Giao dịch bất động sản cận Tết khởi sắc
Nhiều sàn môi giới bất động sản phía Nam đang ra sức đẩy mạnh hoạt động bán hàng vào thời điểm cuối năm nhằm tranh thủ dòng tiền dồi dào trong dân.
Dù giao dịch trên thị trường không sôi động như mọi năm do thiếu nguồn cung nhưng cũng đã khởi sắc hơn các tháng trước.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8 - 10%/năm. Trong 9 tháng của năm 2019, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự kiến, cả năm kiều hối đạt khoảng 5 tỷ USD. Lượng kiều hối thường dồn vào cuối năm nên đây chính là thời điểm tốt nhất để môi giới bất động sản kiếm hợp đồng. Tuy nhiên năm nay, lượng dự án mới triển khai ít ỏi, ngân hàng siết tín dụng, thủ tục rà soát dự án… khiến giao dịch chậm hơn.
Theo khảo sát của PV, Khu Đông vốn là thị trường có lượng sản phẩm rao bán đa dạng nhưng cuối năm cũng chỉ có thêm 2 - 3 dự án mới chào bán là An Phu New City quận 2, khu biệt thự Senturia Central Point quận 9. Ngoài hai dự án này, còn một chung cư hiện hữu rao bán đợt cuối với nguồn cung khoảng 120 căn.
Khu Nam có thêm 2 dự án cũ chào bán tiếp theo là tòa căn hộ HR3 thuộc dự án Eco Green Saigon quận 7 và Lovera Vista (huyện Bình Chánh). Bên cạnh đó, 400 căn hộ thuộc dự án Chung cư CC7 tại huyện Bình Chánh cũng được Sở Xây dựng cho phép mở bán trong năm 2019.
Lãnh đạo một sàn môi giới tại quận Bình Thạnh chia sẻ, nguồn cung sản phẩm cuối năm nay khan hiếm thấy rõ nếu so với các năm trước, không chỉ ở TP.HCM mà cả những dự án triển khai tại tỉnh cũng chào hàng với số lượng hạn chế, nhất là các dự án đất nền. Một số chủ dự án quyết định dời lịch mở bán dù danh sách khách hàng đặt mua cao hơn dự kiến.
Anh N.V. Phúc, một môi giới bất động sản lâu năm tại khu vực Thủ Đức cho biết, rổ hàng của các dự án đưa ra thị trường từ đầu năm đến nay khá ít, chủ yếu là các dự án quy mô từ vài trăm căn. Đến thời điểm này hầu như chỉ có dự án tại quận 9 là có nguồn cung lớn, song giá bán khá cao. Thị trường có xu hướng chậm lại, nhưng nhu cầu của người mua không giảm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đông Anh, Đan Phượng sẽ là "điểm nóng" về sản phẩm biệt thự, liền kề
Đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn biệt thự, liền kề tung ra thị trường Hà Nội, trong đó huyện Đông Anh và Đan Phượng chiếm 57% nguồn cung.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu - Tư vấn Savills Hà Nội, thị trường bất động sản Hà Nội 2020 được dự báo nguồn cầu sẽ tốt vì tốc độ tăng trưởng dân số Hà Nội vẫn duy trì ở mức 2,2%. Trong giai đoạn từ 2009 - 2019, theo tổng điều tra dân số thì số hộ dân của Hà Nội tăng lên 50.000 hộ. Như vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội đang được dự báo tốt, nhu cầu nhà ở đi cùng với nó được hậu thuẫn bởi tốc độ đô thị hoá, triển vọng 2020, ngoại trừ những rào cản về hỗ trợ tín dụng hay chậm trễ xem xét cấp phép dự án, thị trường vẫn có nguồn cung đảm bảo bởi các dự án đang xây dựng hiện nay sẵn sàng cho thời gian tới.
Nếu tình hình xem xét và phê duyệt dự án trong năm 2020 không cải thiện hơn, thì nguồn cung năm tiếp theo 2021 và 2020 sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người mua vì giá căn hộ gia tăng. Điều này sẽ tác động đến các nhà đầu tư khi nguồn vốn bị hạn chế, buộc họ phải tìm kiếm các kênh huy động vốn khác. Đây là một thách thức, nhưng nếu được giải quyết sớm thì thị trường sẽ phát triển bền vững.
Về nguồn cung tương lai, Savills cho hay, biệt thự liền kề trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều ở khu vực Đan Phượng, Đông Anh, chiếm đến 57%. Ngoài ra, nguồn cung cũng sẽ đến từ những quận như Hà Đông, Hoàng Mai, Từ Liêm, Đan Phượng.
Đại diện Savills Hà Nội cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận. Tuy nhiên để lên được quận thì phải đạt rất nhiều tiêu chí như quy mô dân số, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng… Do đó, dù thời gian qua báo chí nói nhiều đến chuyện “sốt đất” ở các khu vực này nhưng việc lên quận có lộ trình, cần nhiều thời gian, nên nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng, nghiên cứu kỹ càng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường địa ốc: Cuối năm 2020 sẽ phục hồi, sốt giá đất nền một số nơi
Dự báo thị trường bất động sản năm 2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Thành phố, có thể từ quý III/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.
Cũng theo HoREA, năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra bong bóng nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
“Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức”, HoREA nhận định.
Theo Hiệp hội này, sang năm 2020, phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm.
Trước đó năm 2019, HoREA cho rằng, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở tại TP.HCM bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cũng đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018.
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá phòng khách sạn tại TP.HCM lập đỉnh trong vòng 5 năm
Theo khảo sát của Savills, năm 2019, giá phòng trung bình của các khách sạn đạt mức 85 USD/phòng/đêm, cao nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo của Savills cho biết, trong năm 2019, nguồn cung khách sạn tại thị trường TP.HCM có trên 15.900 phòng, đến từ 125 khách sạn 3 - 5 sao. Riêng quý IV/2019, thị trường không có nguồn cung mới. Nguồn cung giảm 1% theo quý do ba khách sạn 3 sao đóng cửa nhưng vẫn tăng 1% theo năm.
Trong quý, thị trường khách sạn vẫn hoạt động tốt, tỷ lệ lấp đầy đạt 74%, tăng 13% điểm phần trăm theo quý và 1% theo năm.
Theo khảo sát của Savills, năm 2019, giá phòng trung bình của các khách sạn đạt mức 85 USD/phòng/đêm, cao nhất trong 5 năm qua. Sự tăng giá này được dẫn dắt bởi giá phòng khách sạn 5 sao.
Dự báo về giá phòng khách sạn năm 2020, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, năm 2019, lượng cầu trên thế giới đã tăng trưởng chậm lại và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo sang năm 2020. Theo đó, giá phòng năm nay sẽ không giảm, tuy nhiên không có những bước tiến tăng trưởng mạnh.
"Tại TP.HCM, bước sang năm 2020 không có nhiều sản phẩm gia nhập nguồn cung trong thời gian tới nên sức cạnh tranh không có nhiều. Tổng kết lại, chúng tôi đánh giá mức giá phòng khá cân bằng với hiện tại, nếu tăng chỉ tăng trưởng nhẹ", ông Mauro Gasparotti nhận định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngân hàng cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản
Theo ngân hàng SHB, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội cũng có xu hướng gia tăng. Nhiều đối tượng lợi dụng uy tín, thương hiệu của các ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng (KH).
Trong đó có 3 thủ đoạn phổ biến.
Thủ đoạn thứ nhất, đối tượng lừa đảo yêu cầu KH cung cấp thông tin bảo mật. Theo đó, đối tượng thường mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo cho KH có khoản tiền chuyển vào tài khoản nhưng bị lỗi giao dịch. Để nhận tiền, KH cần cung cấp user, mật khẩu đăng nhập và mã xác thực giao dịch (OTP; Smart OTP); Hoặc Mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản của KH bị xâm nhập. Để đảm bảo an toàn KH cần cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu giao dịch InternetBanking; mã xác thực giao dịch.
Thủ đoạn thứ hai: Yêu cầu khách hàng chuyển khoản gấp. Theo đó, tội phạm lừa đảo mạo danh người thân/người quen (do hack được facebook, zalo, viber, messenger của những người này…) nhờ mua thẻ điện thoại/thanh toán chuyển khoản tới tài khoản do kẻ gian chỉ định; Mạo danh cơ quan công an đe dọa KH có liên quan đến đường dây tội phạm.
Thậm chí đối tượng lừa đảo còn cung cấp số điện thoại của cơ quan chức năng, có nhân sự trực tổng đài trả lời thông tin bài bản, yêu cầu KH không được tiết lộ thông tin cho bất kỳ ai. KH cần chuyển tiền gấp đến tài khoản do kẻ gian chỉ định để phục vụ công tác điều tra; Thông báo KH trúng thưởng, nhận được quà tặng/ bưu kiện có giá trị. Để nhận quà KH cần chuyển khoản một số tiền (thường rất nhỏ so với giá trị quà tặng) đến tài khoản do kẻ gian chỉ định.