Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ trong năm 2017
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy khi nói về thị trường bất động sản trong năm 2017.
Xem chi tiết tại đây.
Gần 300 triệu USD vốn FDI đổ vào thị trường địa ốc tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2017, trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD, thì vốn vào lĩnh vực BĐS đạt 297,4 triệu USD.
Số vốn này chiếm 20,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam tháng đầu năm nay. Mặc dù trong tháng 1, kinh doanh BĐS không có dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.
Theo nhiều dự báo, lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì nhiều tiềm năng sinh lời. Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI Việt Nam, nhìn lại năm 2016 thì thấy vốn FDI vào BĐS Việt Nam đạt khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 44% so với cùng kỳ 2015. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015 (11,5%).
Trong bối cảnh thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá là đang tăng trưởng trở lại, nhưng vốn FDI vào suy giảm, theo GS. Nguyễn Mại, đây là tín hiệu không lạc quan lắm về lượng. Tuy nhiên, xét về chất của dòng vốn FDI thì nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn. Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI nói chung và FDI vào BĐS.
Xem chi tiết tại đây.
BĐS Tây Hà Nội: Mảnh đất vàng và giấc mơ “đô thị hạt nhân”
Trong giai đoạn 2009 – 2010, BĐS khu vực Tây Hà Nội (bao gồm các huyện Hoài Đức, một phần các quận Hà Đông, Nam và Bắc Từ Liêm) đã rơi vào trầm lắng một thời gian dài. Tuy nhiên từ giữa năm 2015, với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản và ngày càng hoàn thiện, Tây Hà Nội đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và đầu tư của người dân Thủ đô.
Bằng chứng là từ giữa 2015, nhiều dự án hồi sinh trở lại, nhiều doanh nghiệp tái khởi động hoặc mua lại các dự án dở dang để triển khai, nhiều công trình tại các khu đô thị rục rịch thi công như Khu đô thị Nam An Khánh, Thiên đường Bảo Sơn, Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco...
Những dự án đã hoàn thiện như Gemek Tower, Thăng Long Victory, Golden Land… các chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người mua như cam kết, mang lại niềm tin cho khách hàng. Đáng chú ý, việc nhiều khách hàng chuyển về sinh sống tại các dự án mang đến hy vọng BĐS khu vực phía Tây Hà Nội trong năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phát triển của phía Tây bắt đầu từ khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội thời điểm năm 2008. Thủ đô mở rộng về phía Tây khiến tốc độ đô thị hóa ở khu vực này diễn ra "chóng mặt". Nhiều “ông lớn” uy tín trong giới BĐS cũng bắt đầu “Tây tiến”. Trong số đó, không thể không kể tới đơn vị phát triển BĐS số 1 Việt Nam hiện nay với dự án biệt thự sinh thái đẳng cấp Vinhomes Thăng Long.
Các chuyên gia BĐS dự báo, trong năm 2017, những dự án nhà ở cao cấp sẽ khuấy động thị trường BĐS Tây Hà Nội như Roman Plaza của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Vinhomes Thăng Long, Vinhomes Green Bay Mễ Trì của Tập đoàn Vingroup…
Xem chi tiết tại đây.
Cuộc chiến sống còn của BĐS nghỉ dưỡng
Theo ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ lượng khách du lịch tiếp tục tăng; sự phát triển của tầng lớp trung lưu cùng với sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của tầng lớp thượng lưu tại Việt Nam. Xu hướng ngôi nhà thứ hai tại thị trường trong nước đang trở nên rõ rệt hơn và những khu vực có bãi biển như Đà Nẵng và Phú Quốc đang hưởng lợi rất lớn từ xu hướng này.
“Tuy vậy, người mua cần thận trọng đối với những dự án đang đưa ra mức lợi tức đầu tư đảm bảo quá lớn, như một chính sách ưu đãi, nhằm thu hút khách hàng. Xu hướng này có phần đáng lo ngại do những thống kê lợi nhuận từ các khu nghỉ dưỡng hiện tại và nhóm các BĐS nghỉ dưỡng được chủ đầu tư thuê lại tại Việt Nam không tương xứng với mức lợi tức được một số chủ đầu tư hứa hẹn.
Câu hỏi cần được đặt ra là: liệu khách hàng có đang trả mức giá quá cao cho căn hộ/ biệt thự của họ để được hưởng mức lợi tức cam kết rất cao này hay các chủ đầu tư có một công thức bí mật để có thể đạt được mức lợi nhuận cao hơn từ hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng so với mặt bằng chung hiện nay tại Việt Nam” - ông Erik Billgren chia sẻ.
Xem chi tiết tại đây.
Vốn thu hẹp, BĐS gặp khó?
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay năm 2016 tín dụng tăng trưởng 18%-19%, trong đó tín dụng BĐS ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015.
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng lại tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS cho thấy nguồn vốn vào lĩnh vực này là rất lớn và cần phải theo dõi sát sao.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao mà phần nhiều có liên quan đến BĐS sẽ tiềm ẩn rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Bởi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn và không kỳ hạn, chiếm gần 90%, trong khi vay tiêu dùng ở lĩnh vực BĐS lại có thời hạn dài.
“Nếu đến hạn, vì nhiều lý do mà chủ đầu tư, cá nhân vay có liên quan đến BĐS không trả nợ đúng hạn thì sẽ gia tăng nợ quá hạn, nợ xấu. Như vậy sẽ gia tăng rủi ro thanh khoản cho chính các tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế” - bà Mùi giải thích.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nói nguồn vốn tín dụng được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS với ước tính cơ cấu vốn chiếm 70%-80% giá trị. Nhưng năm nay nguồn vốn này sẽ gặp khó khăn và thu hẹp hơn nhiều so với năm 2015-2016.
Ông Hiển nhấn mạnh: “Mặc dù các ngân hàng thương mại vẫn là nơi cung cấp nguồn vốn quan trọng nhất cho thị trường BĐS trong năm nay. Song với việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, cộng thêm các nguồn vốn huy động khác chưa thuận lợi… cho thấy nguồn vốn đổ vào thị trường này sẽ khó khăn”.
Xem chi tiết tại đây.
TP. HCM học tập Bình Dương xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng
Sáng 5-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM làm việc với tỉnh Bình Dương về kinh nghiệm đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, mô hình phát triển đô thị của Bình Dương đáng suy nghĩ để TP. HCM học tập. Trước hết là học tập kinh nghiệm tổ chức xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhu cầu này rất lớn đối với TPHCM; trong đó có mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng.
“Người lao động góp phần vào sự tăng trưởng của TP. HCM rất lớn nên điều kiện chỗ ăn, chỗ ở cho người lao động hết sức quan trọng”, đồng chí Đinh La Thăng nêu và cho rằng TP. HCM muốn học tập kinh nghiệm của Bình Dương, kể cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công.
Xem chi tiết tại đây.