Giai đoạn 2010 - 2012, thị trường địa ốc Đông Anh dậy sóng khi chỉ trong 1 năm, giá đất một số xã như Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng từ 80 - 90%. Nguyên nhân đến từ việc giới đầu tư “đón sóng” hạ tầng cầu Nhật Tân, Đông Trù. Tuy nhiên, con sóng này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.
Tiếp đó, giai đoạn 2014 - 2016, khi hai cây cầu nói trên thông xe, nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện, cùng với Công viên Kim Quy được khởi công và thông tin về việc sẽ triển khai Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài, bất động sản huyện ngoại thành này lại đón đợt sóng mới. Khu vực đầu cầu Nhật Tân có giá đắt nhất lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cũng giống như trước đó, con sóng này qua nhanh, khiến không ít nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Mới đây, với thông tin Đông Anh sẽ lên quận vào năm 2020 và đặc biệt là siêu dự án thành phố thông minh (xã Hải Bối và xã Vĩnh Ngọc) chính thức được khởi công, nhiều người lo lắng, các cò đất sẽ lợi dụng để thổi giá, khiến bất động sản Đông Anh đứng trước nguy cơ sốt ảo một lần nữa.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc triển khai khu đô thị vốn là những thông tin tích cực, khiến giá bất động sản khu vực lân cận có xu hướng tăng. Thế nhưng, riêng với trường hợp của Đông Anh, sau khi dự án thành phố thông minh khởi công, việc tăng giá sẽ không đáng kể, bởi thực tế, đất Đông Anh đã được đẩy lên rất cao, thậm chí cao hơn giá trị thật từ trước đó.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, thành phố thông minh chỉ là một trong những dự án đang được lên kế hoạch triển khai ở Đông Anh. Dự án này, cùng với các dự án hạ tầng giao thông sẽ là những yếu tố tác động tích cực tới thị trường bất động sản Đông Anh, nhưng sẽ không tác động nhiều đến việc tăng giá.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thăng, Trợ lý giám đốc Công ty Bất động sản Lộc Phát (xã Hải Bối, Đông Anh) cho rằng, thị trường địa ốc Đông Anh đã quen với những “đòn bẩy” về đại dự án trước đây. Tuy nhiên, vì đã quen, nên những dự án như thành phố thông minh, hay Tổ hợp y tế và chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao TH Medical... vừa khởi công sẽ không tác động mạnh đến thị trường.
Thực tế, theo khảo sát của phóng viên giữa tuần qua, xung quanh dự án thành phố thông minh và vùng phụ cận không có những tờ rơi, biển quảng cáo, hay biển rao bán đất nền, đất thổ cư như tại nhiều địa phương khác mỗi khi có siêu dự án được khởi công.
Trong vai nhà đầu tư, phóng viên tìm đến thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc (cạnh dự án thành phố thông minh) để hỏi mua đất, thì ông Nguyễn Văn Bình, ngụ thôn Phương Trạch cho hay: “Đất đâu mà bán. Đất trong thôn là đất thổ cư, người dân đã ở bao đời nay, từ đời ông bà để lại, nên không ai muốn thay đổi nơi ở. Phần còn lại là đất lúa, đất màu để chúng tôi sản xuất, làm sao chuyển đổi được”.
Tìm hiểu thêm tại xã Hải Bối, phóng viên cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ người dân sở tại, với cùng lý do là đất để ở và sản xuất, nên không bán.
Ông Thăng cho biết, hiện tại, quỹ đất ở xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối giao dịch không có nhiều. Cả khu vực bìa làng (phía tiếp giáp thành phố thông minh) cũng chỉ có 2 đến 3 lô, trong thôn chỉ vài lô nhỏ là chủ đất có nhu cầu chuyển nhượng.
“Các dự án lớn như thành phố thông minh chủ yếu lấy đất nông nghiệp, không lấy đất thổ cư và lấy sát đến khu vực dân cư sinh sống, nên quỹ đất trống còn lại rất ít. Các dự án phân lô ở đây hiện cũng không nhiều, nên thị trường không bị ảnh hưởng.
Hiện tại, giá đất các khu có vị trí đẹp cũng chỉ trên 50 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Trong các ngõ 3,5 m cũng chỉ dao động từ 48 - 50 triệu đồng/m2. Nếu có những lời rao bán với giá đất bị đẩy lên cao, thì nhà đầu tư và người mua phải rất cẩn trọng”, ông Thăng khuyến cáo.