Khu vực phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm, được mệnh danh là nơi “tấc đất tấc vàng”,“hái ra tiền” nhờ vị trí đắc địa, là khu phố du lịch, thu hút nhiều khách tham quan nên rất thuận lợi cho việc kinh doanh.
Nhà mặt tiền tại các con phố Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đậu… xưa nay vẫn luôn được các tiểu thương săn đón bởi độ hiếm và đem lại nguồn thu cao ngất ngưởng từ việc kinh doanh, buôn bán. Dù giá thuê lên đến cả trăm triệu đồng/tháng nhưng có thời điểm, tìm “đỏ mắt” cũng không thấy mặt bằng trống cho thuê.
Chính bởi lợi nhuận cao từ việc cho thuê nên nhiều chủ hộ ở phố cổ chưa bao giờ có ý định bán nhà phố cổ, dù không có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 ập đến, hiệu suất cho thuê giảm, thậm chí về mức bằng 0, nhiều chủ nhà đã bắt đầu có động thái rao bán nhà.
Mặt khác, những doanh nghiệp nhỏ trước đây mua nhà phố cổ để làm khách sạn, sau khi “thấm đòn” nặng bởi dịch Covid-19, nguồn thu không thể duy trì nên buộc phải bán để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, có nhiều chủ nhà đều cần tiền gấp, hoặc do vay ngân hàng để đầu tư nhà phố cho thuê, tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng mà hiện tại tiền thu về khá chật vật nên việc bảo toàn nguồn vốn được đặt lên hàng đầu, buộc họ phải rao bán nhà.
Đặc biệt, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 với tình hình căng thẳng hơn đã dập tắt mọi hy vọng về khả năng phục hồi của phân khúc cho thuê nhà tại phố cổ. Thực tế, sau một thời gian dài gồng lỗ, hầu hết các chủ kinh doanh khách sạn đành phải ngậm ngùi rao bán vì không thể tiếp tục trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Một số khách sạn vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh trong nhiều tháng qua để giữ vị trí tốt đến nay cũng chấp nhận đăng tin sang nhượng, bán nhà.
Dạo một vòng phố cổ và các trang tin, không khó bắt gặp hàng loạt những căn mặt phố đang được rao bán với giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng với lời chào "vị trí sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 300 triệu đồng/tháng".
Con phố Hàng Bông dài 932m nhưng có đến 15 nhà đang được rao bán. Phố Hàng Bạc chỉ dài 330m nhưng đã có hơn 10 nhà mặt phố đang giăng biển bán nhà. Cũng tương tự, phố Hà Trung chỉ dài 260m cũng có tận gần 10 tin rao bán khác nhau… Thực tế này do thấy, dường như đang có một cuộc đua tranh bán nhà đất tại phố cổ.
Theo khảo sát của phóng viên, dù lượng nhà rao bán gia tăng nhưng thực tế giao dịch chuyển nhượng không có nhiều. Nguyên nhân được nhiều môi giới bất động sản chia sẻ là do chủ nhà vẫn neo giá rất cao, thậm chí còn tăng lên so với trước.
Đơn cử như, một toà nhà 10 tầng xây trên diện tích 390m2 với mặt tiền 9,5m nằm trên phố Hàng Bông hiện được bán tới 650 tỷ đồng, tức là 1,6 tỷ đồng/m2, mức giá đắt kỷ lục từ trước đến nay.
Một chủ nhà tại con phố này cho biết, so với cuối năm 2019, giá đất tại phố Hàng Bông gần như không thay đổi nhiều, thậm chí, nếu khách hàng có thiện chí mua, chủ nhà sẵn sàng giảm 5 - 7% giá trị nhà. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, do giá đất mặt đường rất cao nên ít khách hàng cá nhân chú ý tới. “Mặc dù sẵn sàng giảm giá cho khách, song ngôi nhà của tôi rao bán đã nửa năm vẫn chưa có khách mua”, vị này cho hay.
Một ngôi nhà trên mặt phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm với diện tích 625m2, mặt tiền 13,5m được coi là “vị trí kim cương” trung tâm Hà Nội được rao bán 625 tỷ đồng, tương đương với 1 tỷ đồng/m2. Nhà tại Phố Hàng Đường với diện tích 58m2 được bán với giá 60 tỷ đồng, tương đương với 1,03 tỷ đồng/m2... Nhà mặt phố Tạ Hiện có diện tích 22m2 cũng đang được bán với giá 19 tỷ đồng, tương đương 864 triệu đồng/m2...Trên con phố Hàng Bạc, một căn nhà với diện tích chỉ 37m2 cũng được rao bán 26 tỷ đồng, tức 703 triệu đồng/m2.
Hiện tại, cơ sở hạ tầng khu vực phố cổ tương đối xuống cấp. Có những ngôi nhà mới chỉ cải tạo mặt tiền, bên trong xuống cấp trầm trọng, chật chội nhưng vẫn đang được rao bán với giá “trên trời” bởi độ khan hiếm và nằm gọn trong “khu đất vàng” của Thủ đô. Tuy nhiên, mức giá bán hiện đang không có cơ sở rõ ràng nào để định giá, chủ yếu là căn cứ vào giá từ nhà hàng xóm rao bán, hoặc tình hình thực tế tại thời điểm rao bán và dò xét thái độ người mua.
Theo tìm hiểu, những khách mua đất khu vực này không vì nhu cầu ở thực mà đa số mua để cho thuê lại và tính giá trị lâu dài. Do đó, nếu mức giá tiếp tục neo cao, việc không có giao dịch dù lượng cung rao bán tăng là điều hiển nhiên.
Chị Chu Thị Minh, nhân viên môi giới bất động sản phố cổ cho hay, đa phần những người có nhu cầu mua bất động sản phố cổ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chứ rất ít người mua để ở do điều kiện sống khu vực phố cổ ngoài sự thuận tiện ra thì khá chật chội, bí bách, tối tăm. Chính vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát, khách du lịch chưa quay trở lại như trạng thái bình thường mới, tình trạng chủ nhà phố cổ đua nhau rao bán nhưng vẫn “dài cổ” chờ khách mua sẽ còn diễn ra trong thời gian dài nữa./.