hiện ngay theo quy hoạch được duyệt. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, yêu cầu tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xử lý chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi đất theo quy định.
UBND tỉnh này cũng nhấn mạnh, "không được tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án" nếu tiếp tục chậm tiến độ.
Mâu thuẫn chung cư: “Cuộc chiến” diện tích chung - riêng chưa hồi kết
Mặc dù bộ, ngành vào cuộc quyết liệt nhưng các mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn nảy sinh trong quá trình chung cư đi vào hoạt động. Điển hình trong các mâu thuẫn là việc chủ đầu tư cố tình lạm dụng diện tích chung - riêng.
Trước những mâu thuẫn, tranh chấp chung cư xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, trả lời cư dân về áp dụng luật pháp để hoá giải các mâu thuẫn, UBND TP. Hà Nội có văn bản tổng hợp cho rằng: Các khu chung cư phải đảm bảo sử dụng theo chức năng đã được phê duyệt tại bản vẽ quy hoạch, xây dựng của toàn bộ khu.
“Chủ sở hữu căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất sử dụng chung theo thời hạn ổn định lâu dài” - văn bản của UBND TP. Hà Nội nêu rõ.
Điều đó cho thấy, chủ đầu tư sẽ phải căn cứ vào luật để phân định rõ phần chung – riêng của cư dân, tránh những mâu thuẫn đang âm ỉ và cần phải hoá giải những mâu thuẫn đang diễn ra.
Nhìn lãnh đạo có ra năng lực tài chính của Sông Đà 7 (Urinco7)?
Gần đây, Urinco7 khiến dư luận ồn ào vì những thông tin liên quan đến cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Mạnh Thắng. Tuy nhiên, với dân trong ngành bất động sản, có lẽ không lạ gì việc Urinco7 cũng là một điểm sáng nhờ gắn với tên tuổi lãnh đạo công ty này.
Nói như vậy có lẽ nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi hoặc bởi những công khai về tình hình tài chính của Urinco7 gần như là con số 0. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá thấp hình ảnh của Urinco7 qua những dự án bất động sản công ty là chủ đầu tư, vị thế của chủ tịch và thành tích doanh nghiệp đạt được trong thời gian qua.
Urinco7 đã làm chủ đầu tư, hoàn thành nhiều dự án nhà ở cho cán bộ, nhân viên của một số cơ quan, đơn vị và bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Dự án nhà ở cấp Bộ trưởng, trên Bộ trưởng hiện đang đương chức công tác tại cơ quan Quốc hội (Khu đô thị mới Phùng Khoang); Dự án nhà ở cấp thứ trưởng và tương đương hiện đang đương chức công tác tại cơ quan Quốc Hội (Khu đô thị mới Xuân Phương); Dự án nhà ở cán bộ viên chức Bệnh viện 103; Dự án nhà ở cán bộ viên chức Thông tấn xã Việt Nam (tại Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ)...