Aa

Bất động sản 24h: Đón sóng quy hoạch, cẩn trọng “bóng xì hơi“

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 19/07/2022 - 10:45

Đón sóng quy hoạch, cẩn trọng "bóng xì hơi"; Nghịch lý bất động sản: Nhà đầu tư không muốn bán lỗ nhưng sợ ôm nợ... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Đón sóng quy hoạch, cẩn trọng "bóng xì hơi"

Bất chấp các “tối hậu thư” được nhiều địa phương đưa ra nhằm ngăn chặn đầu cơ, thổi giá ăn theo quy hoạch, nhiều khu vực có tiềm năng vẫn có hiện tượng lợi dụng hoặc đưa sai thông tin quy hoạch, gây ra tình trạng sốt ảo, giá nhà đất “nhảy múa” dù thanh khoản nhỏ giọt.

Chưa đầy 2 tuần sau đề xuất chuyển đổi chức năng khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), sức nóng của thị trường nhà đất nơi đây đã tăng vọt. Trên Chợ Tốt Nhà, giá rao bán đất tại các tuyến chính khu vực này đã tăng hơn 6% so với trước khi có đề xuất, dao động ở mốc 63 - 72 triệu đồng/m2.

Được biết, khu chế xuất Tân Thuận dự kiến hết hạn vào tháng 9/2041. Thời gian qua, TP.HCM đang tích cực thảo luận về các phương án di dời các nhà máy và chuyển đổi chức năng của khu vực có tổng diện tích xấp xỉ 300 ha nằm gần trung tâm quận 7.

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 7/2022, lượng tìm kiếm thông tin nhà đất quanh khu vực Tân Thuận đã tăng vọt, gấp gần 200% so với thời điểm cuối tháng 6/2022. Điển hình là tại các tuyến đường chính như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nghị quyết 18: Động lực và kỳ vọng mới cho thị trường bất động sản

Nghị quyết 18 đã tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm chính trị, cũng như tạo nền tảng đột phá hơn trong hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý và sử dụng đất.

Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Với nhiều nội dung chỉ đạo mới quan trọng về quản lý nhà nước đối với đất đai, Nghị quyết 18 được kỳ vọng tạo ra những đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển thị trường bất động sản theo hướng đầy đủ, minh bạch và hiệu quả hơn.

Về tổng thể, những nội dung và tinh thần Nghị quyết 18 bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp và củng cố, làm sâu sắc thêm các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về đất đai. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ninh Thuận sẽ hình thành và phát triển nhiều đô thị ven biển

Cùng với các khu đô thị ven sông, theo định hướng, tỉnh Ninh Thuận sẽ hình thành và phát triển nhiều đô thị ven biển, tập trung tại các khu vực như: Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải...

Để hiểu rõ hơn về những tiềm năng, cơ hội và thách thức, cũng như những định hướng trong phát triển đô thị ven sông, ven biển tại Ninh Thuận, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phan Tấn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vùng ven Hà Nội: Nhà đầu tư ôm hàng chờ "sóng"

Trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, cầu cao, cung thấp, nhà đầu tư dài hạn vẫn đang tiếp cận mua quỹ đất các huyện vùng ven Hà Nội để chờ đón những đợt "sóng" tiếp theo.

Anh Đỗ Văn Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư mới cho hay, thời điểm này, giá đất khu vực vùng ven đang có phần hạ xuống thấp hơn so với đỉnh sốt hồi đầu năm, do đó, anh cùng nhiều nhà đầu tư khác đang tìm kiếm quỹ đất phù hợp để đầu tư, đợi sóng. 

Cơn sốt đất tại các huyện vùng ven Hà Nội đã hạ nhiệt trong nhiều tháng qua, nhưng giá bất động sản không giảm.

"Cơn sốt đất hồi đầu năm rất thu hút tôi khi nhiều bạn bè lướt sóng thắng đậm, nhưng mình tay ngang còn non kinh nghiệm nên không dám đầu tư. Phần vì lo tài chính còn ít, lỡ "lướt" không thành công thì thâm hụt luôn số vốn đã tích cóp nhiều năm qua mới có được. Đến giờ, sốt đất đã hạ, cũng có thêm chút vốn nên tôi quyết định đầu tư thời điểm này để kỳ vọng sinh lời trong tương lai", anh Hoàng nói. 

Theo đó, sau gần 2 tuần khảo sát, tìm kiếm đất nền tại nhiều khu vực, anh Hoàng đã "chốt hạ" 2 lô đất ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh với giá 17 triệu đồng/m2, đang chờ đổi sổ đỏ. 

"Cứ tưởng là sốt đất hạ thì giá rẻ hơn, nhưng tham khảo giá một số nơi khác, tôi thấy giá vẫn cao. Tuy nhiên, đất không “nở” ra thêm, khu vực này giá sẽ còn lên nữa khi đường Vành đai 4 khởi công, nếu giờ không mua sẽ mất cơ hội, nên tôi quyết định xuống tiền", anh Hoàng chia sẻ. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nghịch lý bất động sản: Nhà đầu tư không muốn bán lỗ nhưng sợ ôm nợ

Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hạ nhiệt, thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều.

Trong mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản liên tục diễn ra cơn sốt đất. Đỉnh điểm của cơn sốt đất là năm 2021, khi tất cả các thị trường đều phá vỡ những mức giá kỷ lục khác nhau. Các cơn sốt đất không chỉ còn diễn ra tại đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà len lỏi cả ở vùng nông thôn, thậm chí là miền núi.

Mặc dù, giá đất liên tục tăng, người đất ngày càng nhiều và số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường cũng ngày một tăng cao khiến thị trường dù đã nóng lại càng nóng hơn. 

Tuy nhiên, đến nay bất động sản đã “hạ nhiệt”, không khí trầm lắng nhanh chóng bao trùm thị trường. Xuất hiện thế giằng co khi nhiều người không muốn bán lỗ nhưng lại sợ áp lực tài chính.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top