Đông Anh sốt đất... độ nào?
Gần 1 tháng kể từ khi động thổ siêu dự án Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội), giá đất nền tại các khu vực lân cận xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ… tiếp tục nóng sốt.
Chỉ cần một thao tác tìm kiếm, người mua dễ dàng tìm thấy một tin rao bán mảnh đất nằm ở thôn Hải Bối, xã Hải Bối kèm thông tin cách dự án Thành phố thông minh 500m, có giá 65 triệu đồng/m2...
Tương tự, một thông tin khác mới được đăng tải ngày 16/10 với nội dung: Bán đất sổ đỏ chính chủ. Một mặt quay đường Kim Nỗ - Kim Chung, một mặt quay đường vào khu công nhân, gần khu đô thị thông minh. Thuận lợi buôn bán kinh doanh. Diện tích 80m2. Giá 4,5 tỷ, tương đương 56 triệu đồng/m2.
Anh Linh - Một cò đất trên địa bàn huyện Đông Anh tiết lộ, những năm qua, khu vực này cũng chứng kiến nhiều đợt “sốt” đất mỗi khi được khởi động đầu tư mới về hệ thống hạ tầng giao thông. Nhưng sau mỗi đợt “sốt” đất, không ít nhà đầu cơ khóc dở mếu dở do thị trường “đóng băng”.
Các toà nhà thương mại có thể làm gì để thay đổi chất lượng không khí?
Không khí tại Hà Nội và TP.HCM trong vài tuần qua đã có những thời điểm được cho rằng chạm mức ô nhiễm cao, gây hại cho sức khỏe. Trong khi chính quyền cả hai thành phố đang thực hiện một loạt các biện pháp để khắc phục tình hình, câu hỏi đặt ra là liệu bất động sản thương mại có thể góp phần nào trong nỗ lực chung?
Theo bà Lucy Auden, lãnh đạo toàn cầu của bộ phận ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tại Savills, trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng tên là đầu tư có tầm ảnh hưởng (impact investing) với chủ đích tạo ra tác động xã hội hoặc môi trường, bên cạnh lợi nhuận tài chính truyền thống. Tài sản trong lĩnh vực này đã tăng 15% trong nửa đầu năm 2019 lên mức 52 tỷ USD.
Bà Auden nói thêm: “Các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Thay vì nói, “Tôi sẽ mua tòa nhà xanh này để làm đẹp danh mục đầu tư,” thị trường đang bắt đầu suy nghĩ “Nếu tôi mua một tòa nhà không hiệu quả và không có kế hoạch gì để cải thiện khả năng chống chịu và hiệu quả của tòa nhà, liệu tôi có thể bán nó được không? Với sự lo ngại về khí hậu ngày một tăng, liệu 15 - 20 năm nữa có nhà đầu tư nào mua bất động sản mà sẵn sàng chấp nhận việc không phòng ngừa rủi ro liên quan tới khí hậu?”
Nhà tập thể cũ: Dù xuống cấp vẫn chuộng khách mua?
Đa phần các căn hộ tại khu tập thể cũ đều đang ở trong tình trạng nhếch nhác, cơi nới, xuống cấp… nhưng vẫn hút khách mua hơn chung cư giá rẻ.
Lý do là những chung cư giá rẻ hiện tại đang có quá nhiều vấn đề, từ chất lượng, tới dịch vụ hạ tầng. Bên cạnh đó, do phân khúc nhà giá rẻ có tỷ suất sinh lời tương đối thấp, chỉ từ 12 - 15%/dự án, nên để tối ưu hóa lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư buông lỏng chất lượng xây dựng, khiến nhiều dự án xuống cấp nhanh.
Với nguồn tài chính trên dưới 1 tỷ đồng, nhiều người chuyển sang tìm mua căn hộ tập thể cũ để ở hoặc để đầu tư. Bởi lẽ, hầu hết các căn hộ tập thể đều ở vị trí trung tâm nhưng khá yên tĩnh, có sẵn các hạ tầng xã hội như trường học, chợ, bệnh viện, không gian cây xanh… Bên cạnh đó, nhiều người mua căn hộ tập thể cho biết ở khu tập thể, họ không phải mất các khoản phí dịch vụ.
Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ tập thể cho biết hầu hết các khu tập thể có tuổi đời 40 - 50 năm trở lên như Thành Công, Nghĩa Tân, Thanh Xuân… về chủ trương của Nhà nước, đến một ngày nào đó các khu tập thể này sẽ được cải tạo, đập đi xây lại và những cư dân ở đây sẽ được ở nhà mới với hệ số từ 1,5 đến 2 lần diện tích căn hộ cũ. Hấp dẫn và đắt giá hơn, là những căn đã được chứng nhận sở hữu với diện tích trên sổ chỉ bằng… non nửa diện tích sử dụng thực tế.
Khánh Hòa thu hồi đất dự án "lấp biển" 30 triệu USD để làm công viên
Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, UBND tỉnh phải có phương án giải quyết dứt điểm đối với các dự án sai phạm đã bị thu hồi dự án theo quy định của pháp luật. Trong đó, tiêu biểu là dự án Nha Trang Sao của công ty Cổ phần Nha Trang Sao.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Khánh Hòa phải rà soát tiến độ thực hiện thu hồi dự án Nha Trang Sao. Phần đất của dự án thu hồi sẽ được xây dựng công viên, phục vụ cho mục đích công cộng, cộng đồng”.
Cụ thể, dù dự án Nha Trang Sao đã bị UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi từ tháng 1/2019 nhưng sau gần 1 năm, quá trình thu hồi đất dự án vẫn chưa thể thực thi.
Hiện khu vực này vẫn là một bãi đất trống, ngổn ngang đất đá, cỏ mọc um tùm. Việc rào chắn dự án Nha Trang Sao tạo điều kiện cho nạn vứt rác, đổ trộm chất thải và xà bần, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan biển Nha Trang.
Chia sẻ về câu chuyện đất dự án chưa được thu hồi, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư Khánh Hòa cho hay: Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao đất cho cơ quan chức năng sau khi có quyết định thu hồi dự án. Tuy nhiên, hiện quá trình giao đất dự án Nha Trang Sao vẫn không triển khai được vì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nha Trang Sao đã có đơn khiếu nại.
TP.HCM: Thiếu nguồn cung do các dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình”
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản TP.HCM, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục có chiều hướng sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 1 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.