Giá nhà Hà Nội tiếp tục tăng
Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản Hà Nội trong 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam cho thấy, quý II/2021 là quý thứ 10 liên tiếp giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, kể từ năm 2017 đến nay, giá căn hộ sơ cấp Hà Nội đã tăng hơn 10% mỗi năm. Trong đó, tại quận Cầu Giấy ghi nhận mức tăng trung bình 14% mỗi năm, tại quận Long Biên tăng 12%/năm.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đã được thu hẹp dần. Trong đó, khu vực Gia Lâm đã ghi nhận mức giá trên 40 triệu đồng/m2, tương đương giá căn hộ trung cấp trong nội thành.
Ở một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, giá nhà cũng tăng đều. Trong đó, giá căn hộ sơ cấp trung bình ở Hưng Yên hiện thấp hơn chỉ khoảng 20% so với Hà Nội.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đà Nẵng tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 16 quỹ đất để đầu tư dự án
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt danh mục 16 dự án quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 năm 2021 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai đấu giá quyền sử dụng đất 7 dự án của năm 2020 và 9 dự án lớn khác trong năm 2021. Những dự án này nằm tại các quận: Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ, Liên Chiểu…, được đánh giá có vị trí đẹp để đầu tư dự án.
Theo đó, 7 dự án được đấu giá quyền sử dụng đất của năm 2020 gồm: Dự án Khu du lịch liên kết nhà ở - Khu công viên phần mềm số 2 (24.452m2) thuộc phường Thuận Phước, quận Hải Châu; Khu đất A2.2 Khu dân cư An Hòa 4 (9.525m2) thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà; Khu đất A1.1 Võ Văn Kiệt (4.165,6m2), phường An Hải Tây, quận Sơn Trà; Khu đất A9 đường Võ Văn Kiệt (1.608m2), phường An Hải Đông, quận Sơn Trà; Khu đất A2.1 Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (2.212,4m2), phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá đất nền giảm nhưng lượng giao dịch vẫn hạn chế
Khác với thời điểm đầu năm, thị trường bất động sản đất nền hiện đã được kiểm soát sau cơn sốt cục bộ. So với thời kỳ cao điểm, giá đất nền đã giảm 10 - 20% nhưng lượng giao dịch vẫn thấp.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, đầu năm, đã có hiện tượng “sốt” đất nền cục bộ tại một số khu vực trên cả nước. Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng “sốt đất” ảo, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản. Đến nay, thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đặc biệt, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá từ 10 – 20% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.
Theo Báo cáo của Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng mua bán bất động sản cũng như mức độ quan tâm của các nhà đầu tư trên trang bất động sản trực tuyến về phân khúc này sụt giảm mạnh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản chờ cơ hội từ chính sách mới
Nửa đầu năm, thị trường bất động sản trôi qua khá nặng nề bởi lần bùng dịch Covid-19 trên diện rộng. Trong cơn bĩ cực, doanh nghiệp bất động sản chỉ biết chờ cơ hội từ các chính sách mới.
Ba đợt dịch đầu tiên xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Đến đợt dịch lần thứ tư này, thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Đây như một “rào chắn” buộc tất cả hoạt động phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Đây cũng là cú đánh trực diện khiến thị trường bất động sản không có cách nào né tránh được.
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều kịch bản có khả năng sẽ xảy ra vào những tháng còn lại của năm 2021. Trong đó, kịch bản tích cực là thị trường bất động sản sẽ hồi phục một phần vào giữa quý III và khởi sắc trở lại trong quý IV/2021 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vaccine, còn các công ty bất động sản có 100% nhân viên được tiêm phòng. Thị trường bất động sản tháng cuối năm 2021 có khả năng tăng trưởng ít nhất 25 - 30% so với 6 tháng đầu năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giảm tiền cho khách thuê, chủ nhà lo ôm nợ
Không chỉ người thuê nhà khóc ròng vì chi phí sinh hoạt mùa dịch, các chủ nhà, người cho thuê cũng lên tiếng.
"Tôi cũng khổ lắm chứ. Mùa dịch, nhà bị phong tỏa, phòng trống không ai ở. Trong khi lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều, không giảm. Chi phí điện nước các thứ có giảm đâu. Như tôi xoay xở này kia còn co kéo giảm giá cho người thuê được, chứ một số chỗ họ không làm cũng phải, vì bao nhiêu chi phí đổ dồn. Mùa này, ai cũng khổ hết" – bà Vy, một chủ nhà ở quận 10 phân trần.
Lỗ là vậy, thay vì giữ nguyên giá tiền phòng trọ như những ngày bình thường, bà Vy chủ động giảm tiền nhà, để vừa giúp đỡ người thuê, vừa giữ chân họ để không bị dồn lỗ khi tỉ lệ phòng trống quá lớn.
"Họ cũng khó khăn đủ thứ, giờ giảm giá vừa giúp sức họ, vừa giữ chân. Giờ mà làm khó quá, họ không kham nổi trả phòng mình cũng mệt, vì tiền cọc nhiều nhà cũng còn nhiều. Mà phòng trống thì lấy ai thuê trong thời buổi này? Nên cái gì làm được thì nên làm. Nói làm việc tốt thì tôi không dám nhận, nhưng tôi nghĩ vậy." – bà Vy cho biết.