Aa

Bất động sản 24h: Giao dịch nhà đất vùng ven TP.HCM tĩnh lặng

Thứ Tư, 26/02/2020 - 10:30

Giao dịch nhà đất vùng ven TP.HCM tĩnh lặng; Hóa giải "gót chân Asin", bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn bứt tốc... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Giao dịch nhà đất vùng ven TP.HCM tĩnh lặng

Đầu tư gần 4 tỷ đồng để hùn vốn cùng người quen mua một lô đất lớn tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), anh N.V.Thành (Lý Thường Kiệt, quận 10) đang nhờ cậy nhiều sàn môi giới rao bán lại trên các diễn đàn nhà đất từ tháng 1/2020 đến nay vẫn chưa ra được hàng.

Được biết thời điểm cuối tháng 11/2019, khi thị trường đột nhiên sôi động, nhiều môi giới khuyên anh bán ra nhưng anh chần chừ. Không ngờ chỉ sau 3 tháng, thị trường gần như chững lại, không còn giao dịch, rất ít khách hỏi mua, các sàn cũng không hứa hẹn ra được hàng trong tháng 2 này.

“Môi giới đang rao bán hộ tôi cho biết, có thể phải hết tháng 3 thị trường mới khởi sắc. Do tình hình dịch bệnh nên việc kinh doanh gặp khó khăn, tôi cần xoay vốn nên chấp nhận bán nguyên giá gốc vẫn không tìm được khách mua”, anh Thành chia sẻ.

Thực tế hiện nay, thanh khoản trên thị trường bất động sản tại các tỉnh thành lân cận TP.HCM đã sụt giảm mạnh. Anh Nguyễn Phúc Nguyên, quản lý một sàn môi giới đất nền dự án tại Bình Dương cho biết, nhìn vào tình hình thị trường hiện tại, nhiều doanh nghiệp có dự án triển khai trên địa bàn đều gần như hoãn các kế hoạch kinh doanh.

Trong tháng 2 hầu như không có dự án nào mở bán và ít nhất phải đến cuối tháng 3/2020 thị trường mới có nguồn hàng triển khai trở lại. Không có nguồn hàng, doanh nghiệp không mặn mà làm thị trường, khách hàng cũng không hào hứng giao dịch.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hóa giải "gót chân Asin", bất động sản nghỉ dưỡng Vân Đồn bứt tốc

Dù có nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm trước đây, rào cản về hạ tầng khiến Vân Đồn như tách ra khỏi sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Năm 2018, Vân Đồn chỉ đón 1,1 triệu lượt khách du lịch, chưa bằng 1/10 lượng khách đến Quảng Ninh.

Nhận thấy được “gót chân Asin” đang khiến huyện đảo này bị phát triển chậm pha, tỉnh Quảng Ninh đã có những chiến lược bứt phá trong việc phát triển đồng bộ hạ tầng, đưa một Vân Đồn vốn đang chìm vào cơn mê bỗng choàng tỉnh giấc.

Từ huyện đảo nghèo, hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở đều thiếu thốn, đến nay, đô thị Vân Đồn đã hoàn toàn thay đổi, khang trang, hiện đại với các tuyến giao thông kết nối được mở rộng, đầu tư mới, các khu đô thị quy hoạch đồng bộ... Đây là những tiền đề quan trọng để xây dựng Vân Đồn thành khu kinh tế biển hiện đại, trung tâm tài chính - du lịch của khu vực trong tương lai.

Cuối năm 2018, công trình giao thông trọng điểm, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội và các địa phương khác đến Vân Đồn. Đây là những dự án giao thông được kỳ vọng góp phần “đại khai phá” một Vân Đồn đầy tiềm năng nhưng còn sơ khai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực: UBND quận Ba Đình đề xuất 3 phương án tháo dỡ

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội diễn ra chiều 25/2, UBND quận Ba Đình thông tin về việc xử lý, tháo dỡ các bộ phận xây dựng sai phép tại công trình tòa nhà 8B Lê Trực.

Trước những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm để xảy ra vi phạm cũng như sự chậm trễ trong xử lý sai phạm, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình bày tỏ: "Để xảy ra vi phạm thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, trước hết là quận Ba Đình".

Trả lời về tiến độ xử lý sai phạm, ông Chiến cho hay, công tác xử lý vi phạm hiện đang gặp nhiều vướng mắc về mặt kỹ thuật, do đó, UBND quận vẫn đang tìm kiếm đơn vị thiết kế, tư vấn thiết kế tháo dỡ bộ phận sai phạm.

"Chúng tôi đã báo cáo TP về các khó khăn vướng mắc. UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc cùng UBND quận. Hiện, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đang phối hợp để tìm giải pháp, khi có giải pháp sẽ thông tin đến báo chí sau", ông Chiến cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Chiến, UBND quận đã gửi văn bản mời đến 30 đơn vị tư vấn, công ty xây dựng, các công ty này đều được đăng trên cổng thông tin của Bộ Xây dựng, đều là các đơn vị có năng lực, chuyên môn được công nhận, nhưng đơn vị thì nói không, đơn vị thì không trả lời.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sự giống nhau giữa Condotel và “Chisetel

Không chỉ hệ thống luật pháp liên quan đến việc bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân trong lĩnh vực bất động sản đã khá đầy đủ, không chỉ áp lực của thị trường phân khúc căn hộ du lịch (mà người ta thường gọi là Condotel) mấy năm nay nóng như miệng núi lửa, không chỉ đích thân Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu tháo gỡ… mà cho đến bây giờ, đứa con “ngoài giá thú” ấy mới được liệt vào dạng hợp pháp!

Mà đâu đã xong, ngay lập tức, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã “tố” lên rằng, còn sót một đứa con khác tương tự như condotel nhưng vẫn chưa được pháp luật công nhận, đó là nhà phố du lịch.

Vẫn chưa hết, hẳn mọi người còn nhớ hôm gần đây, tại cuộc tọa đàm do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức, một sản phẩm mới có tên là ApartHotel đươc Tập đoàn Crystal Bay giới thiệu và khẳng định rằng, đây là hướng đi mới đón đầu nhu cầu trải nghiệm của du khách, tạo nên hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh.

ApartHotel đã hình thành tại nhiều nước, nó chính là sự kết hợp giữa 2 từ Apartment và Hotel, là sự kết hợp giữa dịch vụ, tiện ích đẳng cấp vượt trội của khách sạn tiêu chuẩn quốc tế và sự tiện nghi của một căn hộ cao cấp. Tất cả các tiện ích này được chia sẻ cho các du khách lưu trú như bể bơi, phòng tập, khu massage,… đây chính là điều tạo nên sự khác biệt cho mô hình ApartHotel so với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng hiện có.

Xem thông tin chi tiết tại đây 

Đề xuất cho doanh nghiệp hoán đổi đất công xen cài ngay tại dự án

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố mới đây, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm trong những dự án nhà ở lại được đưa ra thảo luận.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2018, UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư đối với 170 dự án nhà ở thương mại. Trong đó có 124 dự án có quỹ đất hỗn hợp, phần lớn nằm ở các quận ven và huyện ngoại thành, có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dùng.

Trong số này, có 51 dự án đến nay đã hết thời hạn để hoàn thành các thủ tục đầu tư mà theo quy định chỉ có thời hạn 12 tháng. Kể từ tháng 9/2018, tất cả các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch Đầu tư để trình UBND thành phố ban hành "quyết định chủ trương đầu tư" theo quy định của Luật Đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top